VnReview
Hà Nội

Hoa kỳ: Dấu hiệu tự sát từ nền kinh tế từ chối việc đổi mới

Thất bại của Juicero không chỉ thể hiện sự ngu xuẩn của ngành công nghệ – đó còn là dấu hiệu về một quốc gia từ chối đổi mới.

Nếu có sử dụng internet trong vài tuần qua, bạn có thể đã biết về Juicero. Juicero là công ty có trụ sở tại San Francisco bán máy ép trái cây với giá 400USD. Đây là cách chiếc máy này hoạt động: Bạn bỏ vào một gói trái cây hay rau thái nhỏ được bán sẵn và chiếc máy sẽ chuyển thành nước ép trái cây. Nhưng hóa ra bạn không thực sự cần đến chiếc máy này để làm nước trái cây. Ngày 19/4, Bloomberg News đưa tin bạn có thể bóp các túi này bằng tay để có nước ép hoa quả. Cách này thậm chí còn nhanh hơn. Thật buồn cười. Juicero đã làm nên một câu chuyện đùa hoàn hảo: một startup nổi tiếng được "tâng bốc" bởi tờ New York Times và nhận khoản đầu tư ưu đãi 120 triệu USD từ các công ty đầu tư uy tín như Kleiner Perkins Caufield & Byers và Google Ventures đang bán một công cụ đắt tiền để tự động hóa một việc bạn có thể tự làm trong khoảng thời gian ngắn hơn và hoàn toàn miễn phí.

Juicero khá buồn cười. Nhưng nó cũng phản ánh một sự thật không hề vui vẻ về thung lũng Silicon và nền kinh tế của nước Mỹ. Juicero không phải là một sự bất thường trong môi trường đầu tư cho sáng tạo như những lời biện hộ trên tờ Vox. Ngược lại, đây là một ví dụ khác về sự phản đối đổi mới của Hoa Kỳ. Và hậu quả không thể nghiêm trọng hơn: nền kinh tế sản xuất ra những sản phẩm như Juicero cũng chính là nền kinh tế đang tạo ra những người nghiện ma túy ở Ohio, những công nhân đình công ở Alabama và những gia đình bị trục xuất ở Los Angeles.

Những hiện tượng này có vẻ khác xa nhau, nhưng thực tế lại có liên quan mật thiết. Đổi mới thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Đổi mới làm tăng năng suất, tạo ra nhiều của cải hơn với ít sức lao động hơn. Một nền kinh tế không có sự đổi mới sẽ trở nên trì trệ, bất bình đẳng và là nguồn gốc của sự tuyệt vọng trong cuộc sống của hầu hết người lao động ngày nay. Juicero không chỉ là thứ gì đó thú vị một cách ngu ngốc ở thung lũng Silicon. Nó còn là dấu hiệu về một quốc gia có nền kinh tế đang dần tự sát.

Gốc rễ của vấn đề là câu chuyện chúng ta vẫn tự kể về sự đổi mới. Hãy ngăn tôi lại nếu bạn đã từng nghe điều này trước đây: một thiên tài đơn độc biến mất trong một ga-ra ở Palo Alto rồi xuất hiện với một sáng chế làm thay đổi thế giới. Động cơ của sự tiến bộ công nghệ là doanh nhân - một người phải có tầm nhìn chiến lược, nhanh nhẹn, mạo hiểm kiểu như Steve Jobs.

Câu chuyện này được nhắc đi nhắc lại nhiều đến nỗi nó đã trở thành lời kể khuôn sáo. Nó cũng không chính xác. Không giống với những gì mọi người vẫn tin, các doanh nhân lại thường đưa ra các quyết định đổi mới tồi tệ. Nếu để ‘tự lực', khu vực tư nhân nhiều khả năng sẽ làm cản trở sự phát triển của công nghệ hơn là làm nó tiến bộ. Đó là bởi sự đổi mới thực sự rất tốn kém: đầu tư quá nhiều tiền vào các dự án nghiên cứu mà có thể thất bại, hoặc ít nhất không thể đem lại một sản phẩm có thể thương mại hóa thành công. Nói cách khác, việc này có nhiều rủi ro, điều mà các công ty tư bản không thích.

Steve Jobs thường được coi là khuôn mẫu của một doanh nhân. Hình ảnh: Ted Thai

Điều này làm phát sinh vấn đề. Các công ty cần những bước đột phá để xây dựng doanh nghiệp, nhưng nhìn chung họ không thể - hoặc sẽ không - cung cấp kinh phí cho sự phát triển và các đột phá đó. Vậy tiền sẽ từ đâu đến? Chính phủ. Như nhà kinh tế học Mariana Mazzucato đã chỉ ra, hầu như mọi sự đổi mới quan trọng kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai đều nhờ một nguồn lực lớn từ khu vực công, bởi một lý do rõ ràng: khu vực công có thể chịu những rủi ro mà khu vực tư nhân không thể.

Theo lẽ thường, thị trường thúc đẩy sự đổi mới. Trên thực tế, lịch sử chỉ ra sự cô lập chính phủ khỏi thị trường đã làm những đổi mới thành công. Chính phủ không phải cạnh tranh, cũng không phải chịu áp lực chia sẻ lợi nhuận từ các nhà đầu tư. Chính phủ cũng hào phóng hơn nhiều đối với kết quả lao động khoa học: không một công ty tư nhân nào lại ngu ngốc đến mức liên tiếp ‘tặng' miễn phí những đổi mới mà mình đã phải chi rất lớn mới có được, nhưng đó lại chính xác là những gì chính phủ làm. Một động lực rất quen thuộc từ cuộc khủng hoảng tài chính: người đóng thuế chịu rủi ro và nhà đầu tư gặt gái thành quả.

Từ năng lượng tới dược phẩm, từ sự bùng nổ khí đá phiến đến các loại thuốc bảo vệ sự sống, nghiên cứu công có ở khắp mọi nơi và đặt nền móng cho lợi ích cá nhân. Ngành công nghiệp sản xuất ra Juicero đã được hưởng lợi đặc biệt từ sự hào phóng của chính phủ. Những tiến bộ tạo ra những gì chúng ta đang gọi là công nghệ - sự phát triển của điện toán số, phát minh ra internet, hình thành thung lũng Silicon - đều là kết quả của sự đầu tư bền vững của chính phủ. Thậm chí iPhone –biểu tượng cho sự sáng tạo của tư bản cũng sẽ không thể tồn tại nếu không có ngân sách từ chính phủ. Công nghệ lõi của iPhone, từ hiển thị màn hình cảm ứng đến GPS hay Siri đều có nguồn gốc từ nghiên cứu được chính phủ đầu tư.

Biểu tượng trạng thái mới: đó không phải những gì bạn trải qua - Đó là bạn đã làm việc chăm chỉ thế nào

Tuy nhiên, gần đây sự khắt khe đã làm giảm năng lực của chính phủ trong việc đầu tư cho đổi mới. Là một phần của nền kinh tế, kinh phí dành cho nghiên cứu đã giảm trong nhiều thập kỷ. Hiện nay kinh phí này đang ở mức thấp nhất trong 40 năm qua, chỉ chiếm 1% của GDP. Đảng Cộng hòa thậm chí còn muốn đẩy con số này xuống thấp hơn nữa: kế hoạch ngân sách được Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng 3 hứa hẹn một sự cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ cho các nghiên cứu khoa học.

Nhiều thập kỷ cắt giảm thuế cũng làm suy yếu tiềm năng sáng tạo. Trớ trêu thay, việc cắt giảm này lại được coi như là biện pháp kích thích sự đổi mới bằng cách ‘giải phóng' động lực của khu vực tư nhân. Sự sụt giảm mạnh nhất về thuế thu nhập vào cuối những năm 1970 khi Hiệp hội liên doanh vốn quốc gia vận động hành lang để Quốc hội cắt giảm một nửa tỷ lệ này qua việc tuyên bố các công ty đầu tư mạo hiểm đã tạo ra internet. Theo đó, Warren Buffett trả thuế suất thấp hơn thư ký của mình.

Dĩ nhiên các công ty đầu tư mạo hiểm không tạo ra internet và họ cũng không tài trợ cho cho đổi mới nhiều với số của cải họ kiếm được từ việc ‘giả vờ' làm như vậy. Họ muốn có nguồn thu lớn trong một thời gian ngắn, điển hình là tìm kiếm startup đang hướng tới đầu ra là IPO hoặc một thương vụ mua lại từ các công ty lớn hơn trong vòng từ 3-5 năm. Đây không phải là công thức để nuôi dưỡng những sự đột phá thực sự, bởi nó đòi hỏi sự hỗ trợ kiên trì trong một khung thời gian dài. Tuy nhiên, đó lại là một công thức tốt để tạo ra những thứ vô nghĩa như Juicero hay các công ty định giá cao, vốn được xem như là phương tiện sinh lợi cho các đầu cơ tài chính.

Còn các tập đoàn thì sao? Nếu các công ty đầu tư mạo hiểm không lấp đầy khoảng trống do sự sụp đổ của nghiên cứu công tạo ra, thì các công ty lớn cũng không làm thế. Ngày càng ít các công ty đặt nguồn lực lớn vào việc nghiên cứu cơ bản. Đó không bởi họ thiếu tiền - lợi nhuận độc quyền và việc trốn thuế đã giúp Apple thu được khoản tiền khổng lồ. Tuy nhiên, sự xâm chiếm của doanh nghiệp Hoa kỳ vào lĩnh vực tài chính đảm bảo tiền sẽ không được đưa vào các mục đích sản xuất. Wall Street quan tâm đến việc khai thác tài sản hơn là tạo ra nó. Thay vào đó, các công ty sẽ tự hòa vốn bằng cách kiếm lợi nhuận cho các cổ đông từ việc mua lại cổ phần và cổ tức hơn là để họ đầu tư vào khả năng tăng trưởng.

Khi khu vực công vẫn khốn khó, thì khu vực tư nhân ngày càng trở nên cồng kềnh và tốn kém. Nền kinh tế biến thành cơ chế làm người giàu càng trở nên giàu có và số tiền đáng lẽ ra được sử dụng để đầu tư phát triển Internet thì lại được dùng cho những chiếc xe thể thao và du thuyền. Kết quả là không chỉ ngày càng có ít các phát minh kỳ diệu mà sự tăng trưởng cũng suy yếu. Kể từ những năm 1970, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với thời kỳ vàng son của thế kỷ trước và tiền lương đã giảm. Của cải tăng lên trong khi đó phần lớn những người tạo ra nó lại đang tiếp tục trượt dốc.

Thật khó tưởng tượng ra một cách tổ chức xã hội phi lý hơn. Chủ nghĩa tư bản rất tự hào về việc phân bổ nguồn lực - nếu nó tạo ra bất bình đẳng thì ít nhất nó cũng tạo ra sự tăng trưởng. Ngày nay điều này không còn đúng nữa. Tuy nhiên không hiểu sao chủ nghĩa tư bản lại đang tự hạn chế phát triển của mình. Một hệ thống tốt sẽ nhận ra rằng sự đổi mới là quá quý giá để đặt vào tay khu vực công, và rằng chủ nghĩa tư bản, giống như các dự án không tưởng, sẽ hiệu quả hơn trên lý thuyết chứ không hẳn trên thực tế.

Nguyễn Huyền

Theo: Guardian

Chủ đề khác