VnReview
Hà Nội

Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris...

Trong khi ông Donald Trump vẫn còn chưa đưa ra quyết định chính thức, một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris.

Việc rút khỏi hiệp định này sẽ khiến Mỹ trở thành một trong số ít các quốc gia trên Trái đất bỏ mặc mối đe dọa của biến đổi khí hậu, và có nguy cơ làm phức tạp các mối quan hệ vốn đã đầy dẫy khúc mắc với các đồng minh Châu Âu và các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ. Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi đáp có thể dẫn đến quyết định của ông Trump. Theo một tweet của ông Trump trên Twitter thì ông sẽ công bố quyết định trong vài ngày tới.

Hiệp định khí hậu Paris là gì?

Vào năm 2015, đại diện của 195 quốc gia đã gặp nhau tại Paris và đồng ý thực hiện các biện pháp để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 3,6 độ F (tương đương -15 độ C) để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra liên quan đến mực nước biển dâng hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mỗi chính phủ đệ trình bản cam kết tự nguyện của riêng mình phác thảo các bước để giảm lượng khí thải carbon.

Khi đó, Tổng thống Barack Obama nói rằng Mỹ sẽ giảm phát thải vào năm 2025 xuống còn 27% so với năm 2005, và cho biết sẽ đưa ra các chính sách trong nước như Kế hoạch Năng lượng Sạch (Clean Power Plan) và các yêu cầu về sử dụng nhiên liệu ô tô nghiêm ngặt hơn để góp phần thực hiện cam kết đó. Thế nhưng, các nước có nền kinh tế đang phát triển mạnh, như Trung Quốc và Ấn Độ, cam kết rằng lượng khí thải của họ cũng sẽ giảm sau khi tăng thêm vài năm nữa - một thoả thuận mà ông Trump và những người phản đối nói rằng "thỏa thuận bất lợi" cho Mỹ. Tuy nhiên những người ủng hộ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris chỉ ra rằng Hiệp định này không phải là bắt buộc về mặt pháp lý và chính quyền của ông Trump không bắt buộc phải tiếp tục thực hiện các chính sách của ông Obama.

Tại sao ông Trump lại rút lui?

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bác bỏ sự thay đổi khí hậu do con người gây ra và gọi đó là trò "lừa đảo", "chơi khăm" của Trung Quốc nghĩ ra để buộc Mỹ cắt giảm sản xuất của Mỹ, và những người kêu gọi ông rút khỏi Hiệp định đều cho rằng các cảnh báo của các nhà khoa học về thời tiết cực đoan và nước biển dâng là đang bị thổi phồng. Ông Trump cũng nói rằng các ngành sản xuất, ngành than và dầu mỏ của Mỹ đang bị thiệt thòi bởi những nỗ lực nhằm giảm khí thải carbon. Trong khi câu hỏi phải làm gì với hiệp định Paris đã chia rẽ sâu sắc chính quyền của ông Trump, thì ông dường như đã đứng về phía những người theo chủ nghĩa quốc gia đã miêu tả hiệp định này như là đối nghịch với chương trình nghị sự "Nước Mỹ là trên hết" của ông. "Nước Mỹ như vậy là đứng thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư (chứ không phải trên hết). Trung Quốc và Ấn Độ không có nghĩa vụ theo thỏa thuận này cho đến năm 2030. Chúng ta lại phải gánh vác tất cả các chi phí", Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ cho biết.

Việc rút khỏi Hiệp định khí hậu đã đặt Mỹ bên cạnh Syria - đang bị cuốn vào cuộc nội chiến - là nước duy nhất trên trái đất không xem biến đổi khí hậu như một vấn đề chính sách. (Nicaragua, nước duy nhất không nằm trong thỏa thuận Paris, đang đứng ngoài vì không tin rằng thoả thuận này đủ để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu).

Điều gì sẽ xảy ra?

Vẫn chưa rõ. Ông Trump có một số lựa chọn mà ông có thể sử dụng để rút lui khỏi Hiệp định này, và Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra kế hoạch của ông. Ông Trump có thể quyết định coi thoả ước Paris (Agreement) là một hiệp ước (Treaty) và đệ trình lên Thượng viện bỏ phiếu phê chuẩn, điều mà chắc chắn sẽ thất bại, hoặc ông có thể phải trải qua một quá trình rút lui chính thức được ghi rõ trong Hiệp định, mặc dù sẽ mất vài năm. Ông Trump cũng có thể rút khỏi hiệp ước 1992 trước đây đã phê chuẩn thiết lập các cuộc đàm phán về khí hậu, nhưng ngay cả các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump nên rút khỏi hiệp định Paris cũng không nói ông nên rời khỏi Công ước Khung của Liên hợp quốc về Thay đổi Khí hậu.

Liệu điều này có nghĩa là EPA sẽ không còn điều chỉnh lượng khí thải nhà kính?

Không chính xác. Chính quyền của ông Trump đang trong quá trình huỷ bỏ hoặc sửa đổi các quy định về biến đổi khí hậu của ông Obama như Kế hoạch Năng lượng Sạch, nhưng điều đó không liên quan gì đến việc liệu Mỹ có vẫn là một thành phần của hiệp định Paris hay không. Câu hỏi lớn hơn cho Scott Pruitt (người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ - EPA) là liệu ông có thể làm suy yếu kết luận khoa học của EPA rằng các loại khí giữ nhiệt như carbon dioxide là mối nguy hiểm cho công chúng và phải được điều chỉnh bởi Đạo luật không khí sạch (Clean Air Act). Các chuyên gia pháp lý nói rằng Scott Pruitt sẽ phải viết các điều luật mới nhằm hạn chế lượng khí thải carbon từ các nhà máy điện và các nguồn phát thải khác.

Liệu (việc rút lui) có cứu được ngành than?

Chưa chắc. Vấn đề lớn nhất mà ngành than của Mỹ phải đối mặt là các nhà máy điện đã chuyển sang chạy bằng khí tự nhiên rẻ tiền do cuộc cách mạng khai thác dầu khí từ đá phiến của Mỹ tạo ra. Trong thập kỷ qua, than đá đã giảm thị phần từ mức hơn 50% thị trường điện của Mỹ năm 2000 xuống còn khoảng 30% hiện nay, và các nhà phân tích thị trường cho rằng thị phần của than đá sẽ tiếp tục giảm. Trên thực tế, các công ty than lớn nhất của Mỹ kêu gọi ông Trump duy trì hiệp định Paris nhằm nỗ lực bảo vệ các công nghệ như thu giữ và cô lập carbon mà họ cho là quan trọng sống còn đối với tương lai lâu dài của ngành than.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của một số công ty khai thác mỏ nhỏ hơn, chẳng hạn như Giám đốc điều hành hãng Murray Energy, Bob Murray, đã yêu cầu ông Trump rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, nói rằng đó là một sự lãng phí "bất hợp pháp" của tiền đóng thuế.

Ai ủng hộ quyết định này?

Scott Pruitt có lẽ là thành viên chính trong chính quyền của ông Trump ủng hộ rút lui khỏi Hiệp định Paris, với lập luận rằng việc tham gia Hiệp định này sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của ông trong việc tháo bỏ các quy định về thay đổi khí hậu của Obama tại EPA. Một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm Trưởng nhóm đa số Mitch McConnell của bang Kentucky và Chủ tịch John Barrasso, Giám đốc Ủy ban Thượng viện môi trường và công trình công cộng ở Wyoming, lặp lại lập luận tuần trước trong một bức thư có ảnh hưởng tới Tổng thống Donald Trump, nói rằng thỏa thuận này có thể cung cấp vũ khí cho các nhà môi trường sử dụng trong các vụ kiện tụng thách thức chương trình năng lượng của ông Trump.

Những người ủng hộ việc rút khỏi Hiệp định Paris khác bao gồm nhà chiến lược gia Steve Bannon của Nhà Trắng, một nhóm nhỏ các công ty năng lượng nhỏ và các nhóm bảo thủ như Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh và Liên minh Năng lượng Hoa Kỳ. Có 56% đảng viên Cộng hòa muốn ông Trump rút khỏi thỏa thuận, theo một cuộc thăm dò hồi tháng trước của tờ Politico (Mỹ).

Ai phản đối nó?

Con gái của ông Donald Trump, Ivanka và con rể Jared Kushner, đã cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và một số thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội, trong đó có Chủ tịch Uỷ ban Năng lượng của Thượng viện, Lisa Murkowski. Họ nói rằng với Hiệp định không ràng buộc sẽ không ngăn cản các mục tiêu năng lượng rộng lớn hơn của ông Trump nhưng cho phép Mỹ duy trì ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu quốc tế và các nỗ lực ngoại giao liên quan. Các công ty năng lượng lớn của Mỹ và các công ty năng lượng toàn cầu, bao gồm ExxonMobil, ba nhà sản xuất than lớn nhất của Mỹ và các công ty công nghệ lớn như Apple và Google cũng tìm cách thuyết phục ông Trump giữ lại Hiệp định Paris. Theo cuộc thăm dò ý kiến của tờ Politico, khoảng 62% người Mỹ ủng hộ cho việc duy trì hiệp định.

Hiệp định Paris có ý nghĩa gì đối với hành tinh này?

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định là không tốt, nhưng triển vọng cũng không phải là màu hồng rực rỡ trước khi ông Trump đưa ra quyết định cuối cùng. Chính sách giảm phát thải mà ông Obama đưa ra không đủ để đạt được mục tiêu của Mỹ trong Hiệp định Paris cho dù các mục tiêu này có được thực hiện đầy đủ. Và một khi ông Trump đã đặt hầu như tất cả các mục tiêu này vào danh sách huỷ bỏ, thì viêc cắt giảm khó lòng đạt được.

Và nhiều nhà khoa học cho rằng mục tiêu của Hiệp định về khí hậu là quá khiêm tốn để hạn chế nhiệt độ toàn cầu. Để đạt được mục tiêu, lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ phải bằng không vào cuối thế kỷ này, một nhiệm vụ phi thường.

Bất kỳ chính sách cắt giảm khí thải mới nào của các tiểu bang như California và New York hoặc các nhà lãnh đạo nước ngoài ở châu Âu và Trung Quốc, hay các nhà hoạt động môi trường, sẽ tiếp tục gây áp lực lên các công ty dầu lửa và than để giảm lượng khí thải carbon của họ. Chỉ vài giờ sau tin tức về tweet của ông Trump sáng nay, các cổ đông của hãng dầu lửa Exxon đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu công ty báo cáo hàng năm về cách đối phó với biến đổi khí hậu.

Vân Hà

Theo Politico

Chủ đề khác