VnReview
Hà Nội

Bộ não phản ứng ra sao khi chúng ta ăn ớt?

Ớt là một loại gia vị được nhiều người ưa dùng. Nó kích thích vị giác bởi vị cay nồng đặc trưng. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi rằng điều gì xảy ra trong bộ não khi chúng ta ăn ớt?

Bộ não sẽ phản ứng thế nào khi chúng ta ăn ớt?

Một bài viết trên trang Helix sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.

Khi nói đến thực phẩm, có 2 loại người trên thế giới này: những người "ăn để sống" và những người "sống để ăn". Tôi (tác giả bài viết, VnReview xin giữ nguyên đại từ nhân xưng trong bài viết) là một người khá sành ăn. Nếu tôi không trở thành một nhà khoa học, tôi sẽ trở thành một đầu bếp hoặc thợ làm bánh. Khi trải qua một ngày tồi tệ, thực phẩm sẽ làm tôi phấn chấn trở lại. Khi tôi có một ngày tuyệt vời, thực phẩm chính là cách mà tôi ăn mừng. Tôi thích những món chiên, nhưng gần đây tôi đã trở thành tín đồ của các loại gia vị, đặc biệt là ớt.

Một vài năm trước đây, tôi đã thề rằng mình sẽ không bao giờ ăn ớt: "Có điên mới ăn một cái gì đó cay để rồi chảy nước mắt". Rồi mọi thứ thay đổi kể từ khi chồng tôi khuyên tôi thử một món ăn có vị cay. Tôi không nói dối đâu, cảm giác đầu tiên của tôi là nó khô và đôi môi như muốn bốc cháy. Tôi uống hết một ly nước lạnh để cứu vãn tình hình.

Tuy nhiên, tôi dần quen với vị cay, thậm chí là trở nên "khao khát" nó. Tôi ngày càng tìm kiếm các món ăn cay hơn, nóng hơn. Bạn có thể nói rằng tôi đã bắt đầu "nghiện" món ăn cay nhưng đây là điều không chính xác. Mặc dù bạn có thể thèm ăn cay nhưng cơ thể của bạn sẽ không có hiện tượng phụ thuộc vào nó như với caffeine, nicotine hay những chất gây nghiện khác. Tuy nhiên, có một số chất hóa học và cả hệ thần kinh tham gia vào việc khiến bạn thèm ăn cay.

Ở góc độ khoa học, cảm giác nóng rát liên quan đến việc ăn ớt đến từ một hợp chất được gọi là capsaicinoid. Đáng ngạc nhiên khi "nóng" hay "cay" không phải hương vị mà là một cảm giác.

Bộ não sẽ phản ứng thế nào khi chúng ta ăn ớt?

Khi tiếp xúc với lưỡi, capsaicinoid tương tác với một loại protein đặc biệt nằm trên bề mặt của các tế bào thần kinh (ở lưỡi). Protein này được gọi là TRPV1, nó đóng vai trò như một cảm biến giúp cung cấp thông tin bên ngoài cho tế bào. Thông thường, TRPV1 được tiết ra theo nhiệt (vật lý), ví dụ như sức nóng của một ngọn lửa khoảng 43 độ C. Tín hiệu náy sẽ khiến các tế bào thần kinh kể trên kích hoạt các tế bào thần kinh khác mang thông điệp đến não (để não phản ứng lại với mức độ nguy hiểm đang xảy ra).

Khi capsaicinoid tương tác với TRPV1, chúng sẽ gửi về não cảnh báo đang bị đốt nóng dù cho thực sự không có lượng nhiệt vật lý nào được sinh ra. Lưu ý: TRPV1 cũng tồn tại trên tế bào ở nhiều vị trí khác chứ không riêng gì lưỡi, đó là lí do bạn phải rửa tay sau khi tiếp xúc với ớt hay vì sao không nên để ớt tiếp xúc với mắt.

Bây giờ chúng ta đã biết tại sao lại có cảm giác nóng rát khi ăn ớt. Và bạn có thể tiếp tục tự hỏi: "Chính xác thì cái gì khiến chúng ta có cảm giác nóng này?". Câu trả lời nằm trong bộ não của chúng ta. Capsaicinoid lừa bộ não chúng ta rằng nó đang bị đốt cháy và gây ra cảm giác đau đớn thông qua sự dẫn truyền của các dây thần; kinh.

Vâng, khi cơ thể bạn có cảm giác bị đau ở đâu nó, sẽ sẽ gửi tín hiệu về cho não. Thông điệp này được gửi đi từ vị trí ban đầu, thông qua một mạng lưới các tế bào thần kinh liên kết với nhau thông qua dẫn truyền thần kinh (chủ yếu là truyền các thông tin hóa học). Một tin nhắn như vậy được sản xuất bởi capsaicinoid mà người ta gọi là chất P – chất này khiến các tế bào thần kinh truyền đi tín hiệu đau.

Bộ não phản ứng bằng cách phát hành một loại dẫn truyền thần kinh được gọi là endorphins. Endorphins là cách tự nhiên của cơ thể giảm đau bằng cách ngăn chặn khả năng truyền tín hiệu đau của dây thần kinh. Ngoài ra, còn một dẫn truyền thần kinh khác được tạo ra gọi là dopamine chịu trách nhiệm cho cảm giác tận hưởng và niềm vui. Vì vậy, một số người tỏ ra "hưng phấn" khi ăn cay (do dopamine).

Bạch Đằng

Chủ đề khác