VnReview
Hà Nội

Trung Quốc ôm mộng vượt qua Mỹ để giành ngôi "siêu cường quốc AI"

Trong cuộc chiến để trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực AI, ai sẽ là người thắng cuộc?

Theo TheVerge, vào tháng 10 năm 1957, Liên bang Xô viết đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất, Sputnik 1. Tuy chỉ to ngang một quả bóng chuyền bãi biển, nhưng nó đã thúc đẩy Mỹ vào một cuộc nghiên cứu và đầu tư "điên cuồng", điều mà sau này đã giúp con người có thể chinh phục được Mặt trăng. 60 năm sau, thế giới có thể sẽ có một "khoảnh khắc Sputnik" thứ hai. Nhưng lần này, không phải Mỹ là quốc gia nhận được hồi chuông cảnh tỉnh, mà là Trung Quốc; và mục tiêu của họ không phải là khám phá vũ trụ, mà là tạo ra trí tuệ nhân tạo.

"Sputnik thứ hai" chính là AlphaGo, hệ thống AI được phát triển bởi Deepmind, công ty thuộc sở hữu của Google. Năm 2016, AlphaGo đã đánh bại kì thủ Lee Se-dol của Hàn Quốc ở môn cờ vây, và trong tháng 5 năm nay, nó một lần nữa đánh bại con người, lần này là nhà đương kim vô địch thế giới người Trung Quốc Ke Jie. Hai vị giáo sư cố vấn về chính sách trí tuệ nhân tạo của Chính phủ Trung Quốc chia sẻ với trang The New York Times rằng, những thất bại đó đã thúc ép các chính trị gia đầu tư vào công nghệ này. Và trong bản báo cáo được công bố vào tháng trước, tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực này là rất rõ ràng: quốc gia này muốn trở thành người đứng đầu vào năm 2030.

Theo Anthony Mullen, Giám đốc nghiên cứu của hang phân tích Gartner: "Đây là một tham vọng rất thực tế. Ngay bây giờ, trí tuệ nhân tạo là cuộc đua song mã giữa Trung Quốc và Mỹ". Ông nhận định Trung Quốc hội tụ đủ các yếu tố để hoàn thành mục tiêu ấy. Những khoản đầu tư của chính phủ, dân số lớn, cộng đồng nghiên cứu năng nổ và một xã hội sẵn sàng đón nhận những sự thay đổi về công nghệ. Tất cả chúng đều dẫn đến một câu hỏi "tỷ đô": trong cuộc đua AI, liệu Trung Quốc có thực sự đánh bại được Mỹ?

Đương kim vô địch thế giới môn cờ vây Ke Jie đã phải chịu thất bại cay đắng trước trí tuệ nhân tạo;

Sức mạnh đến từ số lượng

Để xây dựng hệ thống AI tốt, bạn cần có dữ liệu, và không có gì tạo ra dữ liệu giống như con người. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dân số lên đến 1,4 tỷ người (bao gồm 730 triệu người dùng internet) sẽ là lợi thế lớn nhất của Trung Quốc. Những công dân này tạo ra những thông tin hữu ích mà các gã khổng lồ công nghệ hoàn toàn có thể khai thác, và Trung Quốc cũng có nhiều quyền hạn hơn khi nói đến quyền riêng tư của người dùng. Theo Mullen, với mục đích xây dựng trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc có lợi hơn các nước châu Âu với những "luật lệ tập trung vào người dân" của họ. Những công ty như Apple hay Google đang cố gắng để giải quyết vấn đề quyền riêng tư này, nhưng không "dây" vào nó ngay từ đầu thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc cũng là một "mỏ vàng" dữ liệu để xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo. Ở Trung Quốc, AI đang được triển khai theo những cách mà khó có thể chấp nhận ở các nước phương Tây. Ví dụ, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được sử dụng cho tất cả mọi thứ, từ việc xác định người đi bộ qua đường ẩu cho đến...phân phát giấy vệ sinh. Những sự áp dụng này có vẻ tầm thường, nhưng không còn cách nào tốt hơn để có thể triển khai và thử nghiệm công nghệ. Ông Mullen nói: "Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khủng hoảng về sự phát triển của AI mà các nước phương Tây đang gặp phải".

Những cuộc "phiêu lưu" của chatbot của Microsoft tại Trung Quốc và Mỹ là một ví dụ điển hình. Tại Trung Quốc, con bot Xiaoice của công ty, có thể tải xuống dưới dạng một ứng dụng, có hơn 40 triệu người dùng, với những người thường xuyên trò chuyện với nó mỗi đêm. Nó thậm chí còn xuất bản một cuốn sách về thơ bằng bút danh, gây ra một cuộc tranh luận trong nước về sáng tạo nhân tạo. Ngược lại, phiên bản Mỹ của con bot với cái tên Tay, đã bị cho ngưng hoạt động chỉ sau vài ngày do người dùng Twitter dạy nó trở nên phân biệt chủng tộc.

Matt Scott, Giám đốc công nghệ của công ty Malong Technologies, cho biết thái độ của Trung Quốc đối với công nghệ mới là rất "liều lĩnh", nhưng theo nghĩa tốt. Ông nói: "Đối với trí tuệ nhân tạo, bạn luôn phải ở vị trí mũi nhọn. Nếu bạn sử dụng một công nghệ đã một năm tuổi, bạn đã lỗi thời rồi. Và tôi chắc chắn rằng ở Trung Quốc – ít ra là cộng đồng của tôi ở Trung Quốc – rất giỏi trong việc chấp nhận những rủi ro này".

Văn hóa hợp tác

Kết quả của cộng đồng nghiên cứu về AI ở Trung Quốc, theo các cách khác nhau, là rất dễ đánh giá. Một báo cáo của Nhà Trắng vào tháng 10 năm 2016 đã ghi nhận rằng Trung Quốc hiện đang công bố nhiều bài báo về học sâu (deep learning) hơn Mỹ, đồng thời các bằng sáng chế có liên quan đến trí tuệ nhân tạo đến từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tăng 200% trong những năm gần đây. Tầm ảnh hưởng của cộng đồng AI tại Trung Quốc lớn đến nỗi, vào đầu năm nay, Hiệp hội vì sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo đã phải điều chỉnh ngày tổ chức cuộc họp hàng năm của mình, vốn thường được diễn ra vào dịp Tết Âm lịch.

Tuy nhiên, điều phức tạp hơn là làm thế nào để "quy đổi" những con số này thành các thành tựu khoa học như thế nào. Paul Scharre, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ tỏ ra hoài nghi với những số liệu thống kê này. Theo ông, "Bạn có thể đếm số giấy tờ, nhưng nó là thước đo tệ nhất, vì nó không cho bạn thấy bất cứ điều gì về chất lượng của chúng cả. Ở thời điểm hiện tại, những nghiên cứu mũi nhọn vẫn đang được thực hiện bởi các tổ chức như Google Brain, OpenAI hay Deepmind".

Nhưng, tại Trung Quốc, có nhiều sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đại học và chính phủ hơn – những thứ có thể đem lại lợi ích về lâu dài. Công ty Malong Technologies của ông Scott có điều hành một phòng thí nghiệm nghiên cứu chung với Đại học Tsinghua, và có quan hệ đối tác lớn hơn nhiều như "phòng thí nghiệm quốc gia về deep learning" do Baidu và Cơ quan Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc quản lý.

Các khía cạnh khác của nghiên cứu dường như có ảnh hưởng, nhưng rất khó để đánh giá. Scott, người đã từng bắt đầu làm việc trong lĩnh vực học máy (machine learning) cách đây 10 năm với Microsoft, nhận định Trung Quốc có một cộng đồng AI mở rất đặc biệt. Ông cũng nói thêm rằng ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc là một nguồn tài nguyên phong phú, với các nhóm trò chuyện tập trung quanh các trường đại học và các công ty, cùng nhau chia sẻ và thảo luận các nghiên cứu mới. "Các cộng đồng AI rất hoạt bát và nhanh nhẹn. Không sai khi nói rằng WeChat là một phương tiện dùng để truyền bá thông tin có hiệu quả cao".

Hãy nhớ rằng, chính phủ là người giúp tạo ra internet

Điều khiến Scharre lo ngại là kế hoạch rút lui khỏi khoa học cơ bản của chính phủ Mỹ. Ngân sách đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump sẽ bị cắt giảm, khiến những cơ quan có liên quan đến trí tuệ nhân tạo bị ảnh hưởng. "Rõ ràng Washington không có bất kỳ chiến lược nào để khôi phục sự đầu tư của Mỹ vào khoa học và công nghệ. Tôi đặc biệt quan ngại với hàng loạt những chính sách cắt giảm mà chính quyền của ông Trump đang lên kế hoạch. Tôi nghĩ rằng chúng đáng báo động và gây phản tác dụng".

Chính quyền của ông Trump sẽ không bao giờ được coi là "thân thiện với khoa học". Chính quyền trước đây đã nhận thức được sự nguy hiểm và tiềm năng của trí tuệ nhân tạo. Hai báo cáo được công bố bởi Nhà trắng của ông Obama vào cuối năm ngoái đã đánh dấu sự cấp thiết của việc đầu tư vào AI, cũng như tiếp xúc với các chủ đề như điều tiết và thị trường lao động. Theo như bản báo cáo tháng 10: "AI có tiềm năng trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội", nhận xét rằng "đầu tư của cả khu vực công lẫn tư vào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu thu được những lợi ích to lớn".

Theo nhiều cách, bài viết chính sách tháng 7 của Trung Quốc về AI phản ánh điều này, nhưng Trung Quốc không chỉ trải qua một biến động chính trị to lớn có thể đe dọa thay đổi đường lối của nó. Báo cáo chính sách của Trung Quốc nói rằng vào năm 2020, họ sẽ ngang hàng với các quốc gia đứng đầu trên thế giới; đến năm 2025, AI sẽ là động lực chính cho ngành công nghiệp Trung Quốc; và đến năm 2030, Trung Quốc sẽ "chiếm vị trí dẫn đầu của công nghệ trí tuệ nhân tạo". Theo một báo cáo mới đây của TheEconomist, xây dựng một nền tảng vững chắc sẽ đáng với công sức bỏ ra, và công ty tư vấn PwC dự đoán rằng sự tăng trưởng liên quan đến AI sẽ nâng nền kinh tế toàn cầu lên 16 nghìn tỷ USD vào năm 2030 – với một nửa lợi nhuận trong số đó sẽ "hạ cánh" tại Trung Quốc.

Trí tuệ nhân tạo sẽ là đầu tàu trong việc thúc đẩy nền kinh tế thế giới trong tương lai

Từ đây rồi chúng ta sẽ đi tới đâu?

Đối với Scharre, chính phủ Mỹ đang chìm trong ảo tưởng. "Rất nhiều người cho rằng Mỹ đang tạo ra những công nghệ tốt nhất trên thế giới, và tôi nghĩ rằng đây là một kết luận rất nguy hiểm." Đã đến lúc có một lời cảnh tỉnh. Trung Quốc đã có "khoảnh khắc Sputnik" mà họ cần để ủng hộ AI, nhưng Mỹ thì sao?

Những người khác đặt câu hỏi rằng liệu điều này có cần thiết. Mullen cho biết, mặc dù động lực để trở thành người đứng đầu thế giới hiện đang nằm ở Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn đang là quốc gia dẫn trước, nhờ Silicon Valley. Scharre đồng tình với quan điểm đó, và cho rằng những khoản đầu tư của chính phủ không phải là một vấn đề quá lớn, khi các gã khổng lồ công nghệ Mỹ chỉ cần chuyển hướng một chút tiền từ quảng cáo của họ cho AI. "Tiền bạn nhận được từ những nơi như DARPA chỉ là "muối bỏ bể" nếu so với những gì bạn có thể nhận được từ những công ty như Google hay Facebook".

Những công ty này cũng đưa ra một điểm đối lập với lập luận cho rằng dân số đông của Trung Quốc đem lại cho họ lợi thế. Dĩ nhiên, có một lượng người dùng đông đảo tại một quốc gia là tốt, nhưng cùng một con số đó ở khắp nơi trên thế giới sẽ tốt hơn nhiều. Cả Facebook và Google đều có hơn 2 tỷ người sử dụng nền tảng chính của họ (Facebook và Android) cùng với gần một chục dịch vụ có hơn 1 tỷ người dùng. Có thể nói rằng cách tiếp cận này hữu ích ơn, vì nó cung cấp một lượng dữ liệu phong phú và đa dạng. Các công ty công nghệ của Trung Quốc có thể rất đáng gờm, nhưng họ lại thiếu đi tầm nhìn quốc tế này.

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai khai mạc Hội nghị Nhà phát triển I/O

Scharre cho biết điều này rất quan trọng, bởi khi đánh giá sự tiến bộ của AI, việc triển khai trên mặt đất sẽ có giá trị hơn là nghiên cứu. Theo ông, điều quan trong là "khả năng của các quốc gia và tổ chức trong việc áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách có hiệu quả. Hãy nhìn vào các thứ như sử dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, trong xe tự lái, trong tài chính. Bạn có thể chậm hơn trong nghiên cứu 12 tháng, nhưng miễn sao bạn vẫn có thể nắm bắt được công nghệ đó và sử dụng nó một cách hiệu quả".

Theo nghĩa đó, cuộc đua AI không nhất thiết phải là "zero sum" (cụm từ chỉ trường hợp mà khi một bên có lợi thì bên kia nhận thiệt hại tương đương và ngược lại). Hiện nay, các nghiên cứu tiên tiến đang được phát triển bí mật, nhưng chia sẻ một cách công khai vượt mọi biên giới. Scott, người đã từng làm việc trong lĩnh vực này ở cả Mỹ và Trung Quốc, cho biết các nước có nhiều điểm chung hơn là họ nghĩ. "Mọi người sợ rằng đây là một điều bí ẩn xảy ra ở một số phòng thí nghiệm nào đó, nhưng thật sự không phải vậy. Công nghệ AI tiên tiến nhất đã được công bố, và các quốc gia đều đang hợp tác một cách tích cực."

Theo nhiều cách, điều này cũng tương tự như tình huống năm 1957. Khi tin tức về lần phóng thành công của Sputnik được đăng lên, đã có một không khí tôn trọng giữa các nhà khoa học, bất chấp mâu thuẫn chính trị giữa Mỹ và Liên Xô. Theo một báo cáo, các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ "không hề tỏ ra hiếu chiến sau khi bị đánh bại bởi các kỹ sư Liên Xô, mà chia vui rằng "chúng tôi rất vui mừng khi nó đã lên được trên đó"".

Trong suốt những năm 60 và 70, Mỹ và Nga đã liên tục hoán đổi vị trí dấn đầu trong cuộc đua vũ trụ. Nhưng cuối cùng, những lợi ích của sự cạn tranh này – kiến thức khoa học mới, công nghệ và văn hóa – đã không chỉ dành cho mỗi nhà chiến thắng. Chúng được chia đều cho tất cả mọi người. Theo cách nhìn này, một "khoảnh khắc Sputnik" không phải là một sự báo động, và cuộc đua để xây dựng một hệ thống AI tốt hơn sẽ đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta.

Văn Hoàn

Chủ đề khác