VnReview
Hà Nội

Biến đổi khí hậu làm giảm chất lượng lúa gạo trên toàn cầu

Tưởng chừng biến đổi khí hậu chỉ tác động tiêu cực tới thời tiết và môi trường, tuy nhiên chính nguồn lương thực, thực phẩm chúng ta đang ăn hàng ngày cũng đang phải gánh chịu hậu quả tiêu cực đó.

Những cơn hạn hán kéo dài, nhiệt độ cao và mưa lớn do biến đổi khí hậu là những nguyên nhân hàng đầu tàn phá ngành nông nghiệp thế giới. Trong khi hậu quả nhãn tiền chưa thể đong đếm hết, con người còn phải đối mặt với một hiểm họa tiềm tàng khác từ biến đổi khí hậu đối gây ra cho nông nghiệp, đó là sự suy giảm chất lượng lương thực.

Theo một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Environmental Health Perspectives, lượng khí thải CO2 đang tăng nhanh trong bầu khí quyển sẽ làm giảm đáng kể giá trị dinh dưỡng của lúa mì, gạo và nhiều loại lương thực chủ yếu khác. Nguy cơ sâu xa hơn có thể gia tăng tình trang thiếu hụt protein trên toàn cầu.

Samuel S. Myers, tác giả kiêm nhà nghiên cứu cao cấp thuộc khoa sức khỏe môi trường, T.H. Chan School of Public Health, ĐH. Harvard chia sẻ: "Những phát hiện này thật đáng kinh ngạc. Nếu chúng ta ngồi xuống cùng nhau và bàn luận về tác động của việc phát thải CO2 tới sức khỏe con người cách đây 15 năm trước, có lẽ chúng ta đã không phải đưa ra dự đoán tiêu cực về tình trạng giảm chất lượng lương thực hiện nay. Nếu tiếp tục phá vỡ quy luật và thay đổi hệ sinh thái tự nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục gặp phải những bất ngờ như vậy".

Theo PopSci, nếu mức CO2 tiếp tục tăng theo dự báo, lượng protein trong khẩu phần ăn của người dân tại 18 quốc gia có thể giảm thêm 5% vào năm 2050. Hiện có khoảng 76% dân số thế giới hấp thụ protein hàng ngày từ thực vật.

Để tính toán nguy cơ hiện tại và tương lai do thiếu hụt protein, các nhà nghiên cứu đã kết hợp dữ liệu từ các thí nghiệm. Trong đó, các thí nghiệm tập trung cho cây trồng tiếp xúc với nồng độ CO2 cao, kết hợp với dữ liệu chế độ ăn uống của mọi người trên toàn cầu.

Tác động của CO2 tới sự suy giảm protein trong lương thực ở mỗi quốc gia

Các nhà khoa học nhận thấy, khi phải tiếp xúc với nồng độ CO2 tăng cao, hàm lượng protein trong gạo, lúa mỳ, lúa mạch và khoai tây đã giảm từ 6-14%. Nghiên cứu ước tính, thế giới sẽ có thêm 150 triệu người phải chịu tình cảnh hấp thụ ít hơn dinh dưỡng từ thực vật, đặc biệt là chất đạm.

Không chỉ thiếu protein, lương thực đang dần mất kẽm và sắt

Trước đó, một bài báo khác của Myers cùng đồng nghiệp đăng tải trên tạp chí GeoHealth cũng khẳng định, CO2 làm giảm đáng kể lượng sắt trong thực vật. Ước tính, CO2 gây ra tình trạng thiếu sắt cho khoảng 1 tỷ phụ nữ trong độ tuổi mang thai. Bên cạnh đó, lượng sắt trong khẩu phần ăn bị mất do tác động của CO2 lên tới 4%.

Chưa hết, kẽm cũng là vi chất bị mất do tác động của CO2. Nghiên cứu vào năm 2015 của Myer cho thấy, lượng CO2 phát thải có thể khiến khoảng 200 triệu người bị thiếu kẽm.

Tỷ lệ thiếu sắt do tác động của CO2 lên lương thực tại các quốc gia trên thế giới.

Sự thiếu hụt của các vi chất chắc chắn gây ra nhiều hệ lụy, Thiếu protein gây nên tình trạng còi cọc, mệt mỏi, thiếu cân, chậm phát triển và suy nhược. Trong khi đó, thiếu sắt dẫn đến tỷ lệ tử vọng cao ở các bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm chỉ số IQ và khả năng làm việc.

Hiện tại các vùng và quốc gia có nguy cơ thiếu hụt các vi chất trên phân bổ chủ yếu ở Nam Á như Ấn Độ, vùng sa mạc Sahara (Châu Phi)

Myer thừa nhận, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu với chất dinh dưỡng trong lương thực đang là nguồn động viên cổ vũ lớn cho nhiều nhà hoạt động môi trường. Họ đang kêu gọi người dân cần có chế độ ăn uống "xanh" hơn để cắt giảm khí thải carbon phát ra từ chăn nuôi gia súc.

Ăn uống xanh hơn để tự cứu chính mình

Trên thực tế, rất nhiều người tại các quốc gia có thu nhập thấp đang thu nạp protein và kẽm chủ yếu từ động vật. Vấn đề này cũng xảy ra tại nhiều quốc gia phát triển khác. Nguyên nhân một phần từ thói quen ăn uống đã có từ lâu đời, protein và kẽm từ thịt gần như đủ sức cung cấp chất dinh dưỡng cho con người.

Mặt khác, xã hội chưa thực sự sẵn sàng chuyển sang một chế độ ăn mới, xanh, sạch hơn hoặc ít nhất chung tay giảm phát thải khí carbon từ hoạt động chăn nuôi.

Tuy nhiên Myers tin rằng, con người có thể đối phó với tình trạng này bằng cách thay đổi khẩu phần ăn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, ăn nhiều đậu, đỗ cung cấp lượng protein không thua kém thịt bò, hay việc ăn côn trùng như dế và sâu đục quả cũng đem lại lợi ích dinh dưỡng khá tốt.

Myers gợi ý một giải pháp khác liên quan đến các loại cây trồng biến đổi gen cung cấp sắt và kẽm, ít chịu tác động của CO2.

Mặc dù vậy, giải pháp tình thế trong thời điểm này là tiếp tục theo dõi cẩn thận mức độ dinh dưỡng của những nhóm cây lương thực dễ bị tổn thương. Đồng thời, mỗi người dân cần có chế độ ăn uống đa dạng và giàu dinh dưỡng hơn. Sự thay đổi có thể đã quá muộn, khi mà hơn 1 tỷ người chịu gánh nặng bệnh tất do thiếu dinh dưỡng suốt nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên nếu có sự chung tay từ cộng đồng, chúng ta vẫn có thể xoay chuyển tình thế.

Tiến Thanh

Chủ đề khác