VnReview
Hà Nội

Trung Quốc đang tiến gần tới các thử nghiệm cấy ghép cơ quan của lợn trên người

Các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng họ đang chờ đợi chính phủ cho phép thực hiện các thử nghiệm lâm sàng sử dụng các cơ quan biến đổi gen của lợn để cấy ghép trên cơ thể người.

Cuộc giải phẫu cấy ghép đầu tiên này có thể diễn ra trong 2 năm nữa, theo các nhà nghiên cứu từ dự án cấy ghép dị chủng quốc gia Trung Quốc.

Các thí nghiệm gần đây được thực hiện trên động vật, trong đó loài khỉ cho thấy chúng có thể sống một khoảng thời gian lên đến vài năm sau khi nhận được các cơ quan cấy ghép từ loài lợn.

Trong khi đó, Trung Quốc là nơi có các trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất trên thế giới, có thể cung cấp động vật được nuôi cấy đặc biệt để cấy ghép gan, tim và các cơ quan khác cho người. Theo Zhao Zijian, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh Metabolic thuộc Đại học Y Nam Kinh, Giang Tô, nhu cầu phẫu thuật cấy ghép là rất lớn ở nước này với tỷ lệ cao về các bệnh như tim mạch, ung thư phổi và viêm gan.

Ông Zhao, một nhà khoa học cấp cao tại phòng thí nghiệm ghép dị chủng, cho biết đề xuất hiện đang chờ phán quyết của chính phủ.

Zhao cho biết: "Có những bệnh nhân đang cận kề cái chết và người thân của họ cầu mong trong tuyệt vọng về một cơ hội sống. Nhưng khi chúng tôi trao đổi với các cơ quan có trách nhiệm phê duyệt các thử nghiệm lâm sàng, tất cả những gì chúng tôi nhận lại là sự im lặng. Chúng tôi hiểu rằng chính phủ phải rất khó khăn để đưa ra quyết định, nhưng đã đến lúc chúng tôi cần có câu trả lời", ông nói. Bắc Kinh đã ngừng việc lấy nội tạng từ những tù nhân bị tử hình vào năm 2015 - nguồn nội tạng chính từ nhiều thập kỷ qua - dẫn đến lo ngại liệu có đủ số người tình nguyện đáp ứng nhu cầu cấy ghép ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Theo các cơ quan y tế Trung Quốc, trong thời gian từ 2010 đến 2016, có chưa đến 10.000 người hiến tạng nhưng lại có tới hơn 1,5 triệu bệnh nhân cần ghép tạng mỗi năm.

Các thử nghiệm lâm sàng được đề xuất là một phần của dự án cấy ghép gan quốc gia với sự tham gia của 10 viện nghiên cứu và được chính phủ trung ương tài trợ vốn.

Các cơ quan bao gồm Đại học Y tế Quân đội số 4 thuộc Quân đội Giải phóng nhân dân; Trung tâm Genome Nhân Ngư Trung Quốc ở Thượng Hải; Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh; và Bệnh viện Nhân dân 2 ở Thẩm Quyến.

Các cơ quan của lợn được xem là ứng cử viên động vật tốt nhất cho việc cấy ghép trên người vì chúng có cùng kích thước và sự trao đổi chất. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã đạt được một loạt các đột phá sử dụng các cơ quan lợn trong cấy ghép dị chủng.

Theo một báo cáo năm ngoái của tạp chí Khoa học, một con khỉ đã sống sót qua gần 3 năm sau khi được ghép trái tim của một con lợn tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ.

Các thí nghiệm tương tự trên động vật liên quan đến các cơ quan khác - phổi, thận và gan - đã được tiến hành ở châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ở Trung Quốc, một nhóm người ở Tây An đã ghép thành công gan của một con lợn vào một con khỉ vào tháng 11. Họ cho biết máu của con khỉ đã vào được trong gan của lợn và được lọc và sạch sẽ.

Tao Kaishan, một nhà khoa học cấy ghép gan tại Đại học Y tế Quân đội số 4, người đã tham gia thử nghiệm, nói với China Youth Daily rằng nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ có thể sử dụng gan lợn trong các cuộc cấy ghép cho người vào khoảng năm 2019. Ông cũng tham gia vào dự án quốc gia.

Cấy ghép giác mạc lợn đã từng được thực hiện ở Trung Quốc. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, từ năm 2010, hơn 100 bệnh nhân đã được phẫu thuật, với chi phí khoảng 30.000 NDT (4.500 USD).

Các giác mạc, hoặc các mô mắt, không chứa các mạch máu, làm giảm nguy cơ bị đào thải khi chúng được cấy ghép. Nhưng đây không giống như cấy ghép nội tạng, bởi cấy ghép nội tạng có nguy cơ đào thải cao hơn.

Những tiến bộ gần đây trong công nghệ sinh học - đặc biệt là công cụ chỉnh sửa bộ gen CRISPR / Cas9 cho phép các nhà khoa học điều chỉnh chính xác hoặc cắt giảm các gen nhất định từ lợn - đã dẫn đến những cuộc thử nghiệm chuyển gen dị chủng thành công trên khắp thế giới sử dụng các cơ quan từ lợn.

Nó cũng có thể cho phép các nhà khoa học biến đổi gen lợn loại bỏ một số gen để ngăn chặn hệ thống miễn dịch của con người đào thải các cơ quan ngay sau khi phẫu thuật cấy ghép.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã sản xuất nhiều con lợn biến đổi gen hơn bất kỳ nước nào khác. Viện nghiên cứu công nghệ sinh học BGI của Thâm Quyến sản xuất 500 con lợn nhân bản mỗi năm, theo một báo cáo của BBC. BGI là nhà máy nhân bản lợn công nghiệp đầu tiên trên thế giới.

Theo một nhà nghiên cứu làm việc trong một cơ sở nhân bản của Bộ Nông nghiệp, để phát triển các cơ quan để cấy ghép, các trang trại khác ở Trung Quốc không lớn bằng BGI, nhưng tổng số lợn mỗi năm của các trang trại này lên đến khoảng 1.000 con mỗi năm.

"Điều này chưa từng có tiền lệ ở bất kỳ quốc gia nào khác. Thế giới sẽ phụ thuộc vào nguồn nội tạng của Trung Quốc", một nhà nghiên cứu giấu tên cho biết.

Nhưng nhân bản - bao gồm việc chèn các nhân tế bào có chứa các gen biến đổi thành trứng và cấy chúng vào tử cung của lợn nái - là công việc khó đòi hỏi thời gian và kỹ thuật.

"Có thể mất một đến ba năm đào tạo chuyên sâu để có được một nhân viên phòng thí nghiệm có kỹ thuật nhân bản", nhà nghiên cứu cho biết.

Hơn nữa, nhân bản có tỷ lệ thất bại cao. Theo các nhà nghiên cứu, trong 100 phôi, chỉ có một đến ba phôi sẽ sản sinh ra một con heo khỏe mạnh.

Zhang Jun, một nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm State Key về Y học Sinh sản ở Nam Kinh, đồng ý và cho biết thêm rằng những khó khăn về nhân bản đã làm cho việc sản xuất các cơ quan lợn trở thành một quá trình chậm chạp và tốn kém.

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu khác ở Bắc Kinh nói rằng hầu hết các nhà khoa học tin rằng việc cấy ghép các cơ quan lợn sang người vẫn còn một chặng đường dài - và chắc chắn sẽ không xảy ra trong vòng vài năm tới.

Theo các nhà nghiên cứu, những người từ chối công bố danh tính, từ Học viện Khoa học Trung Quốc, các thí nghiệm đã được thực hiện chủ yếu trên các vật chủ biến đổi gen, chẳng hạn như khỉ, với hệ thống miễn dịch giả.

"Chúng tôi chắc chắn không thể làm điều này với con người - hệ thống miễn dịch của con người có thể dễ dàng phát hiện và tấn công các cơ quan ngay cả khi các cơ quan từ những người khác", cô nói. "Cấy ghép cơ quan của lợn sẽ mất một thời gian, có thể là vài năm hoặc thậm chí vài thập kỷ".

Zhao từ Đại học Y Nam Kinh thừa nhận rằng các cơ quan lợn biến đổi gen hiện đang có 50% phù hợp với nội tạng của con người. Ông nói rằng ngay cả khi một ca ghép tạng từ lợn cho con người có thể không bị đào thải ngay lập tức, vẫn có nguy cơ bị các phản ứng phụ như viêm nhiễm sau này.

Nhưng đối với những bệnh nhân đang chờ đợi người hiến tạng thì các cơ quan nội tạng lợn có thể là niềm hy vọng lớn nhất của họ, và sự tiến bộ trong công nghệ này phụ thuộc vào các thử nghiệm lâm sàng, Zhao nói.

"Ai đó phải đi đầu - cho dù đó là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ hay Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc", ông nói.

Nguyễn Huyền

Theo: South China Morning Post

Chủ đề khác