VnReview
Hà Nội

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia gây ô nhiễm biển nhất thế giới

Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới việc giữ vệ sinh môi trường biển.

>> 90% các loài chim biển ăn phải rác thải nhựa

Một nhóm các nhà nghiên cứu người Mỹ và Úc được dẫn đầu bởi Jenna Jambeck, một kỹ sư môi trường làm việc tại Đại học Georgia (Mỹ), đã phân tích mức độ xả rác thải nhựa ra biển của các quốc gia trên thế giới. Theo đó, họ đã nhận thấy Trung Quốc và Indonesia là những nước đứng đầu về số lượng túi nilon, chai lọ, bao bì thực phẩm và các loại rác thải nhựa khác xả ra biển. Theo thống kê của báo Wall Street Journal, 1/3 số lượng rác thải nhựa xả ra môi trường biển của thế giới là tới từ hai nước này.

Theo thống kê được thực hiện từ năm 2010, số lượng rác thải nhựa xả trái phép ra biển hàng năm của Trung Quốc là 8,8 triệu tấn và Indonesia là 3,2 triệu tấn. Mỹ cũng nằm trong danh sách những nước xả rác thải nhựa trái phép ra biển nhưng ở một mức độ thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Hàng năm, chỉ có 0,3 tấn rác thải trong biển là có nguồn gốc từ Mỹ.

Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách những nước xả rác thải nhựa trái phép ra biển với 1,8 triệu tấn mỗi năm. Đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới việc giữ vệ sinh môi trường biển. Việc xả rác bừa bãi ra biển sẽ gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại trong tương lai dài như ảnh hưởng hệ sinh thái và gây nguy hại cho nguồn lợi hải sản cũng như sức khỏe người dân.

Tại Việt Nam, nhiều người vẫn có thói quen coi biển là thùng rác nên thứ gì cũng vứt ra biển. Không ít người dân vứt rác thải rắn dùng trong sinh hoạt (đặc biệt là túi nilon) bừa bãi không đúng nơi quy định và gây ô nhiễm biển. Trong khi đó, rác thải và nước thải từ chợ, khu thương mại, khách sạn và dịch vụ cũng thường được đổ trực tiếp ra biển.

Tại một số điểm du lịch như vịnh Nha Trang, ước tính mỗi ngày có tới 10 tấn rác thải được xả trực tiếp ra biển gây ảnh hưởng cho ngành du lịch địa phương và sức khỏe người dân. Thậm chí tại những nơi như bãi biển Mỹ Tân (Ninh Thuận), tình trạng rác ngập bờ biển do bị sóng đánh dạt vào đã không còn quá xa lạ.

Rác thải nhựa ngập bãi biển Mỹ Tân (Ninh Thuận).

Ngoài ra, bên cạnh những cơ sở kinh doanh, nhà máy tự giác thu gom rác thải công nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất, một số nơi vẫn còn tình trạng lén lút xả thải trực tiếp ra biển. Đây là những chất thải nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển trong một thời gian rất dài.

Trong bối cảnh môi trường biển ngày càng ô nhiễm, việc nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Bên cạnh đó, những công việc như tiến hành thu gom rác thải, làm sạch môi trường biển và xử phạt những cá nhân,cơ sở sản xuất gây ô nhiễm biển cũng cần được tiến hành.

Nguyễn Long

Chủ đề khác