VnReview
Hà Nội

Biến đổi khí hậu đang khiến Trái Đất hấp thụ nhiều nhiệt từ mặt trời hơn

Chúng ta biết rằng 30% năng lượng từ Mặt Trời truyền xuống bề mặt Trái Đất đều bị phản xạ trở lại không gian. Tuy nhiên biến đổi khí hậu có thể làm đảo lộn quy trình tự nhiên này một cách tiêu cực.

Nếu chúng ta mặc một chiếc áo màu đen hoặc gam màu tối vào một ngày trời nắng, cơ thể bạn sẽ bị bắt nắng nhiều hơn do những gam màu tối hấp thụ ánh nắng mặt trời mạnh nhất. Hành tinh của chúng ta cũng hoạt động tương tự như vậy.

Các bề mặt trắng, ví dụ như băng tuyết tại hai cực và các dòng sông băng là nơi phản chiếu ánh nắng mặt trời ra ngoài không gian nhiều nhất. Các vùng tối hơn như đại dương, đất liền sẽ hấp thụ nhiệt nhiều hơn.

Nhìn chung, có khoảng 30% năng lượng truyền tới Trái Đất đều bị lớp băng phản xạ lại không gian. Đây cũng là cách các khối băng vĩnh cửu đã duy trì ổn định nhiệt độ Trái Đất trong hàng triệu năm qua. Tuy vậy khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến một cách tiêu cực, sự cân bằng đó có thể bị đảo lộn một cách bất ngờ.

Theo PopSci, các nhà khoa học đã phát triển một loại tỷ lệ có tên albedo. Tỷ lệ này mô tả số năng lượng mặt trời bị phản chiếu trên bất kỳ bề mặt nào. Tỷ lệ Albedo dao động từ 0 đến 1.

Mức 0 thể hiện một chất có khả năng hấp thụ hoàn hảo, một vật chất tối hấp thụ 100% năng lượng mặt trời. Trong khi đó, mức 1 cho biết, đó là một chất có khả năng phản xạ năng lượng mặt trời hoàn hảo. Ví dụ, một chiếc áo có tỷ lệ albedo là 0,1, tức là chiếc áo đó có khả năng phản xạ 10% và tỷ lệ hấp thụ ánh nắng mặt trời lên tới 90%.

Các nhà khoa học khí hậu đang tiếp tục nghiên cứu sự dao động của tỷ số albedo theo thời gian. Trong đó, điều được các nhà khoa học khá quan tâm là việc tỷ số này có thể suy giảm khi khí hậu Trái Đất có sự thay đổi. Nếu tỷ số này tụt một cách đột ngột, khí hậu Trái Đất thậm chí có thể nóng lên nhanh hơn trong tương lai.

Hệ quả của hiện tượng hành tinh nóng lên là các sông băng co lại, băng tuyết tan chảy, các bề mặt sáng ngày càng ít, trong khi các bề mặt tối tiếp tục hút và giữ nhiệt lượng của mặt trời. Đó là chưa kể các ô nhiễm xuất hiện ngày càng nhiều trên các khối băng khiến những "thành lũy" vững chắc nhất qua hàng ngàn năm có nguy cơ tan chảy và biến mất.

Theo chu kỳ này, hành tinh của chúng ta sẽ ngày càng hút nhiều nhiệt hơn từ mặt trời và sẽ khó có thể tự làm mát trở lại. Nguy hiểm hơn cả chính là tình trạng nước biển dâng do băng tan sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất trên thế giới.

Mai Huyền

Chủ đề khác