VnReview
Hà Nội

Chỉnh sửa gen và vấn đề đạo đức đặt ra

Kỷ nguyên của việc chỉnh sửa và sáng tạo mã gen (công nghệ CRISPR) sẽ sớm trở thành hiện thực chỉ trong vài thập kỷ tới, với việc mẫu thử đầu tiên đã được hình thành. Đại học Stanford (Mỹ) đồng thời đã đặt ra một câu hỏi thú vị cho sinh viên học tập tại trường về vấn đề đạo đức của kỹ thuật tương lai này. Và đó cũng chính là câu hỏi mà tất cả chúng ta cũng nên cùng suy nghĩ.

Câu hỏi về vấn đề đạo đức của đại học Stanford

Theo Futurism, khi các sinh viên ngành công nghệ sinh học của Đại học Stanford thực hiện bài thi cuối kỳ, họ gặp phải một câu hỏi về đạo đức con người khiến họ rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Câu hỏi này cũng khó như hàng loạt các câu hỏi học thuật hóc búa khác, được thiết kế nhằm phân loại sinh viên.

Câu hỏi: "Khi bạn và chồng/ vợ tương lai của mình lên kế hoạch có con, các bạn sẽ bắt đầu tiết kiệm để dành tiền học đại học cho đứa bé hay sẽ dùng số tiền đó để can thiệp vào bộ gen của đứa bé?"

(Ở Mỹ, chính phủ sẽ chu cấp cho trẻ em đến khi chúng trưởng thành. Cha mẹ chỉ cần chi trả sau khi chúng vào đại học).

Một câu hỏi khác được đặt ra sau đó là: "Khi nào chi phí can thiệp vào DNA để tạo ra sự sống mới sẽ tương đương với chi phí của một sinh viên tại Stanford?"

Cả hai câu hỏi này đều liên quan đến việc loài người sẽ sớm có thể trả tiền để can thiệp vào bất kỳ đoạn DNA nào mà họ muốn, bằng cách sử dụng trình tự di truyền và một chiếc máy có khả năng tổng hợp bốn nucleotit;của DNA - A, C, G, và T- theo thứ tự mong muốn bất kỳ của họ.

Theo bài báo tính toán, thời gian để chi phí can thiệp vào DNA tạo ra sự sống mới bằng với chi phí cho một sinh viên tại Stanford sẽ là 19 năm, với điều kiện học phí tại Stanford vẫn ở mức 50.000 đô la và chi phí can thiệp gen tiếp tục giảm 200 lần như đã xảy ra trong 14 năm vừa qua. Việc thực nghiệm đã được thực hiện vào năm ngoái: một nhóm được dẫn đầu bởi Craig Venter đã tạo ra một thực thể sống đơn giản nhất từng được biết đến.

Biểu đồ cho thấy chi phí can thiệp gen đã giảm như thế nào.

Khía cạnh đạo đức của việc thay đổi DNA

Câu hỏi trong bài thi của Đại học Stanford chỉ là một phần nhỏ của một vấn đề hóc búa lớn hơn liên quan đến việc loài người can thiệp vào trạng thái sinh học của chính mình, bởi công nghệ hiện đang phát triển rất nhanh khiến vấn đề không còn là chúng ta có thể hay không thể nữa, mà là liệu chúng ta nên hay không nên. Cuộc tranh luận chia ra hai khía cạnh: chỉnh sửa gen và nhân tạo sự sống.

Với sự bùng nổ của công nghệ CRISPR, các nhà khoa học đã bắt đầu thực hiện rất nhiều nghiên cứu khiến khả năng can thiệp, chỉnh sửa gen sẽ sớm trở thành hiện thực. Nhưng liệu chúng ta nên can thiệp vào bộ gen của con người ở mức độ nào? Liệu công nghệ này có phải là một biện pháp giúp những người bệnh tật khỏe mạnh trở lại, hoặc liệu nó có được sử dụng để tăng các giới hạn về thể chất hiện tại của chúng ta, làm cho chúng ta cao lớn hơn, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và thông minh hơn?

Vấn đề về nhân tạo sự sống cũng tương tự ở một số khía cạnh: Thay vì thay đổi các cấu trúc để có được đặc điểm di truyền như mong muốn, chúng ta có thể tự tạo ra một cá thể mới. Hàng tỷ đô la đã được đầu tư để nghiên cứu phương pháp này. Tuy nhiên, vấn đề về việc "coi thường Chúa Trời" tiếp tục được đặt ra. Nhân tạo sự sống đồng nghĩa với việc bỏ qua các phương pháp sao chép gen tự nhiên tồn tại kể từ khi sự sống bắt đầu. Và ngay cả khi vấn đề về đạo đức đã được trả lời đầy đủ, còn có thêm những câu hỏi như ai sẽ có quyền thiết kế sự sống, những quy tắc sẽ là gì và những hạn chế tiềm ẩn đối với công nghệ về mặt chi phí: Nếu công nghệ quá đắt tiền, nó có thể chỉ được dành riêng cho những người giàu có.

Điều cốt yếu là phải bàn luận cẩn trọng về vấn đề đạo đức của việc chỉnh sửa gen, nhằm đảm bảo rằng công nghệ này sẽ không bị lạm dụng trong tương lai. Câu hỏi của Đại học Stanford đáng được ghi nhận vì nó đánh thức sinh viên ngày nay, những người rất có thể sẽ là những người tiên phong trong sự phát triển của công nghệ, và giúp họ suy nghĩ về những hậu quả của những gì mà họ sẽ làm trong tương lai.

 

Thanh Nga

Chủ đề khác