VnReview
Hà Nội

Virus Zika có thể tiêu diệt tế bào ung thư

Virus Zika là một trong những bệnh dịch tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới, mà khi các bà mẹ đang mang thai bị lây nhiễm sẽ gây ra dị tật teo não trên trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ông bà ta có câu "lấy độc trị độc", và những gì các bạn sắp đọc dưới đây là một ví dụ rất cụ thể.

> Những điều cần biết và cách phòng tránh virus Zika

Theo Gizmodo, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã phát hiện ra rằng khi bị lây nhiễm trên một con chuột thí nghiệm, virus Zika thay vì tấn công các tế bào não thông thường, chúng lại tập trung vào tấn công và tiêu diệt các tế bào gốc glioblastoma - vốn là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư não glioblastoma. Những con chuột được tiêm Zika vào trong các tế bào glioblastoma có vẻ như sống được lâu hơn những con cùng mắc bệnh nhưng không được tiêm. Mặc dù chuột khác xa với con người, nhưng thông qua phát hiện này, các nhà nghiên cứu hi vọng rằng họ sẽ tìm ra được một phương thức chữa trị ung thư não đầy tiềm năng.

"Các chủng virus Zika đã được biến đổi gene có thể mang lại liệu pháp chữa trị tiềm năng đối với các bệnh nhân trưởng thành mắc bệnh ung thư não glioblastoma", các nhà nghiên cứu cho biết.

Glioblastoma là một loại u não ác tính có chứa rất nhiều loại tế bào khác nhau bên trong. Thời gian sống trung bình - tức là khoảng thời gian mà chỉ nửa số bệnh nhân sống được nếu mắc bệnh - đối với bệnh nhân bị ung thư não glioblastoma là dưới 2 năm. Theo các nhà nghiên cứu thì các tế bào ung thư tập trung chủ yếu ở trung ương thần kinh, và quá trình di căn chủ yếu diễn ra gần khối u ban đầu. Do đó, họ đã tập trung tìm kiếm một liệu pháp chữa trị có thể nhắm vào các tế bào cụ thể - giống như virus Zika.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã tiêm virus Zika vào các tế bào gốc glioblastoma được trích xuất từ bệnh nhân, và nhận thấy virus Zika dường như đã ngăn chặn các tế bào ung thư sinh sôi. Điều thú vị là các tế bào não khác hầu như không bị ảnh hưởng trong suốt quá trình thí nghiệm.

Tiếp đó, họ tạo ra một số dạng u não khác trên các con chuột và tiêm virus Zika vào chúng. Tất cả những con chuột không được tiêm thuốc đều chết sau 30 ngày, còn những con được tiêm virus thì sống lâu hơn từ vài ngày đến vài tuần.

Mặc dù những kết quả thu được nghe có vẻ "chưa thuyết phục" lắm, nhưng theo các nhà nghiên cứu Zika là một trong số những virus "lấy độc trị độc" mà họ đang theo đuổi để chống lại căn bệnh ung thư glioblastoma. Các loại virus khác đã và đang được nghiên cứu là virus sởi, mụn rộp và bại liệt.;

Nghiên cứu này mới chỉ được tiến hành chủ yếu trên loài chuột, do đó vẫn chưa rõ nó có tác dụng thế nào đối với con người. Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ bắt đầu quá trình thử nghiệm trên con người trong 1-2 năm tới. Kết quả thí nghiệm ban đầu thu được trên loài chuột đã mở ra những hi vọng cho các nghiên cứu mới sau này: "Kết quả của nhóm nghiên cứu chúng tôi có thể xem là nền tảng cho quá trình nghiên cứu sâu hơn về cơ chế cũng như biến đổi gene của virus Zika (an toàn hơn) - loại virus có thể nắm giữ vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực ung thư thần kinh".

Tấn Minh

Chủ đề khác