VnReview
Hà Nội

Phát hiện hợp chất có thể làm da đen sạm đi

Một hợp chất đặc biệt có thể kích hoạt sự phát triển các sắc tố đậm trên bất cứ loại da nào, đồng thời tăng cường khả năng chống ung thư da tự nhiên của chính người đó.

Theo ScienceAlert, hợp chất hóa học mới (chưa có tên) có thể tương tác với kem chống nắng để kích thích sản sinh sắc tố melanin, sắc tố tạo nên màu da, màu tóc và màu mắt trên người. Nếu hợp chất này được thử nghiệm thành công, đây sẽ là một biện pháp hiệu quả giúp bảo vệ da cho con người.

Nhà khoa học David Fisher thuộc nhóm nghiên cứu tại Bệnh Viện đa khoa Massachusetts và ĐH. Harvard cho biết: "Loại hóa chất đó không phải là cách tạo nên làn da sạm giả, chúng tạo nên làn da sẫm màu thật sự và không cần tác động của ánh sáng mặt trời".

Hồi năm 2016, Fisher cùng các cộng sự đã phát hiện một chiết xuất thực vật có tên forskolin giúp tạo ra làn da sạm màu có khả năng chống ung thư da trên loài chuột lông đỏ. Đặc biệt chiết xuất thực vật này có thể tạo ra làn da sậm màu không cần tới sự kích thích của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời.

Những người có mái tóc đỏ tự nhiên chứa một biến thể gen có tên MC1R. Chúng là nguyên nhân dẫn tới mái tóc đỏ tự nhiên và làn da trắng sáng của họ. Tuy nhiên MC1R thường xuyên tác động tới phân tử thụ thể nằm trên bề mặt tế bào bạch cầu.

Ở những người không có gen này, phân tử thụ thể hoạt động cùng các tế bào bạch cầu, tạo nên sắc tố melanin gây đen da khi có tác động của tia UV trong ánh sáng Mặt trời. Tuy vậy, một số biến thể MC1R của người tóc đỏ không có chức năng trên, điều này dẫn tới hiện tượng da của người tóc đỏ bị cháy sạm.

Khi các nhà nghiên cứu thử dùng forskolin trên da những con chuột biến đổi gen có làn da trắng. Dưới đây là hình ảnh so sánh khi các nhà nghiên cứu sử dụng forskolin hàm lượng cao trên những con chuột lông đỏ.

Những con chuột lông đỏ dưới sự tác động của forskolin có làn da sạm đi trông thấy

Kết quả, những con chuột được tiêm forskolin liều cao và tiếp xúc với tia UV có làn da sạm đi chỉ sau 2 ngày. Tuy vậy chúng ít có nguy cơ bị cháy nắng, hủy hoại ADN hay ung thư da hơn so với những con chuột khác.

Đó là bởi, các sắc tố melanin trong những con chuột da sạm giúp phân tán lên tới 99,9% tia UV có hại cho da. Do đó nếu da có chứa hàm lượng melanin lớn, chúng có thể giúp bảo vệ tế bào da tốt hơn.

Tuy vậy một vấn đề đặt ra, liệu hợp chất từ thực vật trên có thể tương tác trên da người hay không do da người dày gấp 5 lần so với da chuột. May mắn thay, các nhà nghiên cứu đã tìm ra giải pháp cho vấn đề với hợp chất đặc biệt có thể thúc đẩy quá trình sản sinh sắc tố melanin.

Trong thử nghiệm trên một số tình nguyện viên gần đây, các nhà khoa học đã thu được những kết quả khả quan. Hình ảnh so sánh: vùng da ô bên trái ngoài cùng (da chưa có tác động); vùng da ở giữa (có tác động của forskolin) và vùng da ở ngoài cùng bên phải (vùng da tác động bởi hợp chất mới). Kết quả vùng da bên phải khi có tác động của hợp chất mới trở nên sạm hơn với cùng mức độ chiếu sáng giống nhau.

Sau khi ngừng sử dụng, sắc tố da sẽ trở lại bình thường trong khoảng hai tuần sau khi lớp da mới thay thế các lớp tế bào da cũ đã chết.

Nếu được ứng dụng trên thực tế, hợp chất đặc biệt mới sẽ giúp giảm tỷ lệ ung thư da, một trong những căn bệnh phổ biến nhất tại Mỹ. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm để đảm bảo chắc chắc tính an toàn cho hợp chất hóa học này.

Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí Cell danh tiếng mới đây

Tiến Thanh

Chủ đề khác