VnReview
Hà Nội

"Bút" đặc biệt có thể phát hiện ung thư chỉ trong vòng 10 giây

Chiếc bút thần kỳ này là một tiến bộ công nghệ vô cùng đáng mong đợi trong tương lai bởi khả năng ứng dụng cao trong việc phát hiện và chữa trị ung thư.

Các tiến bộ trong việc phát hiện và chữa trị ung thư vừa chứng kiến một bước tiến lớn đáng kinh ngạc trong nhiều thập kỷ qua. Các nhà nghiên cứu tại ĐH. Texas, Mỹ đã phát minh ra một công cụ mới hứa hẹn sẽ cách mạng hóa công tác phát hiện ung thư.

Đó là một thiết bị giống hệt một chiếc bút có khả năng phát hiện các mô ung thư chỉ trong vòng 10 giây.

Theo tạp chí Time, công cụ được các nhà sáng chế đặt tên là MasSpec Pen. Thiết bị đặc biệt này không cần quét bệnh nhân để phát hiện ung thư, chúng xác định các mô ung thư chỉ bằng cách chạm vào chúng.

Tế bào người tạo ra từ nhiều phân tử nhỏ và ung thư có thể tạo ra một tổ hợp phân tử như vậy. Bút MasSpec Pen sử dụng một giọt nước nhỏ có tác dụng trích xuất các phân tử nằm trong tế bào ung thư xuyên suốt quá trình phẫu thuật. Bằng cách sử dụng máy học, bút có thể xác định dấu vết của một tế bào ung thư ngay từ các phân tử của chúng.

Quá trích trích xuất các phân tử trong mô tế bào

Bút đưa thông tin máy tính để phân tích

Các bác sỹ phẫu thuật chỉ cần chạm đầu bút vào vị trí các mô để xác định liệu có nguy cơ ung thư tồn tại không.

Nếu được ứng dụng trong thực tế, MasSpec Pen sẽ trở thành một công cụ vô cùng hiệu quả cho các bác sỹ trong việc phát hiện và xác định chính xác vị trí mô ung thư. Nếu biết vị trí phát sinh ung thư, khả năng chữa trị tận gốc ung thư là điều hoàn toàn có thể thực hiện.

Hiện đã có nhiều công cụ hỗ trợ các bác sỹ phẫu thuật chuẩn đoán mô ung thư. Tuy nhiên, những công cụ này thường sử dụng khí hoặc chất dung môi có thể gây hại cho cơ thể người. Chiếc bút MasSpec Pen chỉ sử dụng các giọt nước để phân tích mẫu mô ung thư nên rất an toàn.

Trước đó vào năm 2016, các nhà nghiên cứu bang Massachusetts khẳng định, họ đã phát triển thành công một mẫu dò giúp tìm và chỉ điểm các tế bào ung thư, giúp các bác sỹ phẫu thuật phát hiện dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, phương pháp này tỏ ra khá chậm và bất tiện hơn so với chiếc bút MasSpec Pen có kích thước nhỏ gọn.

Livia Schiavinato Eberlin, trợ lý giáo sư hóa học tại ĐH. Texas, kiêm trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Nếu bạn nói chuyện với một bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật, một trong những điều đầu tiên mà nhiều người hay nói là ‘Liệu có hy vọng phẫu thuật sẽ chữa trị khỏi ung thư cho tôi không?'. Thật đau lòng khi đó không phải là trường hợp duy nhất. Tuy nhiên công nghệ của chúng tôi có thể cải thiện rất nhiều tính chính xác của những ca phẫu thuật loại bỏ khối u, dấu vết ung thư còn tồn tại".

Quy trình phát hiện đường phân tách giữa mô bình thường và ung thư hiện nay có thể mất khá lâu, đôi khi lên tới 30 phút hoặc hơn đối với mỗi mẫu thử nghiệm. Sự chậm trễ này làm tăng nguy cơ khó cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân.

Trên thực tế, MasSpec Pen không phải là công cụ phát hiện ung thư chính xác tuyệt đối nhưng trong giai đoạn thử nghiệm, công cụ này vẫn đem lại một kết quả rất ấn tượng.

Nghiên cứu đã thử nghiệm trên 253 mẫu mô sống từ phổi, buồng trứng, tuyến giáp và vú để xác định các mô ung thư, MasSpec Pen đem đến kết quả phát hiện chính xác lên tới 96%. Đáng chú ý, thời gian trả về kết quả nhanh ấn tượng giúp việc vạch ra lộ trình chữa trị và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Thử nghiệm thêm MasSpec Pen trên cơ thể chuột sống cho thấy, bút có thể xác định được vị trí các khối u mà không ảnh hưởng tới các mô xung quanh. Thậm chí, công cụ còn có thể phân loại các dạng ung thư khác nhau.

Các nhà khoa học tại ĐH. Texas at Austin đã nộp bằng sáng chế về công nghệ phát hiện ung thư mới tại Mỹ. Nhóm nghiên cứu đang kỳ vọng sẽ bảo vệ thành công bằng sáng chế trên quy mô toàn cầu, đồng thời sớm thử nghiệm trong phẫu thuật từ năm 2018.

Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí y khoa Science Translational Medicine mới đây.

Mai Huyền

Chủ đề khác