VnReview
Hà Nội

Ba quốc gia này đang dẫn đầu cuộc chạy đua robot của thế giới

Theo một giám đốc công nghệ cấp cao, trong việc tạo ra những cỗ máy để thực hiện các nhiệm vụ của con người, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia đang bỏ xa phần còn lại của thế giới.

Trong một buổi phỏng vấn với trang tin CNN, Malcolm Frank, giám đốc chiến lược của công ty Cognizant và là đồng tác giả của cuốn sách gần đây với tựa đề "What To Do When Machines Do Everything" (tạm dịch: phải làm gì khi các cỗ máy đã làm hết mọi thứ), đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình về tầm ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới.

Ông nói: "Tôi nghĩ là có 3 con ngựa ở trong cuộc đua, nhưng có lẽ đây là phép ẩn dụ không chuẩn xác vì cả 3 đều sẽ chiến thắng, chỉ là chúng chiến thắng theo những cách khác nhau".

Trong khi AI đang phát triển nhanh ở cả những nơi khác, Frank cho rằng các điểm nóng phát triển chủ yếu là những thành phố trung tâm như London hay Stockholm, hoặc các nền kinh tế nhỏ hơn như Estonia.

"Ba quốc gia lớn là Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ", và đây là lí do tại sao:

Mỹ

Các gã khổng lồ của Thung lũng Silicon như Facebook, Amazon, Google và Tesla đã và đang đầu tư hàng tỷ USD để khai thác sức mạnh của máy tính, nhằm thay thế một số tác vụ của con người.

Máy móc đã bắt đầu thay thế con người trong các lĩnh vực như nông nghiệp và thậm chí là y học, chưa kể đến cuộc chạy đua để đưa xe tự lái lên trên đường phố.

Theo Frank: "Với Thung lũng Silicon, cùng với các nhà cung cấp và đà tăng trưởng tồn tại ở đó… nó sẽ còn tiếp diễn".

Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang đặt cược vào trí tuệ nhân tạo.

Các công ty công nghệ như Tencent và Baidu đang cạnh tranh trực tiếp với Thung lũng Silicon để phát triển các ứng dụng mới cho AI, và tỷ phú công nghệ Jack Ma của Alibaba, một trong những người đàn ông giàu có nhất trung quốc, thậm chí còn từng nói các Giám đốc điều hành (CEO) sẽ dần trở nên thừa thãi.

Tuy nhiên, khác với Mỹ, sự thúc đẩy lớn nhất tới thế giới mới này tại Trung Quốc lại đến từ chính phủ. "Bạn có thể nhìn vào lịch sử và thấy rằng Trung Quốc đã rất thành công, với những khoản tài trợ của nhà nước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Và họ đang thực hiện cách tiếp cận tương tự với trí tuệ nhân tạo, và tôi nghĩ rằng điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích".

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng cho ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD này. Vào tháng trước, họ tuyên bố sẽ biến Trung Quốc trở thành "trung tâm đổi mới về AI" của thế giới vào năm 2030.

Ấn Độ

Ở Ấn Độ, sự chuyển mình sang trí tuệ nhân tạo là tự các công ty đã tạo ra ngành công nghiệp gia công trị giá 143 tỷ USD – một lĩnh vực đã tạo ra việc làm cho 4 triệu người.

Các công ty hàng đầu như Infosys, Tata Consultancy Services và Wipro, những nơi đã cung cấp dịch vụ công nghệ cho các tên tuổi lớn như Deutsche Bank, Lockheed Martin, IBM, Microsoft và Quân đội Mỹ đều đang ngày càng dựa vào tự động hóa trong hoạt động của họ.

"Tại Ấn Độ, bạn có thể nhìn thấy một nền tảng vô cùng đặc biệt…với những kỹ năng ở đẳng cấp cao được tập trung vào nhu cầu của các công ty trên toàn thế giới", Frank nhận định.

Ngoài ra, các startup tại Ấn Độ cũng khiến ông cảm thấy "rất lạc quan" về tương lai của AI ở nơi đây. Cognizant, có trụ sở tại Mỹ nhưng có phần lớn nhân lực tại Ấn Độ, cũng đang sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực hơn – từ các chương trình quản lí tài chính khách hàng trực tuyến tới các hệ thống tự động cho các thiết bị thông minh.

Chúng ta có nên lo lắng hay không?

Có nhiều người đang lo lắng về những hiểm họa tiềm tàng của trí thông minh nhân tạo, bao gồm cả nhà sáng lập của Tesla, tỷ phú Elon Musk. Ông đã cảnh báo rằng công nghệ này có thể gây ra một "mối đe dọa sống còn" nếu không được sử dụng đúng cách, và đã viết một bức thư trong tuần này cùng với hơn 100 chuyên gia khác đòi hỏi một lệnh cấm sử dụng nó làm vũ khí trên toàn cầu.

Theo Frank, sự phát triển của AI đòi hỏi chúng ta phải có sự cẩn trọng, bằng cách phối hợp chính phủ và các công ty lại với nhau và đưa ra các nguyên tắc. Ông đã ví điều này với những quy tắc an toàn trên máy bay hay lái xe, những thứ đã liên tục "tiến hóa" theo thời gian.

Mục tiêu trọng tâm của chúng ta sẽ phải là tạo ra một thế giới "nơi AI là một công cụ an toàn và bạn nhận được lợi ích từ chúng mà không phải đánh đổi điều gì cả".

Đối với các mối lo ngại khác – rằng robot sẽ lấy đi việc làm – Frank lập luận rằng AI sẽ không chỉ tạo ra nhiều loại công việc mới trong tương lai, mà còn thúc đẩy những công việc hiện tại. "Đó là điều đã xảy ra với dây chuyền lắp ráp, đó là điều đã xảy ra với động cơ hơi nước, và đó cũng sẽ là điều tương tự với trí tuệ nhân tạo".

Văn Hoàn

Chủ đề khác