VnReview
Hà Nội

Các nhà khoa học đã tìm ra cách làm lành vết thương mà không để lại sẹo

Dù là một cuộc phẫu thuật, hay một lần cạo râu vụng về, hoặc một lần đi xe đạp bị ngã chấn thương khi bạn mới lên 5 tuổi, tất cả đều để lại một vết sẹo mà mọi người đều mong muốn nó mờ dần đi.

Theo Business Insider, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để vết thương có thể lành như bình thường, không còn vết sẹo nữa, da sẽ được tái sinh, thay vì các mô sẹo - điều mà trước đây được cho là không thể đối với động vật có vú.

"Về cơ bản, chúng ta có thể chữa lành vết thương, để làn da tái sinh, không còn sẹo nữa", George Cotsarelis, trưởng khoa da liễu của Đại học Pennsylvania, nói. "Bí mật nằm ở việc đầu tiên phải tái tạo các nang lông. Sau đó, chất béo sẽ được tái tạo".

Nếu bạn từng tự hỏi tại sao mô sẹo lại trông khác với làn da bình thường vậy, đó là vì mô sẹo không chứa tế bào chất béo hoặc các nang lông.

Loại da dùng để tái tạo bề mặt vết thương sẽ chứa nhiều tế bào chất béo, được gọi là tế bào mỡ, giống như da khi bạn sinh ra. Loại da này cùng với da trên bề mặt vết thương sẽ trộn lẫn với nhau khi vết thương lành, và như thế, da sẽ không còn sẹo nữa.

Nhưng mô sẹo được làm gần như hoàn toàn bằng các tế bào gọi là myofibroblasts, và không hề chứa tế bào mỡ. Điều này cũng tương tự như khi làn da bị lão hóa – nghĩa là khi chúng ta già đi, chúng ta mất các tế bào mỡ trong da, khiến làn da đổi màu, nhăn nheo.

Nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra cách để các chất myofibroblasts có trong mô sẹo có thể biến đổi thành tế bào mỡ, như vậy mô sẹo có thể trở thành làn da mới tái tạo - điều mà các nhà khoa học nghĩ chỉ có thể làm với loài cá và loài lưỡng cư.

"Những phát hiện cho thấy chúng ta có cơ hội sẽ không bị sẹo sau khi lành vết thương", Maksim Plikus đến từ trường Đại học California, nói.

Nghiên cứu trước đây của nhóm cho thấy các tế bào chất béo và nang lông phát triển tách biệt nhau trong da tái tạo, nhưng không độc lập – và các nang lông sẽ phát triển trước.

Nghi ngờ sự phát triển của nang lông thực sự hỗ trợ sự phát triển của các tế bào chất béo trong da tái tạo, các nhà nghiên cứu muốn xem điều gì sẽ xảy ra nếu họ kích thích nang lông phát triển khi hình thành mô sẹo ở chuột và các mẫu da người ở phòng thí nghiệm. Điều này chưa từng xảy ra trong tự nhiên, vì mô sẹo không hề có nang lông.

Cuối cùng họ phát hiện ra các nang lông tiết ra một loại protein gọi là Bone Morphogenetic Protein (BMP) ngay khi chúng bắt đầu hình thành, và dẫn đến biến đổi chất myofibroblasts thành các tế bào mỡ.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm làm lành vết thương không để lại sẹo trên chuột và mẫu da người thí nghiệm

Nếu các nang lông được kích thích phát triển tại chỗ vết thương, làn da mới sẽ trông không khác gì da bình thường, nghĩa là chúng ta sẽ không còn sẹo nữa.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng ta có khả năng tác động lên các myofibroblasts, và chúng thực sự có thể biến đổi thành các tế bào mỡ", Cotsarelis nói.

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ mới là thử nghiệm đối với chuột và các mẫu da người thí nghiệm, nó rất khác với việc tiến hành trên vết thương của một người bình thường. Dù vậy, đây thực sự là phát hiện lớn, bởi vì cho đến nay các nhà khoa học vẫn nghĩ rằng việc chuyển các myofibroblasts thành tế bào mỡ (adipocytes) là điều không thể xảy ra với động vật có vú.

Hoàng Lan

Chủ đề khác