VnReview
Hà Nội

Ăn nhiều đường kích thích tế bào ung thư phát triển

Đó là kết quả, đồng thời là phát hiện quan trọng sau hơn 9 năm nghiên cứu của nhóm các nhà sinh vật học phân tử tại Bỉ. Sự thật là đường có mối liên hệ mật thiết tới việc kích thích phát triển các khối u.

Theo Independent, dự án tìm hiểu mối quan hệ giữa đường và ung thư đã được nhóm nghiên cứu thuộc Viện khoa học VIB, ĐH. KU Leuven và ĐH. VUB (Bỉ) khởi động từ năm 2008. Trọng tâm chính nhằm nghiên cứu cách khối u chuyển đổi khối lượng lớn đường thành lactate so với các mô tế bào khỏe mạnh.

Việc phát hiện ra mối liên hệ giữa đường và ung thư sẽ giải quyết nhiều vấn đề đau đầu tồn tại hàng thập kỷ nay, đồng thời thúc đẩy các giải pháp chống ung thư mới.

Hầu hết các tế bào lành tính trong cơ thể đều nhận năng lượng bằng cách hô hấp hiếu khí, một quá trình liên quan đến việc phân hủy các thực phẩm đã bị tiêu hóa thành các phân tử giàu năng lượng. Quá trình này đòi hỏi một loạt phản ứng hóa học sử dụng khí oxy, sau đó giải phóng khí carbon dioxide như một phụ phẩm.

Nhưng với tế bào ung thư, mọi chuyện hoàn toàn khác. Ngay cả khi lượng oxy dư thừa đủ để phá vỡ glucose, giải phóng năng lượng, các tế bào ung thư vẫn nhận năng lượng từ quá trình lên men đường. Mặc dù, quá trình này giải phóng ít năng lượng hơn so với các phản ứng hóa học thông thường. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Warburg.

Mỗi tế bào trong cơ thể đều cần đường để tồn tại. Nhưng các tế bào ung thư có khuynh hướng tiêu thụ nhiều hơn lượng đường cần thiết so với tế bào khỏe mạnh. Chúng sử dụng quy trình lên men glucose thành lactate thay vì hô hấp để tạo ra đường và năng lượng.

Đường đã đánh thức "quái vật" ung thư trỗi dậy?

Qua rất nhiều thí nghiệm và quan sát tế bào nấm men, các nhà nghiên cứu nhận thấy quá trình lên men của đường giống như cách tế bào ung thư tăng sinh và hình thành khối u.

Protein Ras (một loại protein phổ biến trong tế bào ung thư) có thể tăng trưởng dựa theo lượng đường ăn vào. Nói ngắn gọn hơn, đường chính là nguyên nhân "đánh thức" các tế bào ung thư, khiến chúng tăng trưởng nhanh chóng đến mức không thể kiểm soát.

Một trong những vai trò của protein Ras là kiểm soát sự phát triển của tế bào. Nếu gen kiểm soát chúng biến đổi, protein Ras có thể hoạt động vĩnh viễn, gây nên tình trạng tăng sinh tế bào quá lớn, không thể kiểm soát và cuối cùng dẫn tới ung thư.

Trưởng nhóm nghiên cứu Johan Thevelein, kiêm giáo sư tại ĐH. KU Leuven, Bỉ khẳng định: "Việc tiêu thụ đường một cách thái quá của các tế bào ung thư dẫn đến một chu kỳ luẩn quẩn, kích thích sự phát triển và tăng sinh của ung thư".

Nhóm nghiên cứu tin tưởng phát hiện mới này sẽ cung cấp một góc nhìn cụ thể về những "hậu quả nghiêm trọng" của đường và bệnh ung thư, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các nghiên cứu về sau. Bên cạnh đó, phát hiện sẽ góp phần xây dựng các chế độ ăn kiêng mới, phù hợp hơn cho bệnh nhân ung thư.

Tuy nhiên, nhóm khẳng định vẫn cần nghiên cứu sâu hơn để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề, trong đó có nguyên nhân tạo ra tế bào ung thư dưới tác động của đường.

Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Communications mới đây.

Mai Huyền

Chủ đề khác