VnReview
Hà Nội

Năm gà với chuyện siêu âm gà “trọng nữ khinh nam”

Nếu như con người thích siêu âm giới tính thai nhi để chọn lựa đẻ con trai, thì đối với loài gà người ta lại siêu âm để lựa chọn gà mái. Công nghệ xác định giới tính gà từ trong trứng có thể sẽ được áp dụng tại Australia từ năm 2018.

Theo ABC.net.au, hiện nay trên thế giới ước tính có khoảng hơn 3 tỷ gà con thuộc giống đực bị tiêu hủy vài ngày sau khi nở. Chúng được tiêu hủy bằng các biện pháp như cho tiếp xúc với khí độc hoặc cho vào máy nghiền. Sở dĩ phải tiêu hủy gà trống mới nở là vì chúng không đẻ được trứng và cũng không lớn nhanh bằng gà mái để lấy thịt. Vì vậy, gà trống không có giá trị cho ngành công nghiệp chăn nuôi. Khoảng 50% số gà trống mới nở bị đem đi tiêu hủy ngay khi chúng mới được một ngày tuổi.

Cách thức tiêu hủy gà trống đã được chấp thuận rộng rãi trong ngành chăn nuôi, tuy nhiên nó lại vấp phải sự chỉ trích từ xã hội bởi không nhân đạo. Một đoạn phim do nhóm bảo vệ quyền lợi động vật Australia tiết lộ cho thấy, hàng nghìn con gà được đưa vào băng chuyền trước khi thả vào một máy nghiền công nghiệp.

Ở Việt Nam cũng có những người chuyên phân biệt giới tính gà mới nở bằng cách nhìn vào lỗ huyệt của gà hoặc màu lông. Đối với gà chăn nuôi ở mức độ công nghiệp, người ta thường lựa chọn gà mái để lấy thịt và trứng. Còn ở hộ gia đình nhỏ, người ta có xu hướng chọn gà trống vì bán được giá hơn.

Vậy làm sao để những con gà con không bị tiêu hủy một cách đau đớn? Công ty In Ovo có trụ sở tại Hà Lan đã phát triển một công nghệ có thể phát hiện giới tính của gà bằng cách phân tích các chỉ số sinh hóa khi chúng còn là bào thai 9 ngày tuổi với tỷ lệ chính xác đạt 95%.

Wouter Bruins, người đại diện của In Ovo nói rằng công ty này nhận thấy sự quan tâm rất lớn từ ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm đối với công nghệ mà họ đang phát triển. Ông Wouter cho biết: "Khi nghiên cứu công nghệ này, chúng tôi nhận thấy mình đã giúp xã hội giảm bớt nỗi lo trong việc tiêu hủy gia cầm, cũng như gia tăng hiệu quả cho ngành công nghiệp chăn nuôi". Công nghệ của In Ovo có thể phát hiện giới tính của gà trong trứng trong vòng 0,8 giây và sẽ được đưa ra thị trường vào giữa năm 2017.

Chăn nuôi gia cầm không còn là "ngành công nghiệp đóng"

Ông Wouter nói rằng, ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm ở châu Âu đã được hưởng lợi khi "mở cửa" cho người tiêu dùng tham gia trao đổi giải quyết các vấn đề liên quan đến gia cầm. "Đây là một chủ đề mở. Người tiêu dùng các sản phẩm gia cầm ngày nay đã có hiểu biết nhiều hơn. Họ muốn có một sự thay đổi và các trang trại chăn nuôi cũng vậy. Sự minh bạch giúp cho mọi người đều được hưởng lợi, kể cả gia cầm".

Ở Australia, nơi 6 triệu con gà trống bị tiêu hủy mỗi năm, một nông dân nuôi gà lấy trứng ở tỉnh Tamworth nói rằng những người chăn nuôi gia cầm rất vui mừng nếu được áp dụng công nghệ mới. Nông dân Bede Burke cho biết: "Giết một nửa số gà nở ra và tiêu hủy chúng là một công việc khá tốn kém. Công nghệ của In Ovo sẽ giúp chúng tôi giải quyết được vấn đề này".

Australia có thể là nước đầu tiên sử dụng công nghệ siêu âm giới tính gia cầm, dự đoán là đầu năm 2018. "Australia cũng giống như các nước châu Âu rất quan tâm đến quyền lợi vật nuôi. Sẽ thật tuyệt nếu công nghệ của chúng tôi được sử dụng tại quốc gia này", ông Wouter cho biết.

Ở Hoa Kỳ, Hiệp hội Các nhà sản xuất Trứng cũng cam kết sẽ ngăn chặn việc tiêu hủy khối lượng lớn gà con vào năm 2020.

Bên cạnh phương pháp xác định giới tính gà thông qua phân tích chỉ số sinh hóa mà công ty In Ovo đang phát triển, thì các nhà khoa học của Australia và Canada cũng đang nghiên cứu một phương pháp khác liên quan đến đánh dấu gen.

Các nhóm bảo vệ quyền lợi động vật rất hoan nghênh những công nghệ áp dụng để xác định giới tính gà. Emma Hust, Giám đốc tổ chức giải phóng động vật đã thúc giục ngành công nghiệp gia cầm Australia sớm áp dụng công nghệ mới. Bà Emma cho biết: "Mọi người đều thấy rằng việc tiêu hủy gia cầm từ trước đến nay là quá man rợ. Hiệp hội Trứng Australia cần phải đưa ra những cam kết tương tự như Đức và Hoa Kỳ để ngăn chặn sự tiêu hủy gà trống một ngày tuổi".

Đăng Khoa

http://www.stuff.co.nz/business/farming/80974034/Poultry-industry-hails-potential-to-avoid-male-chick-cull

Chủ đề khác