VnReview
Hà Nội

Bên trong trang trại lợn "siêu cơ bắp" ở Campuchia

Những hình ảnh gây sốc về trang trại lợn "siêu cơ bắp" ở Campuchia vừa xuất hiện và ngay lập tức gây được sự chú ý của cộng đồng trên mạng.

Theo báo Anh The Sun, hình ảnh về những chú lợn có cơ bắp gấp đôi bình thường, phần mông rất to và kích cỡ quá khổ xuất hiện từ một trang trại nuôi lợn của công ty Duroc ở tỉnh Banteay Meanchey của Campuchia. Công ty sở hữu trại Duroc còn rao bán cả bộ gieo tinh nhân tạo và tinh trùng giống lợn này cho những người khác qua Facebook.

Các bộ gieo tinh nhân tạo và tinh trùng được công ty Duroc chào bán qua Facebook.

Cùng với loạt hình ảnh, công ty Duroc còn chia sẻ cả video cho thấy những lợn siêu cơ bắp đi lại nặng nề và háo ăn. Theo thông tin công ty Duroc công bố trên Facebook thì đây là giống lợn nuôi lấy thịt.

Từ năm 2015, các nhà khoa học đại học quốc gia Seoul ở Hàn Quốc công bố đã tạo ra một giống lợn biến đổi gen có cơ bắp to gấp đôi bình thường. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tạo ra giống lợn có nhiều nạc hơn và qua đó giúp cải thiện lợi nhuận cho người chăn nuôi. Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Gien và Chăn nuôi (Journal of Animal Feeding and Genetics). Theo các nhà nghiên cứu thì họ đã thay đổi gen myostain, là gen điều hoà khả năng sản xuất cơ bắp. Không có gen hoạt động để điều hoà thì động vật có thể tăng trưởng cơ bắp cuồn cuộn như người khổng lồ Hulk. Có thể lợn trong trang trại Duroc ở Campuchia là giống lợn được biến đổi gen giống như nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc.

Vậy chúng ta có đang ăn loại lợn khổng lồ này không? Theo quy định của Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, hiện chỉ có cá hồi biến đổi gen là loại cá an toàn để ăn. Ngoài ra chưa có loài động vật biến đổi gen nào khác được FDA cấp phép tiêu thụ. Việc bán thịt lợn hay các sản phẩm từ lợn biến đổi gen là bất hợp pháp ở Mỹ.

Trên thực tế, trước đó một trại chăn nuôi nổi tiếng ở Bỉ là Belgian Blue Cattle cũng đã từng biến đổi gen myostatin và mất nhiều thập kỷ nhân giống chéo để cho ra loài mới. Một số giống lợn tên tuổi khác cũng được các nhà nghiên cứu thay đổi gen để sản xuất thịt với chất lượng tốt hơn.

Đầu tiên là giống lợn "EnviroPig" đã được đăng ký nhãn hiệu là giống biến đổi gen từ lợn Yorkshire phổ biến ở Mỹ. EnviroPig có hàm lượng phospho trong phân thấp hơn các loại lợn khác, là giống đầu tiên giúp giảm nhẹ tác động của việc nuôi lợn với môi trường.

Năm 2002, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng đã tạo ra một loại lợn có gen spinach ít chất béo hơn lợn thường.

Một vụ khó quên nữa là thất bại của các nhà khoa học ở Beltsville, bang Maryland (Mỹ) vào những năm 1980 khi bổ sung gen hormone tăng trưởng của người vào phôi lợn. Hiện tượng các chú lợn được nhân giống với gen từ loài khác được gọi là chuyển gen khác loài (transgenic), khác với trường hợp các chú lợn khổng lồ ở trên là chuyển gen cùng loài (cisgenic) do biến đổi gen của chính loài đó.

Trong 19 chú lợn Beltsville được sinh ra chỉ có hai con sống được, 4 con chết khi còn nhỏ, 11 con chết khi chưa tới một năm tuổi và chỉ 2 con lớn nhanh hơn bình thường. Các chú lợn xấu số bị bệnh về da, mắt, què chân, viêm khớp và chết vì các chứng căng thẳng, loét dạ dày, viêm phổi, viêm màng ngoài tim.

Theo các nhà khoa học, trước khi lợn bíến đổi gen myostatin được tung ra thị trường, cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để chứng minh là chúng không gây tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, môi trường và lợi ích động vật hơn các giống lợn bình thường khác.

Steve Trần

Chủ đề khác