VnReview
Hà Nội

Đèn muối Himalaya có thần thánh như lời đồn?

Chúng là gì, và chúng có thực sự hữu ích như những lời đồn đại hay không?

"Đèn muối" Himalaya (ảnh: 5HP/Shutterstock.com)

Theo LiveScience, có một trào lưu đang "càn quét" các quốc gia quanh dãy Himalaya, vùng núi cao nhất thế giới. Những chiếc "đèn muối" này – các khối tinh thể muối có màu đỏ lấy từ trên các đỉnh núi cao đã trở thành vật được ưa chuộng để thay thế bóng đèn và đèn sưởi.

Chiếc đèn này có thể khiến bạn liên tưởng đến các vật dụng có trong phòng spa. Những thương gia buôn bán đèn muối khẳng định chắc nịch rằng chúng có thể "làm sạch không khí," tăng cường khí oxy lên não, giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh rối loạn tâm trạng và thậm chí có thể cải thiện hệ miễn dịch. Nhiều người cho rằng loại đèn này có thể hút các chất gây dị ứng và ô nhiễm trong không khí lên bề mặt của nó, đồng thời tạo ra các ion âm có lợi cho sức khỏe.

Theo lời ông John Malin, một chuyên gia về hóa học đã nghỉ hưu của Hiệp hội Hóa học Mỹ: "Đèn muối rất đẹp. Chúng có thể biến phòng ngủ của bạn trở nên trang hoàng và lộng lẫy hơn trước nhiều".

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy những chiếc đèn này thực sự "bá đạo" như lời kể. Để có thể có được đánh giá đúng, các nhà khoa học cần phải trả lời ba câu hỏi cơ bản: Muối lấy từ các ngọn núi của dãy Himalaya liệu có chứa bất kì thành phần nào đặc biệt mà có thể gây ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe con người? Ion âm có thực sự tốt không? Nếu có thì những chiếc đèn muối này sản sinh ra chúng với hàm lượng bao nhiêu? Ông Malin cho rằng ở trong cả ba khía cạnh đó đều có rất ít những bằng chứng có thể chứng minh được lợi ích của đèn muối Himalaya.

Trả lời trang LiveScience, ông Malin khẳng định: "Tôi cảm thấy giống như tôi đã đánh hụt cả ba quả bóng vậy (trong bộ môn bóng chày, nếu người đánh (batter) đánh hụt bóng ba lần sẽ bị "out", và ba lần out như vậy sẽ kết thúc lượt đánh của đội trong hiệp đó và tiến hành đổi phe). Tôi rất xin lỗi nhưng tôi buộc phải vạch trần sự thật, vì tôi không tìm thấy bất kì cơ sở khoa học nào cả."

Liệu chúng có thực sự có ảnh hưởng tốt tới sức khỏe con người? (ảnh: Reducstress)

Những tính năng "thần thánh"

Đèn muối Himalaya chủ yếu là các khối muối được khai thác từ dãy Himalaya (đa số là từ Pakistan) được làm rỗng ở bên trong để có thể đặt bóng đèn hoặc các công cụ sưởi ấm. Khi bật lên, chúng phát ra một ánh sáng màu đỏ dịu tạo cảm giác ấm áp.

Nhưng bằng cách nào mà một khối muối lại có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe con người theo lời quảng cáo của những người bán hàng?

Theo tập đoàn Solay Wellness, tính năng then chốt của đèn muối Himalaya chính là chúng có thể tạo ra ion âm.

"Theo bản năng, các tinh thể muối có khả năng hút ẩm. Chúng hấp thụ các phân tử nước có trong không khí. Nếu bạn để ý, khi không bật đèn lên trong một thời gian dài, chúng sẽ bắt đầu "khóc". Nhiệt độ tỏa ra từ một bóng đèn nhỏ sẽ giúp các tinh thể muối đẹp đẽ này khô ráo và đưa ion âm (những ion mà bạn thấy ở những nơi như biển, thác nước, thậm chí là ở trong phòng tắm nhà bạn) vào trong không khí".

Một số trang web khác khẳng định rằng các tinh thể có thể hút các chất độc hại và ô nhiễm lên trên bề mặt của mình bởi vì các phân tử nước có trong không khí cũng có thể chứa những chất có hại cho sức khỏe. Bề mặt muối sẽ ngưng đọng các chất độc hại đó rồi giải phóng hơi nước ra không khí, theo trang DrAxe.com.

Ion âm - chìa khóa dẫn đến thành công của đèn muối Himalaya? (ảnh: Ecodetox)

Và sự thật đau lòng

Ông Malin khẳng định những lời quảng cáo như vậy là hoàn toàn vô lí và không hề có cơ sở khoa học. Trừ khi muối của dãy Himalaya có chứa hàm lượng khoáng chất khác cao hơn muối ăn thông thường, đèn muối chỉ có thể tạo ra các ion là Natri và Clorua.

"Liên kết hóa học của các phân tử muối rất bền, nên dù bạn có tăng nhiệt độ của chúng lên cũng không thực sự có gì xảy ra."

Để có thể tách hai ion, chúng ta sẽ cần phải nung chúng ở mức nhiệt 816 độ C, điều mà chắc chắn một bóng đèn 15W không thể làm được (mà dù chúng có làm được đi chăng nữa thì chắc chắn sẽ xảy ra hỏa hoạn.)

Nếu các ion âm đó được tạo ra từ các khoáng chất khác có trong muối, thì người bán sẽ cần phải chứng minh rằng muối Himalaya có chứa lượng lớn các khoáng chất đó và có thể tạo ra ion. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có nhà khoa học nào tìm được "tung tích" của các khoáng chất đó.

Một lượng nhỏ hơi nước có thể bám lên bề mặt muối, và chúng có thể phân tách muối thành các ion Natri và Clorua. Nhưng ngay khi hơi nước khô lại, hai ion đó sẽ ngay lập tức kết hợp lại với nhau để tạo thành muối, do đó quá trình này cũng khó có thể tạo ra ion âm.

Phân tách ion Natri và Clorua đã khó, giữ chúng không kết hợp lại với nhau để thành muối còn khó hơn

Còn về tính năng lọc khuẩn của đèn muối Himalaya, ông Malin cũng cho rằng đây là điều vô căn cứ. Việc các chất độc hại có trong phân tử nước trong không khí bám lên bề mặt muối thì có thể xảy ra, nhưng nhiệt lượng ít ỏi sản sinh ra từ một bóng đèn không thể nào lọc được các chất độc hại ấy. Cụ thể, ông khẳng định: "Tôi không nghĩ khả năng lọc khuẩn ấy là có thật. Thậm chí, bạn lấy một miếng than rồi dùng quạt thổi lên nó còn lọc tốt hơn."

Hơn nữa, lượng không khí trong phòng là rất lớn so với kích thước nhỏ bé của chiếc đèn. Kể cả chiếc đèn có thể bằng cách nào đó "hút" được chất độc hại, bề mặt của chúng cũng sẽ nhanh chóng bị bao phủ bởi các chất ấy và không thể sử dụng được nữa. Trong khi đó, không khí trong phòng thì luôn bị tác động từ môi trường bên ngoài, qua các hệ thống thông gió hay cửa sổ, khiến cho tính năng lọc của đèn muối trở nên vô nghĩa.

Ion âm

Nếu đèn muối thực sự có thể tạo ra ion âm, liệu đó có phải là điều tốt không? Sau hàng thập kỉ nghiên cứu, bằng chứng về lợi ích của nó đối với sức khỏe con người là rất ít.

Một nghiên cứu của tạp chí BMC Psychiatry trong năm 2013 đã tổng hợp dữ liệu từ các nghiên cứu trước đó và kết luận rằng không khí có hàm lượng ion âm cao không gây ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ hay sự thoải mái cá nhân. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó cũng cho thấy có sự suy giảm rất nhỏ về các triệu chứng trầm cảm, mức ảnh hưởng tỉ lệ thuận với mật độ ion âm có trong không khí. Tiến sĩ Alan Manevitz, bác sĩ tâm thần học tại bệnh viện Lenox Hill ở New York, Mỹ đã giải thích nguyên nhân của sự suy giảm này là vì mặt trời chiều các tia mạnh hơn trong mùa hè, sản sinh nhiều ion âm hơn so với mùa đông, và các chất gây ion hóa có thể "bắt chước" điều kiện thời tiết mùa hè. Tuy nhiên, điều trị bằng ánh sáng, điều đã được các nhà khoa học nghiên cứu rộng rãi sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Ông Manevitz khẳng định rằng với chứng trầm cảm nặng, những chiếc đèn này "không mang lại sự khác biệt nào lớn ở thời điểm hiện tại."

Tiến sĩ Alan Manevitz, bác sĩ tâm thần học tại bệnh viện Lenox Hill, New York

Một vài nghiên cứu đơn lẻ đã cho thấy hiệu quả vô cùng "khiêm tốn" của ion âm. Ví dụ, vào năm 1981, các nhà nghiên cứu tại Đại học Surrey, Anh đã xem xét tỉ lệ mắc các triệu chứng như nghẹt mũi, buồn nôn, chóng mặt và nhức đầu của những nhân viên văn phòng. Họ đã tìm thấy rằng không khí ở đây có hàm lượng ion âm ít hơn so với bên ngoài. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành một nghiên cứu khác và phát hiện rằng việc bổ sung ion âm làm giảm tỉ lệ mắc các triệu chứng đó sau 12 tuần. Các phát hiện này sau đó đã được công bố trên Tạp chí Tâm lí Môi trường. Một nghiên cứu khác vào năm 1993 của Tạp chí Lao động và Con người đã chứng minh rằng các ion dương có thể gây ảnh hưởng đến nhịp sinh học của con người (dù không đáng kể).

Chứng cứ có giá trị nhất về lợi ích của ion âm có thể kể đến nghiên cứu của tạp chí Nature. Vào năm 1979, các nhà khoa học đã chứng minh rằng không khí có hàm lượng ion oxy âm cao có thể diệt vi khuẩn. Một nghiên cứu vào năm 2009 cũng ủng hộ ý kiến này và cho rằng các chất ion hóa có thể làm giảm mật độ vi khuẩn trên bề mặt và môi trường của tủ lạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ áp dụng trong việc khử trùng thực phẩm và môi trường, chứ không đưa ra bất kì tuyên bố nào liên quan đến việc nó có ích cho sức khỏe con người.

Theo ông Malin, những kết quả tích cực mà các nghiên cứu thu về có thể là một "placebo effect" (hay còn gọi là "giả dược", mang giá trị về mặt tinh thần nhiều hơn trong khi thực chất thì nó không có bất kì lợi ích nào cả). Các nghiên cứu này cũng không chỉ rõ ra mối quan hệ giữa hàm lượng ion và lợi ích nó đem lại. "Dù mật độ có là 300 hay 1 triệu ion/cm3, mọi người cũng vẫn sẽ nói là "Đúng, tôi cảm thấy khá hơn nhiều"."

Ion âm không có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người như những lời quảng cáo (ảnh: Magnasleep)

Điều đó cũng có thể hiểu là kể cả bạn không thêm bất kì một ion nào nhưng vẫn nói với mọi người là không khí đã được "ion hóa", họ cũng sẽ báo lại với bạn là họ cảm thấy khá hơn.

Ông Manevitz đã nói với LiveScience rằng: "Mọi người luôn tìm kiếm những liệu pháp chữa trị "thần thánh" mà không gây các phản ứng phụ hay ảnh hưởng đến sức khỏe khi nhìn từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải tuyệt đối cẩn trọng trước khi có ý định sử dụng những liệu pháp như vậy."

Văn Hoàn

Chủ đề khác