VnReview
Hà Nội

Phát hiện mới khiến các nhà khoa học phải viết lại lịch sử nhân loại

Theo tờ báo Anh nổi tiếng , gần đây các nhà khoa học vừa đưa ra kết luận mới về lịch sử tiến hóa loài người, cho rằng quê hương của nhân loại là châu Âu chứ không phải châu Phi như các lý thuyết trước đây.

Theo Telegraph, bằng chứng mới đến từ hai hóa thạch của một sinh vật giống vượn có răng giống người được tìm thấy tại Bulgaria và Hy Lạp có niên đại từ cách đây 7,2 triệu năm. Sinh vật được đặt tên Graecopithecus freybergi (hay El Graeco theo cách gọi của các nhà khoa học) đã chứng minh tổ tiên xưa nhất của chúng ta đã bắt đầu tiến hóa ở châu Âu 200.000 năm trước loài linh trưởng thuộc họ Hominidae (hominid, giống con người) sớm nhất ở châu Phi.

Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu quốc tế qua hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One.

Lý thuyết mới này đã thay đổi hoàn toàn trang đầu tiên trong lịch sử loài người và định vị lại tổ tiên chung của loài người và tinh tinh - một khu vực "Liên kết bị mất" nằm ở khu vực Địa Trung Hải, tinh tinh là loài linh trưởng có cấu tạo cơ thể và bộ não phát triển gần giống người nhất.

Các nhà khoa học cho rằng, vào thời điểm đó biến đổi khí hậu đã biến miền Đông châu Âu thành một hoang mạc mở, buộc loài linh trưởng phải đi tìm nguồn thức ăn mới và tiến hóa thành loài hai chân, tổ tiên của loài người hiện nay.

Tranh minh họa loài Graecopithecus có thể là hominid đầu tiên từng có mặt trên trái đất (Ảnh: đại học Toronto)

Bằng cách chụp cắt lớp hai mẫu vật Graecopithecus freybergi, một hàm dưới ở Hy Lạp và răng nanh hàm trên ở Bulgaria, các nhà nghiên cứu đã hình dung được cấu trúc hóa thạch. Cấu trúc này cho thấy các chân răng nanh của Graecopithecus hầu hết khít lại với nhau.

Các chân răng hội tụ và khít một phần là một đặc điểm của người hiện đại, người sớm và một số người tiền sử vì thông thường các loài linh trưởng lớn có 2 hoặc 3 chân răng riêng biệt và phân nhánh, Madelaine Böhme, giáo sư phụ trách chính của nghiên cứu đến từ đại học; Tübingen cho biết. Chân răng của mẫu vật hàm dưới cũng có những đặc điểm bổ sung cho thấy đây là một loài hominid.

Mẫu răng của loài linh trưởng Graecopithecus (Ảnh: đại học Tübingen)

Các phân tích cũng cho thấy Graecopithecus đã xuất hiện trước loài hominid châu Phi xưa nhất là Sahelanthropus tchadensis được tìm thấy ở Chad đến vài trăm ngàn năm.

Những kết quả này đã khiến các nhà khoa học bất ngờ vì trước đó, người ta chỉ biết đến người tiền sử ở châu Phi hạ Sahara. Nhưng giờ đây, "niên đại mới cho phép chúng ta di chuyển sự phân nhánh người-tinh tinh đến Địa Trung Hải", giáo sư nhân chủng học về người cổ đại David Begun ở Đại học Toronto (Canada), đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Tranh minh họa loài Graecopithecus (Ảnh: Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Bulgaria)

Như vậy là trong thời kỳ biển Địa Trung Hải trải qua các giai đoạn khô ráo hoàn toàn, cây cầu nối giữa châu Âu và châu Phi đã hình thành, giúp các loài linh trưởng và hominid sớm xuyên qua các lục địa.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy một lượng lớn cát sa mạc Sahara trong các lớp có niên đại thời kỳ này xuất hiện nhiều hơn về phía Bắc. Biến đổi khí hậu mạnh mẽ gây ra sự hình thành sa mạc Sahara ở Bắc Phi cách đây hơn 7 triệu năm là động lực tiến hóa của hominid, buộc các loài linh trưởng đi xa hơn về phía Bắc.

Theo thông tin từ giáo sư Nikolai Spassov ở học viện khoa học Bulgaria, không giống như thức ăn của các loài linh trưởng lớn sống trong rừng trước đó, thức ăn của Graecopithecus liên quan tới cây cỏ vùng savan cứng và khô ráo. Nhờ vậy, Graecopithecus cũng có men răng dày và răng hàm rộng như người.Do đó Graecopithecus không phải là một loài linh trưởng mà là thành phần của bộ lạc hominin và là tổ tiên trực tiếp của homo.

Xương hàm của Graecopithecus (Ảnh: đại học Tübingen)

Lưu ý rằng, Hominin là các thành viên trong tông Người, một tông thuộc Phân họ Người bao gồm các loài người, tinh tinh và các tổ tiên đã tuyệt chủng của các loài này. Homo là chi người bao gồm người hiện đại Homo sapiens, người Neanderthal và nhiều loài khác đã tuyệt chủng của họ Vượn người.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến hoài nghi về kết luận hơi sớm này. Trả lời phỏng vấn của Telegraph, tiến sĩ Peter Andrews nguyên là nhà nhân chủng học ở bảo tàng lịch sử tự nhiên London cho rằng có những điều đáng ngại khi chỉ dùng một đặc điểm duy nhất từ một hóa thạch để chống lại quan điểm và các bằng chứng đã có ở châu Phi. "Lý thuyết mới về dòng dõi loài người tiến hóa ở châu Âu chỉ là điều có thể xảy ra vì đã có những bằng chứng hóa thạch rất cơ bản về nguồn gốc tiến hóa ở châu Phi, bao gồm cả những phần hộp sọ và xương người".

Trần Huyền Linh

Chủ đề khác