VnReview
Hà Nội

Tháng 7/2017 tiếp tục là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử 137 năm qua

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu NASA, tháng 7/2017 vừa tiếp tục phá kỷ lục tháng 7/2016 trở thành tháng 7 nóng nhất trong lịch sử 137 năm qua.

Theo DailyMail, phân tích nhiệt độ toàn cầu cho thấy, tháng 7/2017 đạt mức nhiệt cao hơn 0,83 độ C so với tháng 7 trong giai đoạn 1951-1980. Các nhà nghiên cứu từ NASA khẳng định, đây là tháng 7 nóng nhất trong vòng 137 năm qua. Kỷ lục gần nhất được thiết lập vào tháng 7/2016 với mức nhiệt độ cao hơn 0,82 độ C so với cùng giai đoạn trên.

Bản đồ toàn cầu về các chỉ số nhiệt độ đất liền-đại dương tháng 7/2017 so với mức trung bình năm 1951-1980. Vùng màu đỏ sẫm hiển thị những nơi có mức nhiệt trung bình cao hơn.

Phân tích trên do các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Không gian Goddard, NASA tiến hành mới đây. Các khu vực phát hiện có mức nhiệt độ cao hơn trung bình phần lớn ở Trung Đông, Tây bắc Bắc Mỹ, một số khu vực ở Trung Quốc và miền bắc nước Úc. Ngược lại một số vùng tại Siberia lại có mức nhiệt độ thấp hơn trung bình.

Tháng 7 thường là tháng nóng nhất trong năm trên toàn cầu bởi bán cầu Bắc chiếm phần lớn diện tích Trái Đất. Đây cũng là thời điểm bán cầu Bắc nhận được nhiều nhiệt lượng nhất của Mặt Trời trong mùa hè.

Khác với các phân tích từ NASA, cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản lại chỉ ra, tháng 7/2016 vẫn ấm hơn tháng 7/2017 khoảng 0,02 độ C.

Trong khi đó, Cục quản lý Đại Dương và Khí quyền quốc gia Mỹ (NOAA) với báo cáo nhiệt độ toàn cầu đưa ra hôm 17/7 cho thấy, nhiệt độ trung bình tháng 7 năm nay gần như tương đồng với tháng 7 năm ngoái. Và điều này có thể coi, tháng 7/2017 là tháng nóng nhất.

Mùa hè sẽ ngày càng khắc nghiệt qua từng năm?

Nghiên cứu khác do nhóm khoa học khí hậu NASA và một giáo sư tại ĐH. Columbia tiết lộ, trong nhiều thập kỷ qua, nhiệt độ toàn cầu đã liên tục tăng và khiến mùa hè ngày càng khắc nghiệt hơn trên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu phân tích nhiệt độ mùa hè giai đoạn 1951-1980 và so sánh với những thập kỷ về sau đó. Kết quả cho thấy, nhiệt độ ở Bắc Mỹ đạt trạng thái khá ổn định, không quá nóng cũng không quá lạnh. Tuy nhiên chỉ từ những năm gần đây, nhiệt độ bắt đầu có sự thay đổi bất ngờ.

Có 2/3 giá trị nhiệt độ ghi nhận tại Bắc bán cầu trong giai đoạn 2005-2015 được xếp vào mức "nóng", tăng từ mức giá trị 1/3 trong giai đoạn 1951-1980. Thậm chí có khoảng 15% giá trị đạt mức "cực nóng".

Tháng 6/2017 vừa qua cũng là tháng Sáu nóng thứ 3 sau hai năm 2015 và 2016, đồng thời là tháng Sáu nóng nhất trong 137 năm qua. Nhiệt độ trung bình tăng cao kỷ lục tại Trung Á, Tây Âu, Trung Âu và phía nam nước Mỹ.

Nhiệt độ toàn cầu đất liền và đại dương trong tháng 6/2017

Nguyên nhân dẫn tới những thay đổi bất thường này do sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất. Năng lượng hấp thụ từ ánh sáng Mặt trời đã vượt quá mức nhiệt lượng bức xạ ra ngoài không gian. Chỉ tính riêng nửa đầu thập kỷ này đã ấm hơn 0,1 độ C so với thập kỷ trước. Đó là chưa kể sự tác động của hiện tượng El Niños và La Niñas cũng góp phần tăng sự khắc nghiệt của khí hậu.

Nhiệt độ trung bình năm đang tăng lên không ngừng qua từng năm

Các chuyên gia cảnh báo, xu hướng nhiệt độ có thể thay đổi qua từng năm. Tuy nhiên xu hướng gia tăng nhiệt độ này sẽ chưa dừng lại.

Hiện có khoảng 30% dân số thế giới phải đối mặt với nguy cơ tử vong do nhiệt độ cao. Đến năm 2100, con số này có thể tăng lên ít nhất 48% ngay cả khi khí thải nhà kính được giảm thiểu.

Tiến Thanh

Chủ đề khác