VnReview
Hà Nội

Tesla: nhà máy trữ điện bằng pin lớn nhất thế giới đã xây được nửa chặng đường

Trong buổi tiệc tối thứ sáu vừa qua của Tesla tại thành phố Jamestown ở miền Nam nước Úc, CEO Elon Musk tuyên bố dự án xây dựng nhà máy trữ điện bằng pin;lớn nhất thế giới của công ty tại đây đã đi được nửa đường.

< Tesla sắp xây dựng nhà máy trữ điện bằng pin lớn nhất thế giới

< Tesla hợp tác với Panasonic sản xuất pin năng lượng mặt trời

< Tesla chi 2,6 tỷ USD để thâu tóm SolarCity

Tesla và Nam Úc đang bắt đầu đếm ngược từng giờ cho đến ngày hoàn thành công trình này, theo các nguồn tin mới nhất từ ABC News. Sau khi hoàn thành, ngân hàng pin mặt trời lithium-ion ở cấp độ ứng dụng với công suất 100MW/129MWh tại Nam Úc của Tesla sẽ là hệ thống điện hòa lưới lớn nhất thế giới, Elon Musk cho biết.

Theo Wikipedia, hệ thống điện hòa lưới còn được gọi là gắn lưới hay hệ thống nối lưới là một hệ thống lưu trữ năng lượng dạng lưới hay hệ thống sản xuất điện bán tự động liên kết với hệ thống chính để đưa năng lượng dư thừa trở lại lưới điện quốc gia.

Hiện nay hệ thống điện hòa lưới lớn nhất thế giới là nhà máy 30MW/120MWh của AES Energy Storage ở miền nam California, Mỹ.

Mô hình nhà máy trữ điện bằng pin mặt trời lithium-ion công suất 100 megawatt của Tesla tại Jamestown (Ảnh: ABC News)

Theo Ars Technica, dự án mới của Tesla bắt nguồn từ một vụ cá cược trên Twitter giữa tỉ phú phần mềm Úc Mike Cannon-Brookes và CEO Elon Musk. Trước sự hoài nghi của Cannon-Brookes về tốc độ lắp đặt các pin nối lưới của Tesla, Musk cam kết chuyển giao hệ thống tới miền Nam Úc "trong 100 ngày, nếu không thì sẽ (cung cấp) miễn phí" (Nam Úc là bang thường bị mất điện do hệ thống yếu trong các mùa hè gần đây). Cam kết này không bao gồm thời gian đàm phán hợp đồng.

Sau vụ cá cược, Tesla đã tham gia đấu thầu cạnh tranh tại bang Nam Úc để giành quyền tiếp cận quỹ năng lượng tái chế trị giá 150 triệu USD Úc (tương đương 115 triệu USD Mỹ). Ngân sách này sẽ được dùng cho chi phí ắc quy. Tesla đã giành chiến thắng trong vòng đấu thầu cùng đối tác Neoen, công ty Pháp sở hữu trang trại năng lượng gió Hornsdale Wind Farm công suất 100MW tại khu vực trung bắc của Nam Úc, gần thành phố Jamestown. Nhà máy của Tesla cũng sẽ liên kết với trang trại Hornsdale.

Ảnh chụp nhà máy trữ điện bằng pin mặt trời Powerpack của Tesla liên kết với trang trại điện gió Hornsdale tại Nam Úc (Ảnh: Tesla)

Về kinh phí dự án, theo ước tính của Musk đăng tải trên Twitter đầu năm nay, hệ thống 129 Megawatt-giờ tương lai sẽ tiêu tốn 32,35 triệu USD chưa tính thuế và chi phí lao động. Nếu Tesla bỏ lỡ thời hạn 100 ngày, công ty có thể mất tới "50 triệu USD hoặc hơn".

Dự kiến khi hoàn thành, nhà máy sẽ có khả năng lưu trữ đến 129 megawatt-giờ, nghĩa là hơn 1 giờ khi chạy ở công suất đầy đủ để cấp điện cho 30 ngàn ngôi nhà. Pin mặt trời được sử dụng cũng do Tesla chế tạo tại nhà máy sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới Tesla/Panasonic Gigafactory ở Nevada (Mỹ).

Buổi tiệc thứ sáu vừa qua (29/9) cũng là lúc khởi động 100 ngày đếm ngược với thời hạn do chính phủ Úc quy định là ngày 1 tháng 12 năm nay, Tesla tuyên bố sau khi dự án được nhà điều hành thị trường năng lượng Úc (AEMO) thông qua.

Trên thực tế, Tesla đã khôn khéo khi đưa ra lời hứa 100 ngày vì công ty này đã có kinh nghiệm lắp đặt và điều hành trang trại Hornsdale.

Cũng theo ABC News, có mặt trong buổi tiệc tối thứ sáu của Tesla, thống đốc bang Nam Úc Jay Weatherill tự tin "Đã có nhiều người chế giễu Nam Úc và cười cợt các nhà lãnh đạo của chúng ta về lĩnh vực năng lượng tái chế. Hôm nay, chúng ta đang cười vào má bên kia của họ".

Ngay cả Musk cũng hài hước "Để (dự án) này hoàn thành trong hai tháng… bạn không thể cải tạo lại nhà bếp của bạn trong khoảng thời gian đó".

Thời gian 2 tháng xây dựng nhà máy còn ngắn hơn cả thời gian sửa chữa nhà bếp của bạn, CEO Tesla Elon Musk hài hước trên sân khấu buổi tiệc tối thứ sáu tuần trước tại Jamestown, Nam Úc (Ảnh: ABC News)

Để nâng cao vị thế của mình trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, Tesla cũng đang tham gia đấu thầu vòng đầu cho nhiều dự án tại Úc và đã mua lại nhà sản xuất pin mặt trời SolarCity hồi cuối năm ngoái (tháng 11/2016) với giá 2,6 tỉ USD.

"Úc sẽ được cấp điện từ 1.890 km2 tấm pin mặt trời, (nghĩa là) 1/10 Sydney được sử dụng 7 km2 pin".

"Đây không chỉ là lời nói mà là thực tế. Tương lai sẽ là như thế và chúng ta nên tới đó càng sớm càng tốt", Musk tuyên bố.

Steve Trần

Chủ đề khác