VnReview
Hà Nội

Tại sao gấu trúc lại có hai màu đen – trắng

Có thể bạn chưa thật sự nhìn thấy một chú gấu trúc ngoài đời thực bao giờ, nhưng nhắc đến gấu trúc,chắc chắn ai cũng có thể hình dung ra một loài vật mũm mĩm, đáng yêu với lớp lông dày xụ. Hai màu lông đen trắng đan xen đặc trưng của loài gấu đặc biệt này đã khiến chúng trở thành loại vật dễ nhận biết nhất trên thế giới. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao lại là màu đen và trắng? Tại sao chúng lại có màu sắc độc đáo đến vậy?

Chú gấu Panda 5 tháng tuổi Huamei II đang nghịch ngợm trong tuyết tại trung tâm nghiên cứu gấu trúc vào ngày 18/1/2005, tại Wolong, Trung Quốc.;Nguồn ảnh: Getty Images

Các nhà khoa học giải thích: "Để giúp chúng trốn những kẻ săn mồi, cả trong tuyết lạnh và trong bóng tối. Thêm nữa, các vòng tròn màu đen quanh mắt gấu trúc giúp những con gấu khác nhận ra chúng".

"Hiểu được tại sao gấu trúc có màu sắc độc đáo và đặc trưng như vậy là cả một vấn đề đã kéo dài nhiều năm nay trong lĩnh vực sinh học và rất khó giải thích triệt để vì gần như không có loại thú có vú nào sở hữu ngoại hình có đặc điểm tương tự như gấu trúc cả" – Tim Caro, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư tại đại học California, cho biết trong một tuyên bố của mình.

Theo Live Science, để tìm ra nguyên nhân, Caro và các đồng nghiệp của mình đã nghiên cứu các bức ảnh của gấu trúc và của 195 loài động vật ăn thịt khác, trong đó có 39 loài thuộc phân loài gấu. Sau đó, họ ghi chép lại các quan sát về màu sắc trên các vùng cơ thể của các động vật khác nhau, và so sánh với vùng cơ thể của gấu trúc.

"Điểm đột phá của nghiên cứu này là các nhà khoa học đã phân tích, xử lý các phần khác nhau của cơ thể động vật một cách riêng biệt" – Caro cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã thử kết nối những vùng lông màu đen với các biến thể sinh thái và hành vi khác nhau để nghiên cứu tác dụng của chúng.

Sau nhiều so sánh khác nhau, các nhà nghiên cứu đã xác định được phần lông trắng của loài gấu trúc khổng lồ - ví dụ như vùng mặt, vùng cổ, vùng bụng và vùng mông – giúp chúng ẩn náu trong tuyết trắng. Ngược lại, những vùng lông đen ở tứ chi giúp chúng ẩn náu trong bóng đêm.

Có thể nói, màu trắng – đen của gấu trúc có vẻ như không liên quan lắm đến sự thích nghi, khả năng điều chỉnh nhiệt độ hay sự hỗn loạn màu sắc – những đặc trưng thường gặp ở một số động vật đặc biệt. Các nhà nghiên cứu cũng không tìm được bằng chứng đáng tin cậy cho quan niệm những vòng tròn đen quanh mắt gấu có tác dụng giảm sự chói lóa.

Sơ đồ tổng kết màu sắc độc đáo của gấu trúc. Nguồn: Ricky Patel

Rất có khả năng rằng màu lông của gấu trúc là kết quả từ thói quen ăn uống của chúng. Gấu trúc được biết đến với thói quen chỉ ăn tre. Tuy nhiên, chúng không có vi khuẩn đường ruột để tiêu hóa các thực vật cứng một cách hiệu quả - theo một nghiên cứu vào năm 2005 ở tạp chí mBio. Thay vào đó, gấu trúc lại có vi khuẩn đường ruột thừa kế từ tổ tiên của họ - loài gấu ăn thịt.

Và bởi vì gấu trúc hấp thụ rất ít chất dinh dưỡng từ việc ăn tre hàng ngày, cho nên chúng không tích trữ đủ lượng chất béo đủ để ngủ trong mùa đông dài – Caro và cộng sự của ông cho biết. Chúng phải hoạt động suốt cả năm, phải đi một quãng đường dài và qua nhiều môi trường sống khác nhau – từ những ngọn núi phủ đầy tuyết cho đến các khu rừng nhiệt đới – để tìm kiếm tre – thức ăn của chúng.

"Chúng tôi cho rằng vì gấu trúc không thể lột xác đủ nhanh để thích nghi với các môi trường sống khác nhau, cho nên nó đã phát triển một lớp lông dày với hai màu trắng và đen như vậy" – theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 28/2 ở tạp chí Behavioral Ecology.

Tuy nhiên, họ cũng nói thêm rằng những chấm đen trên đầu của gấu trúc không chỉ có tác dụng giúp gấu trúc trốn tránh kẻ thù, mà còn để giao tiếp. Đôi tai đen của gấu trúc giúp nó thể hiện sự hiếu chiến, cũng là lời cảnh báo với những kẻ săn mồi, những hiểm họa từ loại động vật khác có ý đồ xấu – Caro cho biết. Hơn nữa, màu mắt đen của gấu trúc giúp loài gấu trúc nhận ra nhau, hoặc đôi khi cũng là dấu hiệu thù địch đối với các loài gấu khác – ông nói thêm.

Trong tuyên bố của mình, Ted Stankowich – đồng nghiên cứu, trợ lý giáo sư sinh học của đại học bang California, Long Beach – cho biết: "Đây thật sự là một nỗ lực lớn của chúng tôi, với quá trình tìm hiểu và phân tích, ghi chép đánh giá hàng ngàn bức ảnh và ghi chép hơn 10 vùng của một bức tranh trên 10 màu sắc khác nhau. Đôi khi nó khiến chúng tôi phải bỏ ra hàng trăm giờ làm việc cật lực, miệt mài để tìm câu trả lời cho một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản: tại sao gấu trúc lại có màu trắng và đen?"

Dĩ nhiên tất cả mới chỉ dừng lại ở mức giả thuyết của các nhà khoa học. Để có thể phân tích và chứng minh những giả thuyết đó, có lẽ còn cần nhiều thời gian và nhiều cuộc nghiên cứu khác.

Anh Cao

Chủ đề khác