VnReview
Hà Nội

12 thuyết tiến hóa của loài người và tại sao chúng đều sai

Tổ tiên của chúng ta không có chiều hướng tiến hóa thành một cái gì cụ thể và chúng ta vẫn đang tiếp tục quá trình tiến hoá đó đến tận ngày nay.

Con người là điều tuyệt vời của tạo hóa! Nhận định này được nhiều người tán thành. Tuy nhiên, chính xác cái gì thuộc về Homo sapien (người hiện đại) khiến chúng ta trở nên khác biệt với các loài động vật khác, không tính đến loài khỉ không đuôi (ape) và từ khi nào và bằng cách nào tổ tiên của chúng ta có được thứ đó? Trong thế kỷ XX, nhiều lý thuyết được đưa ra. Một số lý thuyết tiết lộ thời gian tổ tiên đầu tiên của loài người sinh sống và tiến hóa thành con người.

1. Chúng ta sáng tạo ra các công cụ: Trong một bài báo năm 1944, nhà nhân chủng học Kenneth Oakley đã viết: "Việc tạo ra các công cụ khiến con người trở nên khác biệt". Loài khỉ không đuôi dùng các đồ vật tìm thấy làm công cụ, ông giải thích, "thế nhưng, việc tạo hình thanh gậy hay hòn đá để sử dụng vào những mục đích cụ thể là hoạt động đầu tiên của con người". Vào đầu những năm 1960, Louis Leakey đưa ra quan điểm rằng khởi nguồn của việc làm ra công cụ, cũng là khởi nguồn của loài người, là người khéo (Homo habilis hay còn gọi là Handy Man), sinh sống tại vùng Đông phi khoảng 2,8 triệu năm trước. Tuy nhiên, theo Jane Goodall và một số nhà nghiên cứu khác, tinh tinh cũng tạo hình gậy để sử dụng cho những mục đích cụ thể, ví dụ như tuốt lá để "câu" côn trùng dưới lòng đất. Ngay cả những con quạ, vốn không tay, cũng rất thành thạo.

Chiếc rìu cầm tay sơ khai, được tìm thấy tại một công trường ở Isarel, xuất hiện từ khoảng 790.000 năm trước và có thể là do loài Homo erectus (người đứng thẳng) làm ra. Những công cụ bằng đá cổ xưa nhất cũng đã 3,3 triệu tuổi.

2. Chúng ta là những kẻ giết người: Theo nhà nhân chủng học Raymond Dart, tổ tiên của chúng ta không giống với loài khỉ không đuôi hiện nay ở chỗ họ là những sát thủ, những sinh vật ăn thịt "duy trì sự sống bằng bạo lực, chiến đấu đến chết, xé đứt phần cơ thể bị thương, bẻ dần chân tay, làm dịu cơn khát bằng dòng máu nóng của nạn nhân và nuốt chửng phần xác thịt còn đang giãy giụa một cách tham lam". Bây giờ nghe thì giống như những câu chuyện tào lao, nhưng sau vụ thảm sát khủng khiếp của Thế Chiến thứ II, bài báo năm 1953 nhắc tới khái niệm "khỉ không đuôi giết người" của Dart được nhiều người tán thành.

Raymond Dart, người khởi xướng lý thuyết "khỉ giết người" trong tiến hóa loài người, giữ hộp sọ của một đứa trẻ Taung, là australopithecine (khỉ giả nhân) đầu tiên được tìm thấy.

3. Chúng ta chia sẻ thức ăn: Trong những năm 1960, khỉ giết người nhường chỗ cho "khỉ thân thiện" (hippie ape). Nhà nhân chủng học Glynn Isaac đã khai quật thấy xác động vật bị di chuyển một cách có mục đích từ những nơi chúng chết đến các địa điểm mà có lẽ thịt chúng bị chia sẻ với tập thể. Theo quan điểm của Isaac, chia sẻ lương thực dẫn đến nhu cầu chia sẻ thông tin về nơi tìm thấy thức ăn, kéo theo sự phát triển ngôn ngữ và các hành vi xã hội khác của con người một cách rõ nét.

4. Chúng ta bơi "nude": Một thời gian ngắn sau, ở thời đại của Aquarius (Bảo Bình), Elaine Morgan, một biên kịch phim tài liệu truyền hình tuyên bố con người rất khác biệt so với các loài linh trưởng khác, vì tổ tiên của chúng ta phát triển trong một môi trường khác, gần và trong nước. Việc rụng lông cơ thể giúp họ bơi nhanh hơn, trong khi việc đứng thẳng giúp họ có thể lội. Giả thuyết "vượn voi" (aquatic ape) đã bị cộng đồng khoa học bác bỏ. Tuy nhiên, vào năm 2013, David Attenborough xác nhận giả thuyết này.

5. Chúng ta biết ném: Nhà khảo cổ học Reid Ferring tin rằng tổ tiên của chúng ta bắt đầu tiến hóa thành người khi phát triển khả năng ném đá với vận tốc cao. Tại Dmanisi, một hiện trường hominin (tổ tiên ban đầu của loài người) 1,8 triệu năm tuổi tại nước cộng hòa Georgia cũ thuộc Liên bang Xô viết, Ferring đã tìm ra bằng chứng cho thấy người đứng thẳng tìm ra cách ném đá tập thể để xua đuổi dã thú khỏi xác những người chết. "Người Dmanisi nhỏ bé", Ferring nói. "Nơi đây thì đầy những con mèo lớn. Vậy hominin sống như thế nào? Làm thế nào họ có thể đến đó từ tận châu Phi? Ném đá là một phần của câu trả lời". Ông cũng lập luận, việc ném đá vào động vật cũng giúp hình thành xã hội, bởi để thành công cần sự hợp lực của cả nhóm.

Bức tranh được lấy cảm hứng từ các kết quả khảo cổ tại Dmanisi, Cộng hòa Georgia, vẽ; một người đứng thẳng nữ đang chuẩn bị ném một hòn đá để xua đuổi linh cẩu đi khỏi xác con hươu.

6. Chúng ta săn bắt: Săn bắt có nhiều ý nghĩa hơn ngoài khơi gợi tinh thần hợp tác, nhà nhân chủng học Sherwood Washburn và CS Lancaster lập luận trong một bài báo năm 1968: "Về cảm quan thì trí tuệ, sở thích, cảm xúc và cuộc sống xã hội cơ bản – tất cả đều là sản phẩm tiến hóa từ sự thích nghi săn bắn thành công". Ví dụ, đại não của chúng ta phát triển là nhờ nhu cầu lưu trữ thêm thông tin về địa điểm và thời gian tìm kiếm. Săn bắt cũng được cho là dẫn tới sự phân chia lao động giữa hai giới, với người nữ chỉ biết hái lượm. Điều đó đặt ra câu hỏi: Tại sao phụ nữ cũng có bộ não lớn?

7. Chúng ta đổi thực phẩm lấy tình dục: Cụ thể hơn là quan hệ tình dục một vợ một chồng. Theo lý thuyết của C. Owen Lovejoy ra đời năm 1981, bước ngoặt quan trọng trong sự tiến hoá của con người là mối quan hệ một vợ một chồng có từ sáu triệu năm trước. Cho đến trước thời điểm đó, những người nam có nhiều thú tính thường có nhiều bạn tình nhất. Tuy nhiên, những người nữ có mối quan hệ một vợ một chồng lại thích những người nam chấp nhận cung cấp thực phẩm và ở gần để hỗ trợ việc nuôi con cái. Theo Lovejoy, tổ tiên của chúng ta bắt đầu đi thẳng vì như vậy giải phóng được đôi tay và có thể mang về nhà nhiều đồ hơn.

Trên một con voi bị chết vì nguyên nhân tự nhiên, các nhà khảo cổ học đã kiểm tra xem họ có thể cắt các miếng thịt bằng công cụ đá thô sơ nhanh cỡ nào. Mỗi người cắt được khoảng 45 kg thịt 1 giờ.

8. Chúng ta ăn thịt (đã được nấu): Não lớn tiêu thụ nhiều năng lượng – chất xám có nhu cầu năng lượng gấp 20 lần so với cơ bắp. Một số nhà nghiên cứu cho rằng con người đã không thể tiến hóa nếu ăn chay, bởi não bộ của chúng ta chỉ phát triển sau khi chúng ta bắt đầu ăn thịt, một loại thực phẩm giàu đạm và chất béo, từ khoảng hai đến ba triệu năm trước. Cũng theo nhà nhân loại học Rechard Wrangham, sau khi tổ tiên của chúng ta phát minh ra cách nấu ăn – một hành vi chỉ có ở loài người, giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn – chúng ta tốn ít năng lượng hơn vào việc nhai hoặc nghiền nát thức ăn để có nhiều năng lượng hơn cho bộ não. Đến khi, bộ não phát triển đủ lớn và đưa ra quyết định ăn chay.

9. Chúng ta ăn Carbohydrates (đã được nấu): Theo một bài phân tích gần đây, cũng có thể não lớn của chúng ta hoạt động bằng cách nạp Carbohydrates (Carbs). Sau khi tổ tiên của chúng ta phát minh ra cách nấu ăn, củ và các loại cây nhiều tinh bột khác đã trở thành nguồn thực phẩm tốt cho não, dễ kiếm hơn thịt. Một loại enzyme trong nước bọt của chúng ta gọi là amylase giúp phân hủy carbs thành một loại đường đơn giản (glucose) mà não cần. Nhà di truyền học tiến hóa Mark G. Thomas thuộc Đại học College London lưu ý rằng DNA của chúng ta có chứa nhiều bản sao gen cho amylase, cho thấy nước bọt – và củ cải – giúp thúc đẩy quá trình trưởng thành của bộ não người.

10. Chúng ta đi trên hai chân: Liệu có phải việc tổ tiên của chúng ta chuyển từ cây xuống và bắt đầu đi thẳng đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong quá trình tiến hóa loài người? Những người ủng hộ "giả thuyết bình nguyên cỏ mọc" cho rằng thay đổi khí hậu đã thúc đẩy sự thích ứng này. Khi châu Phi trở nên khô cằn hơn từ khoảng ba triệu năm trước, những khu rừng bị thu hẹp lại và các vùng hoang mạc lan rộng hơn. Các loài động vật linh trưởng có thể đứng lên và nhìn qua ngọn cỏ cao để canh gác những kẻ săn mồi và có thể di chuyển nhanh hơn qua những vùng đất trống, nơi mà nguồn lương thực và nguồn nước cách xa nhau. Một vấn đề của giả thuyết này là việc phát hiện thấy Ardipithecus ramidus (hay Ardi – chi vượn đất), một loài người sinh sống cách đây 4,4 triệu năm ở Ethiopia. Khu vực đó ẩm ướt và có rừng,  nhưng "Ardi" có thể đi bộ trên hai chân.

Do khí hậu Châu Phi ngày càng khô cằn hơn, sau khoảng ba triệu năm trước, rừng biến thành đồng cỏvà tổ tiên chúng ta phải thích nghi với điều đó.

11. Chúng ta có khả năng thích ứng: Richard Potts, Giám đốc chương trình Human Origins (tạm dịch là Nguồn gốc loài người) của bảo tàng Smithsonian, cho rằng quá trình tiến hóa của con người bị ảnh hưởng bởi những sự biến đổi môi trường chứ không phải là một xu hướng duy nhất nào. Ông cho biết sự xuất hiện của dòng họ Homo gần ba triệu năm trước trùng hợp với những giao động liên tục giữa khí hậu ướt và khô. Lựa chọn tự nhiên giúp các động vật linh trưởng có thể đối phó với sự thay đổi liên tục, không thể đoán trước được này, Potts lập luận: Khả năng thích nghi chính là yếu tố xác định đặc tính của con người.

Theo nhà nhân chủng học Curtis Marean, vũ khí có thể phóng xa của Homo sapiens, được tìm thấy tại Pinnacle Point ở Nam Phi, phản ánh khả năng hợp tác của con người.

12. Chúng ta đoàn kết và chiếm đoạt: Nhà nhân chủng học Curtis Marean đưa ra một quan điểm về nguồn gốc loài người rất phù hợp với thời đại toàn cầu của chúng ta: Chúng ta là loài xâm lược cuối cùng. Sau hàng chục nghìn năm kìm hãm trong một lục địa duy nhất, tổ tiên chúng ta đã định cư trên toàn cầu. Họ đã đạt được thành công như thế nào? Marean cho hay điểm trọng yếu là khuynh hướng di truyền cộng sinh – sinh ra không phải từ lòng vị tha mà từ xung đột. Các nhóm linh trưởng hợp tác nhằm chiếm lợi thế cạnh tranh so với các nhóm đối thủ và bảo toàn gen. Marean viết: "Việc kết hợp khuynh hướng độc tài với khả năng nhận thức tiên tiến của tổ tiên chúng ta đã giúp họ hòa nhập nhanh hơn trong môi trường mới. Sự kết hợp này cũng thúc đẩy quá trình đổi mới, tiến tới công nghệ thay đổi cuộc chơi: là những vũ khí có thể phóng ra tiên tiến".

Vậy có gì sai với tất cả các lý thuyết này?

Nhiều trong số các lý thuyết trên đúng nhưng vẫn mẫu thuẫn nhau: ý tưởng con người có thể được định vị bởi một hoặc một nhóm đặc tính riêng biệt và trạng thái đơn nhất trong tiến hóa là bước ngoặt quan trọng trên chặng đường không thể tránh khỏi tiến hóa thành người hiện đại.

Tuy nhiên, tổ tiên của chúng ta không phải là những phép kiểm thử beta. Họ không có chiều hướng tiến hóa thành một cái gì đó, họ không tồn tại theo cách của khỉ giả nhân hay người đứng thẳng. Và không có đặc tính riêng biệt nào họ có tạo nên bước ngoặt, bởi "gieo nhân ắt có quả": làm ra công cụ, ném đá, ăn những thức ăn đơn giản (như thịt và khoai tây), hợp tác chặt chẽ, thích nghi – và bộ não lớn – vượn đứng thẳng giết người là chính chúng ta. Và chúng ta vẫn đang tiếp tục quá trình tiến hóa đến tận ngày nay.

Đông Mai

Theo National Geographic

Chủ đề khác