VnReview
Hà Nội

Uống bia sẽ giúp bạn nói ngoại ngữ tốt hơn!

Nếu bạn thấy rằng mỗi khi uống một chút bia, bạn cảm thấy học ngoại ngữ tốt hơn thì bạn không phải là trường hợp duy nhất. Theo một nghiên cứu gần đây, quả đúng là bạn sẽ phát âm ngoại ngữ tốt hơn chỉ sau một hoặc hai cốc bia.

> Tại sao uống nhiều bia khiến bạn béo lên?

> Vì sao bia và sữa "kỵ" nhau?

> Cách giải rượu duy nhất là … uống ít thôi

Bạn đọc lưu ý, đây chỉ là một quan điểm sau khi nghiên cứu trên người phương Tây và liều lượng bia sử dụng được tính toán theo trọng lượng người tham gia, bạn đọc không nên bắt chước thử nghiệm theo nếu chưa tìm hiểu kỹ và chưa bao giờ uống bia.

Quan điểm trên là kết luận của một nhóm nghiên cứu quốc tế sau khi khảo sát 50 sinh viên người Đức vừa bắt đầu học đọc hiểu, viết và nói tiếng Hà Lan tại đại học Maastricht.

Trong thí nghiệm, một số người được cho dùng một loại đồ uống có cồn, số còn lại dùng thức uống không cồn. Sau đó, tất cả được yêu cầu nói tiếng Hà Lan trong vài phút. Các đoạn hội thoại của những người tham gia đều được thu âm và được hai người bản xứ Hà Lan phân tích, đánh giá (họ không được cho biết người nào uống món nào). Kết quả là những người uống bia có phát âm tốt hơn đáng kể so với những người không có hơi men.

Như vậy, "tiêu thụ một lượng cồn sẽ có ích cho việc phát âm ngoại ngữ mới ở những người vừa mới học ngoại ngữ đó", "một lượng cồn thấp có thể giúp họ cải thiện kỹ năng học ngoại ngữ thứ hai", trang tin Konbini dẫn lời tiến sĩ Inge Kersbergen đến từ đại học Liverpool.

Chúng ta cần lưu ý một điều quan trọng là liều lượng bia mà những người tham gia được uống là khá thấp và được tính toán theo trọng lượng mỗi người. Theo Independent, một người nam nặng 70kg được cho uống một cốc 460 ml bia 5% cồn (bia 5% cồn là tương đương với các loại bia phổ biến tại Việt Nam như Tiger, Heineken, bia Sài Gòn chai 330ml có nồng độ cồn từ 4-6%).

Trên đây là công trình của nhóm nghiên cứu quốc tế đến từ 3 trường: đại học Liverpool, King's College London (Anh quốc) và Maastricht (Hà Lan). Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế của hiệp hội dược học tâm lý Anh Journal of Psychopharmacology.

Dược học tâm lý là ngành khoa học về việc sử dụng thuốc trong điều trị các rối loạn tinh thần, xem xét tác dụng của thuốc đến tâm trạng, cảm giác, suy nghĩ và hành vi của chúng ta. Thuật ngữ "psychopharmarcology" được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1920 bởi David Macht, một nhà dược học có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành này vào đầu thế kỷ 20.

Steve Trần (tổng hợp)

Chủ đề khác