VnReview
Hà Nội

Anh cấm nhập thịt gà "clo" Mỹ: Thịt gà rửa clo có an toàn?

Thịt gà Mỹ vừa bị Anh cấm nhập khẩu với lý do gà được rửa nước clo. Vậy gà rửa nước clo để làm gì? Nó có hại cho sức khoẻ và môi trường không? Tại sao bây giờ nước Anh mới cấm?

Theo nhà báo kỳ cựu George Monbiot trong bài viết trên Guardian, clo không vắng mặt trong cuộc sống của người Anh. Họ vẫn uống nó trong nước máy hàng ngày (ở các nước phương Tây nước máy được xử lý đủ sạch để uống trực tiếp từ vòi). Thế sao nay Anh lại cấm nhập thịt gà của Mỹ có rửa bằng nước clo?

Vì sao có thịt gà nhúng nước clo?

Theo báo Anh Independent, để làm sạch thịt gà khỏi vi khuẩn và các chất độc khác, sau khi gà bị giết và trước khi đóng gói thịt, các trang trại Mỹ được phép nhúng hoặc rửa thịt gà trong nước có chlorine dioxide (ClO2). Hợp chất này sẽ giết chết các vi khuẩn độc hại tiềm ẩn trên bề mặt thịt gà như E coli, campylobacter và Salmonella. Ngoài ClO2, các hợp chất khác cũng được dùng thay thế, phổ biến là Sodium Chlorite (NaClO2) được axit hóa (còn gọi là ASC), trisodium phosphate, peroxyacids.

Ngoài thịt gia cầm, các loại thịt khác cũng có thể được xử lý tương tự. Quá trình này trong ngành công nghiệp chăn nuôi được gọi là xử lý giảm thiểu tác nhân gây bệnh (pathogen reduction treatment-PRT).

Liên minh châu Âu EU không cho phép các nhà sản xuất rửa thịt với bất kỳ chất nào khác ngoài nước trừ khi chất đó được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua.

Rửa thịt gà bằng clo sẽ giúp các nông dân và nhà chế biến thực phẩm tiết kiệm chi phí cho hệ thống vệ sinh trong vòng đời gà nuôi. Bạn chỉ cần nhúng thịt trong bồn clo để giết các loại mầm bệnh tích tụ.

Theo những người ủng hộ, phương pháp này sẽ giúp tăng cao các tiêu chuẩn vệ sinh và phúc lợi động vật vì các nông dân phải quan tâm chăm sóc vật nuôi ở từng giai đoạn thay vì chỉ phụ thuộc vào quá trình rửa hóa chất để giết mọi tác nhân gây bệnh độc hại sau khi làm thịt động vật.

Thịt gà rửa bằng clo có đủ an toàn để ăn?

Với những người ủng hộ, biện pháp này lành mạnh vì thịt không còn độc và mầm bệnh nguy hiểm tiềm ẩn.

Với những người đấu tranh cho phúc lợi động vật, rửa clo chỉ là cách che đậy vấn đề thật sự là các điều kiện chăn nuôi và giết động vật dơ bẩn, không vệ sinh. Họ chỉ ra rằng rửa clo sẽ không ngăn cản thịt bị nhiễm bẩn, và các mầm bệnh sẽ tiếp tục sinh sôi mạnh mẽ hơn, biến thành các dạng độc hại và cuối cùng gây nhiều nguy hiểm hơn cho sức khỏe con người.

Một trong những người có quan điểm cởi mở về thịt gà nhúng clo là Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox. "Nhiều năm qua dân Mỹ đã ăn thịt gà nhúng clo một cách an toàn tuyệt đối".

Cùng ngày, viện nghiên cứu Adam Smith Institute (Anh) công bố một báo cáo tựa đề "Gà nhúng clo: Vì sao bạn không nên bực bội", cho rằng những nỗi sợ về thịt gà qua xử lý đã bị thổi phồng. Không có gì để lo lắng vì nếu việc rửa lo không hiệu quả, "tỉ lệ bệnh do thực phẩm gây ra từ thịt gà đã chiếm ưu thế cao hơn nhiều" ở Bắc Mỹ.

Báo cáo này trích dẫn một thống kê của EC cho biết mức độ độc hại của chlorate-ClO3 (một phụ phẩm của clo) chỉ đạt được khi một người ăn thịt gà nhúng clo lên tới 5% trọng lượng cơ thể họ. EU cũng đưa ra dư lượng chlorate tối đa trên mỗi kg thực phẩm là 0,01mg (tỉ lệ chlorate trung bình trong thịt gà nhúng clo hiện vẫn chưa có thống kê).

Báo cáo này còn dẫn lại một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy mức độ lây nhiễm các vi khuẩn salmonella và campylobacter ở Mỹ cũng tương tự ở EU.

Tuy nhiên, sau khi xem lại nghiên cứu của WHO, nhà báo Monbiot của Guardian cho biết tỉ lệ lây nhiễm khuẩn campylobacter trên đầu người ở Mỹ và EU là tương tự nhưng với các giống khuẩn salmonella thì tỷ lệ này khác nhau. Mức độ nhiễm bệnh do các dòng khuẩn Salmonella typhi và Salmonella paratyphi gây ra ở Bắc Mỹ cao hơn EU đến 4 và 5 lần. Nghiên cứu của WHO không cung cấp chi tiết các tỉ lệ này có phải do gà nhúng clo gây ra hay không nhưng rõ ràng tuyên bố của viện Smith là sai lầm.

Independent cũng dẫn lại một số nghiên cứu và khuyến cáo khác trong nội bộ châu Âu.

Năm 2015, cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) cho rằng chlorate là gây nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn cho trẻ em nhưng tổng lượng tiêu thụ trong khẩu phần hiện tại ở châu Âu chưa đủ để lo ngại.

Một nghiên cứu năm 2005 của EFSA cho thấy việc xử lý thịt gia cầm bằng 4 chất kháng khuẩn phổ biến nhất "sẽ không gây lo ngại về an toàn", và việc xịt clo lên thịt thay vì nhúng/tắm như một số trang trại Mỹ đã làm sẽ góp phần giới hạn dư lượng phơi nhiễm các hóa chất này.

Tuy nhiên, năm 2008, hội đồng châu Âu đã bác bỏ một đề nghị cho phép dùng biện pháp rửa thịt gà kháng khuẩn bằng clo vì sẽ dẫn tới việc hình thành các hợp chất clo hữu cơ gây ung thư, khó loại bỏ và có khuynh hướng tích tụ theo thời gian khi thường xuyên được hấp thụ.

Rửa gà bằng clo có hiệu quả hơn các phương pháp làm sạch khác của EU?

Một cuộc điều tra của một tổ chức phi lợi nhuận độc lập có uy tín ở Mỹ là Consumer Reports vào năm 2014 cho thấy 97% trong 300 mẫu ức gà được kiểm tra trên toàn nước Mỹ có chứa các vi khuẩn độc hại bao gồm cả Salmonella, campylobacter và E.Coli.

Năm 2013, nghiên cứu của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ phân tích sự lây lan các bệnh do thực phẩm từ 1998-2008 cho thấy "số người chết vì thịt gia cầm nhiều hơn vì các mặt hàng khác".

Hơn phân nửa trong các mẫu nghiên cứu đều chứa các chất độc và một lượng tương tự ẩn chứa ít nhất một loại vi khuẩn có khả năng đề kháng trước ba loại kháng sinh phổ biến (hoặc nhiều hơn thế!).

Hay nghiên cứu năm 2016 của cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Vương quốc Anh (FSA) đã tìm thấy phân nửa các mẫu thịt gà từ các nhà bán lẻ Anh đều nhiễm campylobacter đa kháng thuốc, một mức độ độc hại đáng kể.

Ngoài ra FSA còn một thống kê về số ca nhiễm campylobacter trên người ở Anh được các phòng thí nghiệm xác nhận đã tăng 17% trong năm 2016.

Rửa gà bằng clo có tác hại gì đến môi trường?

Quyết định của Hội đồng châu Âu vào năm 2008 (đã nêu trong mục thứ hai Thịt gà rửa bằng clo có đủ an toàn để ăn) cũng cho rằng thịt gà rửa bằng clo "có thể gây nguy cơ trong môi trường biển, sức khỏe nhân viên làm việc trong các hệ thống xử lý nước thải, hoạt động và năng lực của các hệ thống thoát nước và/hoặc các nhà máy xử lý nước thải".

Thời điểm đó tất cả quốc gia thành viên khác đều bỏ phiếu chống lại đề xuất biện pháp rửa gà bằng clo, chỉ trừ nước Anh với lý do cần thêm thời gian để xem xét!

Chlorate cũng có mặt trong nước và một số thực phẩm khác, thậm chí là thuốc trừ sâu nhưng chlorate trong thuốc trừ sâu đã bị EU cấm từ năm 2008 vì lý do trên.

Một nghiên cứu gần đây của Văn phòng giám sát thú ý và hóa chất ở Stuttgart, Đức (CVAU) cho biết tỉ lệ trái cây và rau củ trong nội bộ EU có nồng độ chlorate cao hơn tiêu chuẩn cho phép 0,01% lên tới 10% trên 4.300 mẫu được kiểm tra. Thậm chí một số mẫu vượt chuẩn gấp hàng trăm lần.

Thịt gà rửa clo và câu chuyện thương mại tự do Anh – Mỹ

Giá thịt gà ở Mỹ tính trên kilogram rẻ hơn ở Anh 21%, theo tính toán trong nghiên cứu của viện Adam Smith, dựa trên số liệu chính phủ Mỹ từ năm 2015. Do đó, Viện ủng hộ việc cho phép nhập khẩu thịt gà đã qua xử lý bằng clo trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ.

Nhưng Viện này lại không đưa ra bằng chứng minh họa quan hệ nhân quả giữa việc rửa gà bằng clo và giá thịt gà rẻ hơn trong các siêu thị.

Tuy nhiên, theo nhà báo Monbiot, thịt gà nhúng clo là biện pháp yếu ớt nhất trong các quy định về thịt Mỹ mà FTA mới có thể ép buộc người Anh phải tuân theo. Vấn đề này được đẩy lên chiến tuyến vì nó ít độc hại hơn những sự thật ẩn giấu sau đó về mặt chính trị.

Hiện tại nước Anh đang tuân thủ các quy tắc của EU chọn lối tiếp cận thận trọng trong quy định thực phẩm, chỉ cho phép các sản phẩm và quá trình đã được chứng minh là an toàn. Ngược lại, chính phủ Mỹ lại áp dụng con đường cơ hội hơn, cho phép mọi thứ trừ những thứ đã được chứng minh là nguy hiểm. Các giới hạn về ngân sách và quyền lực của các nhà làm luật sẽ đảm bảo gây khó cho việc xây dựng các bằng chứng về sự nguy hiểm.

Ngày nay, các thỏa thuận thương mại không liên quan gì đến giảm thiểu thuế quan vì nhiều cái đã bị loại bỏ. Các hiệp định thương mại bây giờ sẽ có hai chức năng chính: đầu tiên là mở rộng quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng giá cả và giúp các tập đoàn lớn nhất loại bỏ những kẻ cạnh tranh bé nhỏ hơn. Chức năng thứ hai là "hài hòa" các quy định. Trong một thỏa thuận không cân xứng giữa một nước rất lớn với các tiêu chuẩn thấp hơn và một nước nhỏ hơn với các chuẩn cao hơn thì cuối cùng sẽ chỉ còn một kết quả duy nhất. Do đó, mọi chuyện của nước Anh sẽ kết thúc với các tiêu chuẩn Mỹ.

Theo các báo cáo mới nhất, vấn đề này vẫn còn để ngỏ. Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Today của BBC Radio, khi được hỏi về việc một sản phẩm không đủ chuẩn EU do Mỹ sản xuất như gà nhúng clo có được phép ở Anh hay không, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove đã trả lời "Không". Ông đồng ý với quan điểm là nước Mỹ cần phải nói lời tạm biệt với một thỏa thuận thương mại với những thứ hàng nhập khẩu đó. "Chúng ta cần ở vị thế khi rời EU để trở thành những người dẫn đầu về các tiêu chuẩn phúc lợi động vật và môi trường".

Các vấn đề lớn hơn về thực phẩm

Một vụ điều tra của hãng tin Reuters đã tiết lộ sự thật rằng các công ty thịt gà Mỹ đang dùng nhiều loại kháng sinh làm thuốc bổ sung định kỳ trong chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh và kích thích tăng trưởng. Các thuốc này được xếp loại "đặc biệt quan trọng" trong danh mục thuốc cho người của Cục quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA). Chúng được áp dụng cho gà với liều thấp, tạo ra các điều kiện hoàn hảo cho sự sinh sôi của các loại siêu bọ đề kháng với kháng sinh mới.

Một số nghiên cứu khác cũng tiết lộ gà được tiêm antihistamine (thuốc ức chế hoạt động của chất phóng ra khi tế bào bị dị ứng) để làm thịt chúng mềm hơn.

Qua kiểm tra, một số mẫu thịt gà dương tính với dư lượng steroids (thuốc kích thích cơ bắp) và ketamine (thuốc gây mê khẩn cấp). Và cũng có những bằng chứng về gia súc Mỹ được tiêm hormone giúp mập nhanh sẽ tăng thêm nguy cơ ung thư ngực.

Và tất cả những điều này đã diễn ra trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn thành việc tấn công vào hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ.

Steve Trần

Chủ đề khác