VnReview
Hà Nội

Tại sao thuốc cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ không thể cạnh tranh với thuốc tây?

Y học cổ truyền của các nước phương Đông như Trung Quốc và Ấn Độ tập trung vào sự phòng bệnh và cân bằng cho cơ thể. Trong khi đó, y học phương Tây lại tìm kiếm những cách chữa trị và làm thuyên giảm triệu chứng của bệnh bằng các loại thuốc có tác dụng.

Mỗi nền tảng y học đều có triết lý và sự đúng đắn riêng. Tuy nhiên, trong thị trường y tế và chăm sóc sức khỏe hiện nay, y học phương Tây lại đang chiếm ưu thế hơn hẳn so với y học cổ truyền phương Đông.

Theo báo South China Morning Post, đối với 7,5 tỷ người trên thế giới hiện nay, y học cổ truyền vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Kể cả khi hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại được xây dựng dựa theo các quy chuẩn của phương Tây tiếp tục được mở rộng, điều này vẫn không thay đổi.

Tại châu Á, nơi cư trú của 60% dân số thế giới, nhiều người dân có một niềm tin mãnh liệt rằng các loại thảo dược truyền thống nắm giữ nhiều bí mật và kiến thức chữa trị. Theo họ, đó là những điều y học phương Tây vẫn chưa và sẽ không bao giờ giải thích được.

"Một số niềm tin dựa trên sự thiếu hiểu biết, mê tín dị đoan hoặc lòng trung thành với một nền văn hóa đã mất", Mohamed Nazrul, giáo sư nghiên cứu y tế tại Đại học Châu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết, "Tuy nhiên, nếu tìm cách loại bỏ hoàn toàn niềm tin đó có nghĩa là kết thúc mọi cuộc nghiên cứu về kiến thức y học cổ xưa và phủ nhận giá trị của những cách chữa trị được tạo ra từ hàng nghìn năm trước".

Thực tế hiện nay, y học cổ truyền đang phải nỗ lực tìm chỗ đứng trong một thế giới hiện đại bị chi phối bởi khoa học, công nghệ và triết lý của phương Tây. Sự thất thế của y học cổ truyền đến từ ba thiếu sót lớn, đó là: thiếu phương pháp để chứng minh tính hiệu quả, thiếu khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên quy mô lớn và thiếu nguồn lực để tìm ra các phương pháp chữa bệnh mới. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy y học phương Tây đang chiếm ưu thế trong hệ thống y tế và được cung cấp phần lớn ngân sách để phát triển tại nhiều quốc gia, kể cả những nước có nền y học cổ truyền mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ.

Vậy lý do nào đã khiến y học cổ truyền bị coi là "phương pháp chữa trị thay thế và bổ sung" cho y học phương Tây tại nhiều nơi?

Hãy cùng quay lại lịch sử vào thế kỉ 18. Tại thời điểm đó, châu Á đang ngủ say trong thời kì phong kiến, trong khi châu Âu lại đang trong vòng quay phát triển chóng mặt của công nghiệp và chủ nghĩa tư bản. Đây cũng là thời kì châu Âu phát triển mạnh khoa học và ứng dụng công nghệ vào kinh tế cũng như quân đội.

Sau khi Trung Quốc phải bắt đầu mở cửa vì thất bại trong Chiến tranh Nha phiến vào năm 1842, y học phương Tây đã bắt đầu được lan rộng ra khắp các hải cảng và thành phố lớn tại đất nước này, nơi các giáo sĩ Cơ đốc giáo hoạt động mạnh mẽ nhất. "Trường dạy y học phương Tây đã được mở tại Bắc Kinh và Quảng Châu vào năm 1870, tiếp theo là tại Thiên Tân vào năm 1881", ông Nazrul cho biết. Tại Ấn Độ, y học phương Tây đã được truyền bá rộng rãi thông qua công ty East India, trước cả khi Anh thiết lập quyền thống trị tại đất nước này vào năm 1858.

Y học phương Tây đã chứng minh được tính hiệu quả so với y học cổ truyền khi chữa trị các căn bệnh phổ biến và từ đó, lấy được lòng tin của người dân. Sau khi Trung Quốc và Ấn Độ được độc lập, y học phương Tây tiếp tục được phát triển mạnh mẽ tại hai nước này trên cơ sở của những trường y đã được thành lập trong thế kỷ 19.

Để duy trì những kiến thức về y học của người xưa, Trung Quốc và Ấn Độ đã phải hỗ trợ cho một hệ thống đào tạo kiến thức cho bác sĩ trong cả hai chuyên ngành là y học phương Tây và y học cổ truyền.

"Sinh viên theo học các trường y học cổ truyền sẽ bắt buộc phải học một số khóa học về y học phương Tây", ông Nazrul cho biết. Trung Quốc và Ấn Độ muốn "chuyên nghiệp hóa" các bác sĩ y học cổ truyền bằng cách cho phép họ thực hành y học phương Tây với "một số hạn chế nhất định".

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ chính thức của Chính phủ trong nhiều thập niên, những nỗ lực tăng cường vai trò của y học cổ truyền đều đã thất bại. Theo một nghiên cứu, y học cổ truyền vẫn đang bị mắc kẹt ở "vị trí bên lề" tại hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc và Ấn Độ.

Có nhiều lý do để giải thích sự tụt hậu của y học cổ truyền. "Đầu tiên phải kể tới việc thiếu một bộ khung lý thuyết vững chắc đã khiến cho học viên y học cổ truyền phải cố gắng xây dựng một cơ sở khoa học cho kiến thức của họ", ông Nazul cho biết, "Nhiều loại thuốc cổ truyền không được bất cứ chuyên gia nào giải thích một cách thấu đáo theo góc nhìn khoa học cho thế giới đầy hoài nghi của chúng ta".

Sinh viên ngành y học cổ truyền của Trung Quốc.

Tiếp theo, thuốc cổ truyền tập trung vào việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, thuốc tây tập trung vào việc chữa khỏi bệnh. Điều này khiến cho những bác sĩ y học cổ truyền có thu nhập thấp hơn những đồng nghiệp y học phương Tây. Nguyên nhân là vì việc tập trung vào phòng chống bệnh tật không dẫn tới nhu cầu mua sắm thiết bị chữa trị cũng như thuốc đắt tiền của người bệnh và xin được nhiều tài trợ nghiên cứu.

Nhiều căn bệnh ngày nay bắt nguồn từ lối sống công nghiệp và áp lực cao của chúng ta. Mọi người thường ăn quá nhiều hoặc ăn thực phẩm không lành mạnh, tập thể dục quá ít, lạm dụng chất gây nghiện và thiếu ngủ thường xuyên. Kết quả, các căn bệnh phát sinh trong các bộ phận của cơ thể như não, tim, gan, phổi trở nên phổ biến. Từ đó, yêu cầu về thuốc, phẫu thuật cũng như các phương pháp điều trị đắt tiền nhưng hiệu quả nhanh khác được tăng lên. Đối với ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang đuổi theo lợi nhuận như ngày nay, nghiên cứu các phương pháp điều trị đắt tiền là một việc hết sức quan trọng.

"Làm thế nào để bạn bán được một phong cách sống phòng ngừa bệnh tật cho người khác? Sẽ không có đơn thuốc hay phương pháp điều trị nào được đưa ra nếu bác sĩ bảo bạn không được hút thuốc hoặc dùng đồ có đường. Bác sĩ sẽ nhận được rất ít tiền nếu điều trị kiểu này", ông Nazrul cho biết. Điều này giải thích một phần lý do tại sao khi các bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ cố gắng giới thiệu dịch vụ tới mọi người, họ lại bị coi là khác thường trong nền kinh tế tiêu dùng hiện nay.

Hi vọng của y học cổ truyền

Sự phát triển và mở rộng của y học phương Tây, trớ trêu thay, lại làm dấy lên hi vọng của việc phục hồi nhiều loại thuốc cổ truyền. Do nhu cầu của thị trường, các tập đoàn y tế muốn tạo ra những sản phẩm mới và kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách biến việc sản xuất quy mô nhỏ các loại thảo dược của Trung Quốc và Ấn Độ thành sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn để xuất khẩu. Đây là một quá trình được ông Nazrul mô tả là chủ nghĩa thực dân đảo ngược khi giá trị của những nước đã từng là thuộc địa trở nên được yêu thích tại phương Tây.

Nhiều loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc được đóng hộp bắt mắt không kém gì thuốc tây.

Nhờ vào quảng cáo và bao bì bắt mắt, các loại thuốc cổ truyền đã mất đi dáng vẻ tự nhiên khi được nén thành viên và đóng vỉ như thuốc tây. Mặc dù điều này giúp thuốc cổ truyền dễ tiếp cận với người dùng hơn, ông Nazrul vẫn nhấn mạnh rằng châu Á đã thất bại trong cuộc cạnh tranh với y học phương Tây.

Bên cạnh đó, ông Nazrul cũng chỉ ra sự phổ biến của châm cứu Trung Quốc và yoga Ấn Độ là những ví dụ khác của chủ nghĩa thực dân đảo ngược. Từ chỗ bị coi là văn hóa ngoại lai của một nhóm người thiểu số, châm cứu và yoga đi sâu vào đời sống Mỹ trong những năm 1960. Cả hai đều phù hợp với thông điệp của một thế hệ phương Tây thích hướng tới những giá trị thiêng liêng và cách chữa bệnh tự nhiên của châu Á. Nhờ vào triết lý học được, họ đã chú ý hơn tới việc kiêng cữ và phòng ngừa bệnh tật để có được hạnh phúc.

"Nhiều người đã thất vọng với chi phí y tế quá cao của phương Tây. Họ cũng đặt ra câu hỏi về sự an toàn khi sử dụng thuốc để chữa bệnh cũng như các rối loạn tâm lý có thể đi kèm khác", ông Nazul cho biết.

Thuật châm cứu của Trung Quốc ngày càng phổ biến trên thế giới.

Vì đã được chấp nhận ở phương Tây, châm cứu và yoga đã trở nên "thú vị" cũng như phổ biến khắp nơi trên thế giới, bất chấp việc khoa học chưa thể giải thích một cách đầy đủ về khả năng của chúng.

Khi xem xét lại y học cổ truyền của Trung Quốc và Ấn Độ, ông Nazul kết luận chúng vẫn còn có cơ hội để phát triển. Thế giới hiện đại khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi và mâu thuẫn khi phải tập trung không ngừng vào lợi nhuận. Tới một lúc nào đó, họ sẽ hiểu được giá trị của sự cân bằng và hài hòa đến từ y học cổ truyền.;

 Nguyễn Long

Chủ đề khác