VnReview
Hà Nội

Tại sao công nghệ thực tế ảo vẫn “dậm chân tại chỗ”?

Khi Facebook mua lại công ty Oculus vào năm 2014 với giá 2 tỷ USD, Mark Zuckerberg - CEO của Facebook đã đưa ra một dự đoán khá táo bạo rằng thực tế ảo (VR) sẽ nhanh chóng trở thành một phần trong cuộc sống của hàng tỷ người. Thế nhưng một năm trở lại đây VR hầu như "dậm chân tại chỗ".

Theo Business Insider, thiết bị VR đầu tiên đã được Morton Heilig phát minh từ năm… 1962. Tuy nhiên, phải đến khoảng hơn chục năm trở lại đây VR mới được ứng dụng rộng rãi nhờ những tiến bộ trong phần cứng và phần mềm. Trong bài phát biểu khi mua lại Oculus VR, Mark Zuckerberg nhận định: "Vào thời điểm này, chúng tôi có thể tập trung phát triển mạnh công nghệ có thể đem lại cho người dùng những trải nghiệm giải trí thú vị. Chúng tôi tin tưởng rằng công nghệ nhập vai như VR, AR sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của hàng tỷ người".

Gần ba năm sau, Zuckerberg đã phải đứng ra làm chứng trong một vụ kiện Oculus đánh cắp phát minh. Lúc này, Zuckerberg thừa nhận công nghệ VR đã không phát triển nhanh chóng như anh dự đoán. Zuckerberg đã đúng. Nhiều bằng chứng cho thấy VR đã không trở thành một công nghệ "nóng" như mọi người nghĩ. Nó đang đi theo con đường của đồng hồ thông minh, khi ra mắt thì rất hứa hẹn, nhưng càng ngày càng nhàm chán.

Những chướng ngại khiến VR chưa phổ dụng

Sau thời điểm ra mắt của kính Oculus Rift và HTC Vive, chúng ta chưa thấy có một trò chơi hay ứng dụng đột phá nào dành cho VR. Hơn nữa, giá thành của các thiết bị VR cũng là rào cản cho phần lớn người dùng. Một chiếc kính VR có giá khởi điểm 600 USD (13 triệu đồng). Nếu muốn điều khiển được chuyển động trong thế giới ảo thay vì đứng yên một chỗ, người dùng sẽ phải bỏ thêm tiền cho các thiết bị phụ trợ. Người dùng cũng cần có một chiếc máy tính mạnh mẽ với giá thành ít nhất là 500 USD (11 triệu đồng) để chạy các thiết bị phần cứng nói trên.

Sony được coi là vị cứu tinh cho công nghệ VR. Loại kính VR cao cấp mà Sony thiết kế tương thích với hàng chục triệu máy chơi game PlayStation 4 đang sử dụng trên thế giới, đem lại lợi thế rất lớn cho hãng. Tuy nhiên, cũng giống như HTC Vive và Oculus Rift, người tiêu dùng không tỏ ra háo hức với các trò chơi và nội dung dành cho kính PlayStation VR.

Google dường như cũng đang bối rối. Trong tuần trước, Google vừa giảm giá kính DayDream View xuống còn 49 USD (10,7 triệu đồng). Một bài viết trên trang The Information cho biết Google đã "thất vọng" với số lượng người sử dụng ít ỏi kính VR của hãng.

Theo dữ liệu mà công ty nghiên cứu thị trường SuperData cung cấp, số lượng các thiết bị VR tiêu thụ trên toàn cầu trong năm 2016 ở mức rất thấp. Trong đó sức tiêu thụ của kính PlayStation VR đã không được như mong đợi.

Chỉ một năm trước đây thôi, ngay trước thời điểm mà các mẫu kính VR chủ chốt được Oculus, Sony và HTC ra mắt, chúng ta dường như bước vào kỷ nguyên mới của công nghệ điện toán, giống như những gì mà Zuckerberg đã mô tả hồi năm 2014. Các khả năng của công nghệ VR dường như là vô tận.

Nhưng hiện tại câu chuyện đã thay đổi. VR có thể rất phù hợp để chơi game, nhưng rõ ràng nó không phải là một công nghệ điện toán mới. VR chỉ là bước đệm cho công nghệ AR (thực tế tăng cường), nơi mà các hình ảnh số do máy tính tạo ra sẽ được lồng vào thế giới thực. AR mới chính là công nghệ điện toán mới. Kính HoloLens của Microsoft là ví dụ sinh động nhất cho công nghệ AR.

Cả Google và Facebook cũng sẽ cho bạn biết một điều: Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của công nghệ VR, và tất cả mọi thứ mà các công ty công nghệ đang xây dựng ngày nay sẽ là tiền đề cho những dự án AR của họ trong tương lai.

Nhưng trong khi chờ đợi, VR vẫn sẽ là một sản phẩm "lấp chỗ trống" trên thị trường.

Đăng Khoa

Chủ đề khác