VnReview
Hà Nội

Bia vẫn có thể uống được sau các vụ.... nổ bom hạt nhân

Khi một quả bom hạt nhân phát nổ, nó sẽ tạo ra sự tàn phá khủng khiếp trên một khu vực lớn. Các tòa nhà sụp đổ và mọi thứ gần như đều bị thiêu rụi. Trong khi đó, con người, hoặc là chết ngay lập tức, hoặc là phải chịu đựng những căn bệnh liên quan đến nhiễm bức xạ trong nhiều năm sau.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều sẽ bị phá hủy sau vụ nổ bom hạt nhân!

Theo Business Insider, điều may mắn là trong thực tế, những người sống sót sau một vụ nổ hạt nhân có thể tìm kiếm dưới đống đổ nát một két bia hay nước ngọt để làm dịu đi cơn khát của mình mà không phải lo ngại điều gì.;Các nhà khoa học Mỹ đã kết luận, bia vẫn có thể uống được sau khi trải qua một vụ nổ bom hạt nhân. 

Cụ thể, từ năm 1945 đến cuối những năm của thập niên 1960, chính phủ Mỹ đã tiến hành vô số các vụ thử nghiệm bom hạt nhân trên mặt đất ở sa mạc Nevada nằm ở miền Tây đất nước.

Trong hàng loạt những vụ thử nghiệm bom hạt nhân vào năm 1955 hay còn được biết tới với cái tên là "Chiến dịch Teapot", Mỹ đã cho tiến hành 14 vụ nổ để thử nghiệm các thiết kế vũ khí hạt nhân mới. Nhân việc này, các nhà khoa học đã thử nghiệm để hàng loạt chai bia và nước soda vào khu vực ảnh hưởng của vụ nổ hạt nhân để xem điều gì sẽ xảy ra.

Kết quả của cuộc thử nghiệm này đã được ghi chép trong một nghiên cứu được công bố vào năm 1957 có tiêu đề là: "Ảnh hưởng của vụ nổ bom hạt nhân với các loại đồ uống đóng chai thương mại".

"Năm 1956, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ đã cho thử nghiệm phát nổ hai quả bom nguyên tử, một quả tương đương với 20 kiloton thuốc nổ TNT, trong khi quả còn lại tương đương với 30 kiloton thuốc nổ TNT ở một địa điểm trong sa mạc Nevada. Các chai và lon bia được cẩn thận ở những vị trí khác nhau tính từ ground zero (vị trí quả bom hạt nhân phát nổ)".

"Các chai bia gần nhất chỉ cách vị trí quả bom hạt nhân phát nổ có 400 m. Một số được chôn giấu dưới đất, một số được để riêng lẻ, trong khi một số được để cạnh nhau", nghiên cứu cho biết.

Hình ảnh quay chậm về một vụ thử bom hạt nhân trong chiến dịch Teapot vào năm 1955.

Mặc dù các chai bia nằm gần vụ nổ nhất đều đã bị nhiễm tia phóng xạ nhưng các nhà khoa học xác định chúng vẫn có thể uống được, ít nhất là trong trường hợp khẩn cấp. Các chai bia được đặt ở xa vụ nổ bị nhiễm tia phóng xạ ít hơn các chai ở gần.

Các nhà khoa học thậm chí đã nếm thử các chai bia được dùng trong thử nghiệm và hầu hết trong số chúng đều được đánh giá là còn tốt (trừ những chai bia ở gần vụ nổ nhất).

Mặc dù vậy, việc tìm kiếm một thứ gì đó uống được như bia hay soda không phải là ưu tiên hàng đầu của bạn nếu có một vụ nổ bom hạt nhân xảy ra. Thứ nguy hiểm nhất sau một vụ nổ bom hạt nhân không phải cơn khát mà là bụi phóng xạ.

Ảnh hưởng của bụi phóng xạ căn cứ vào quy mô của vụ nổ bom hạt nhân.

Khi vụ nổ xảy ra, đất đá, cây cối, đồ đạc trong vùng ảnh hưởng đều sẽ bị thiêu rụi và nhiễm phóng xạ từ chất liệu có bên trong quả bom, từ đó tạo ra bụi phóng xạ trong môi trường. Chưa hết, bụi phóng xạ sau đó sẽ được gió mang đi xa và làm một khu vực rộng lớn xung quanh vụ nổ bị ô nhiễm phóng xa. Vụ nổ bom hạt nhân càng lớn, khu vực bị ảnh hưởng của bụi phóng xạ lại càng rộng.

Vì vậy, nếu bạn may mắn sống sót sau một vụ nổ bom hạt nhân, hãy nhanh chóng tìm cho mình một nơi trú ẩn thật an toàn và vững chắc. Bạn nên tránh xa khỏi tro bụi còn sót lại sau vụ nổ càng nhiều, càng tốt để ít bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ nhất có thể.

Nguyễn Long

Chủ đề khác