VnReview
Hà Nội

Thế giới sẽ cạn kiệt lương thực vào năm 2027?

Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của dân số thế giới ngày nay, việc cạn kiệt nguồn lương thực là điều không thể tránh khỏi.

Theo Sara Menker, người sáng lập và Giám đốc điều hành Gro Intelligence, một công ty chuyên về dữ liệu nông nghiệp, đến năm 2027, thế giới sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt 214 nghìn tỷ calorie. Nói cách khác, chỉ trong vòng một thập kỉ tới, chúng ta sẽ không có đủ nguồn thực phẩm để nuôi sống cả hành tinh.

Trang tin Quartz đưa tin, từ lâu, chúng ta đã biết rằng thế giới sẽ đạt đến một giới hạn mà số con người trên thế giới nhiều hơn số thực phẩm mà chúng ta có để duy trì sự sống. Đến năm 2050, dân số thế giới dự kiến sẽ đạt mốc 9,7 tỷ người, và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) thừa nhận chúng ta sẽ cần phải sản xuất thêm 70% lương thực so với ngày nay để nuôi được ngần ấy con người. Hạn chót 2050 là thời điểm mà các nhà khoa học và các tổ chức như FAO và Oxfam đề ra, cũng là lúc thế giới hết sạch nguồn thức ăn.

Nhưng có một vấn đề hiện hữu ở hầu hết các đánh giá về tình trạng mất an toàn thực phẩm, đó là chúng ta sử dụng khối lượng và trọng lượng, chứ không phải là giá trị dinh dưỡng. "Tại sao chúng ta lại nói về thực phẩm dưới dạng trọng lượng?" Sara Menker đặt ra câu hỏi tại sự kiện TEDGlobal ở Arusha, Tanzania. "Những gì chúng ta quan tâm ở trong thực phẩm là hàm lượng dinh dưỡng. Không phải tất cả các loại thực phẩm đều được tạo ra như nhau, ngay cả khi chúng có cân nặng như nhau".

Vào năm 2023, dân số của Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Phi kết hợp lại sẽ chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Ngay lúc này đây, Châu Phi đã phải nhập khẩu thực phẩm, và đến năm 2023, Ấn Độ, quốc gia hiện chưa phải nhập khẩu thực phẩm cũng sẽ bắt đầu phải làm vậy. Tại Trung Quốc, tỉ lệ tăng trưởng dân số sẽ giảm đi, nhưng lượng calorie tiêu thụ trong nước sẽ tiếp tục tăng lên trong suốt những năm đầu của thập kỉ tới. Những năm gần đây, người dân Trung Quốc đã bắt đầu tiêu thụ thêm nhiều thịt hơn, đặc biệt là thịt đỏ - thực phẩm có hàm lượng calorie rất cao. Bà Menker nhận định rằng sẽ ngày càng có nhiều nhu cầu cho kiểu chế độ ăn kiêng giàu calorie này tại Trung Quốc.

Theo bà Menker, đến năm 2023, ngay cả khi tất cả các sản phẩm thặng dư sản xuất từ các nước Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Phi thì cũng không đủ. 4 năm sau, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 214 nghìn tỷ calorie. Lượng calorie này tương đương với 379 triệu chiếc hamburger Big Mac – nhiều hơn cả con số McDonald sản xuất kể từ ngày thành lập.

Bà Menker, trước đây là một nhà kinh doanh hàng hóa, đã khởi xướng Gro Intelligence để cung cấp cho các cá nhân, chính phủ và doanh nghiệp những tầm nhìn về nông nghiệp, theo dõi dữ liệu từ các mô hình thời tiết đến định giá năng động (dynamic pricing). Bà đã đề xuất một vài giải pháp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng sắp tới: Cải cách các ngành nông nghiệp ở Châu Phi và Ấn Độ bằng cách thay đổi cách người nông dân làm nông, cách mọi người mua và tiêu thụ thực phẩm, cắt giảm sự phung phí thực phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng sản lượng nông nghiệp theo cấp số nhân. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu để lan tỏa và tác động đến quá trình ra quyết định này.

"Lần đầu tiên trong lịch sử, công cụ quan trọng nhất để thành công trong ngành công nghiệp – dữ liệu và tri thức – đang trở nên ngày càng rẻ hơn. Sớm thôi, sẽ không còn quan trọng việc bạn có bao nhiêu tiền, để đưa ra những quyết định đúng đắn và tối đa hóa xác suất thành công trong việc hoàn thành mục tiêu của mình. Chúng ta có giải pháp. Chúng ta chỉ cần hành động theo nó", bà Menker nhận định.

Văn Hoàn

Chủ đề khác