VnReview
Hà Nội

Xin đừng gọi sự kiện ngày hôm nay là “Siêu trăng”, “Trăng máu” hay “Trăng xanh”

"Nguyệt thực toàn phần" là tên gọi đúng và chính xác nhất các bạn nhé.

Vào ngày hôm nay (31/1 theo giờ Việt Nam), nhân loại sẽ được chứng kiến một sự kiện thiên văn vô cùng thú vị: "Siêu trăng" (khi mặt trăng ở gần Trái đất nhất), "Trăng máu" (khi màu của mặt trăng mà mắt người nhìn thấy được là màu đỏ) và "Trăng xanh" (khi trăng tròn lần thứ hai trong một tháng) sẽ diễn ra cùng một lúc. Đây là một sự kiện 150 năm mới diễn ra một lần và Việt Nam là một trong những quốc gia có thể theo dõi một cách trọn vẹn.

Nhưng Siêu trăng? Trăng xanh? Trăng máu? Có lẽ đã đến lúc chúng ta ngưng việc sử dụng những thuật ngữ này, vì cái tên đầu tiên được tạo ra bởi một nhà chiêm tinh học, cái tên thứ hai thì mang tính chủ quan cao, còn cái tên cuối cùng thì chỉ mới được phổ biến trong thời gian gần đây vì nó-có-thể-là-điềm-báo.

Trăng máu?

Trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu một số khái niệm thiên văn học cơ bản. Nguyệt thực toàn phần là sự kiện xảy ra khi mặt trăng đi qua vùng chóp bóng tối của Trái đất. Tuy nhiên, vùng bóng tối này được chia thành hai phần: vùng tối (umbra) và vùng nửa tối (penumbra).

Theo trang tin công nghệ Wired, ông Noah Petro, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Không gian Goddard của NASA cho biết: "Lý do khiến vùng bóng tối mà Trái đất tạo ra có hai phần, vùng tối và vùng nửa tối, là vì mặt trời là một điểm sáng có kích thước rất lớn". Vùng nửa tối là khu vực được tạo ra khi một phần của tia mặt trời lọt ra khỏi tầm chắn của Trái đất.

Bạn có thể nhìn hình trên để hiểu rõ hiện tượng này hơn. Khi mặt trăng ở vùng nửa tối, nó sẽ không có màu đỏ cam và không phải là "Trăng máu". "Chỉ khi Mặt trăng hoàn toàn nằm trong vùng tối của Trái đất thì nó mới chuyển sang màu đỏ", ông Petro nói thêm.

Trên thực tế, lý do khiến mặt trăng có màu đỏ khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần diễn ra là vì… Trái đất. Khi các tia sáng mặt trời đi qua khí quyển, nó tương tác với các hạt như khói, bụi và khúc xạ một số màu nhất định. Các tia sáng có bước sóng ngắn (xanh) bị cản lại, chỉ còn các tia có bước sóng dài (đỏ, cam) đi xuyên qua.

Màu sắc của bầu trời mà chúng ta nhìn thấy mỗi ngày cũng tương tự như vậy. Buổi sáng, chúng ta thấy bầu trời có màu xanh vì khi tia sáng rọi trực tiếp lên Trái đất, ánh sáng xanh không bị chặn lại. Đến buổi chiều, khi ánh sáng mặt trời phải đi qua lớp khí quyển dày hơn, có nhiều ánh sáng xanh bị chặn lại hơn, trời hoàng hôn sẽ có màu đỏ cam đầy quyến rũ.

Do mặt trăng có màu đỏ nên chúng ta gọi nó là "Trăng máu". Tuy nhiên, ông Fred Espenak, một nhà nghiên cứu khác cũng thuộc Trung tâm Không gian Goddard lại không nghĩ vậy. "Tôi cho rằng thuật ngữ này mới chỉ phổ biến trong thời gian gần đây, khoảng một thập kỷ gì đó, khi những người theo tôn giáo liên tục truyền bá rằng đây là điềm báo sự diệt vong của nhân loại, là nguyệt thực cuối cùng mà con người còn được nhìn thấy". Thật vậy, bạn hãy nhìn thống kê Google Trends của từ khóa "blood moon" (trăng máu) dưới đây.

Ông Espenak nói thêm: "Thuật ngữ này đã tồn tại hàng thế kỷ, nhưng chỉ ở trong các văn bản ít người biết đến. Ngay cả Kinh thánh cũng có nói gì đó về trăng máu, tuy nhiên ý nghĩa chính xác của nó lại không được đề cập". Tất nhiên, đó có thể là nguyệt thực, nhưng cũng có thể là một sự kiện nào đó khác khiến mặt trăng chuyển đỏ như cháy rừng hay núi lửa phun trào.

Theo Bruce McClure và Deborah Byrd tại EarthSky, sự "nổi dậy" gần đây nhất và đáng chú ý nhất của thuật ngữ này có lẽ đến từ cuốn sách Four Blood Moons: Something Is About to Change của tác giả John Hagee. Trong lời giới thiệu của cuốn sách có viết: "Theo lời Kinh thánh, Chúa đang điều khiển mặt trời, mặt trăng và các vì sao để gửi cho thế hệ chúng ta một tín hiệu rằng một điều gì đó to lớn sắp xảy ra".

"Điều gì đó to lớn", như các bạn đã biết, chỉ là nguyệt thực toàn phần mà thôi. Việc sử dụng các thuật ngữ như "Trăng máu" chỉ khiến những điều đang diễn ra càng trở nên khó hiểu và tạo điều kiện cho sự mê tín dị đoan phát triển mạnh mẽ.

Siêu trăng?

Nhân tiện nói về sự mê tín dị đoan, cái tên tiếp theo của sự kiện thiên văn này - "Siêu trăng" – cũng có nhiều vấn đề. Theo ông Petro, "Siêu trăng không thuộc thiên văn học. Người đầu tiên định nghĩa siêu trăng là một nhà chiêm tinh học, nên thuật ngữ này sẽ khó có thể được chấp nhận". Cụ thể, một nhà chiêm tinh học có tên Richard Nollelle đã từng tuyên bố rằng siêu trăng có thể làm ảnh hưởng đến thời tiết. Và tất nhiên, đó không phải là sự thật.

Một "Siêu trăng" không thực sự "siêu" như bạn tưởng. Do quỹ đạo quay quanh Trái đất của mặt trăng không phải là một hình tròn, khoảng cách giữa nó với Trái đất thay đổi theo thời gian, khiến kích thước mà mắt người theo dõi được cũng thay đổi theo. Điểm viễn địa (apogee) là điểm mà mặt trăng cách xa Trái đất nhất, còn điểm cận địa (perigee) là điểm gần nhất.

Nếu bạn so sánh kích thước của mặt trăng khi nó ở điểm viễn địa và điểm cực địa, hay kích thước lớn nhất và nhỏ nhất khi nhìn bằng mắt người, sự chênh lệch về đường kính chỉ là khoảng 14%, và theo ông Espenak khẳng định, "Đây không phải là thứ mà bạn có thể nhận ra được bằng mắt người".

Trăng xanh?

Cái tên cuối cùng trong danh sách nhưng không kém phần long trọng: Trăng xanh. Trước khi bạn trở nên quá háo hức, có một tin buồn mà bạn cần phải biết: sự kiện này hoàn toàn không phải là mặt trăng chuyển sang màu xanh. Đây là thuật ngữ chỉ sự xuất hiện của lần trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng (người Mỹ có câu thành ngữ "Once in a blue moon" ý nói rất hiếm khi xảy ra) và nó phụ thuộc rất lớn vào nơi mà bạn đang sinh sống trên Trái đất.

Dân gian Việt Nam chúng ta có câu "15 trăng đáu, 16 trăng tròn", ý nói đến ngày 16 âm lịch thì mặt trăng mới có hình tròn hoàn hảo. Ngày hôm nay (31/1) tức ngày 15 âm lịch, sự kiện trăng tròn đã diễn ra lần thứ hai trong một tháng (ngày 16 âm lịch của tháng trước và ngày hôm nay), nên sự kiện trăng tròn ngày hôm nay sẽ được gọi là "Trăng xanh". Tuy nhiên, sự kiện này thực sự không mang ý nghĩa gì cả, do lịch là sản phẩm của con người chứ không phải của… mặt trăng.

Vậy gọi sự kiện hôm nay là gì?

Vậy chính xác thì chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày hôm nay? Tên gọi đúng và chính xác nhất là "nguyệt thực toàn phần", một sự kiện thiên văn thú vị con người có thể theo dõi mà không cần sự trợ giúp của bất kì thiết bị quan sát nào. Mặt trăng sẽ có màu đỏ cam, nhưng không phải là vì có đấng tối cao nào đó đang muốn gửi gắm một thông điệp cho nhân loại. Mặt trăng sẽ ở rất gần với Trái đất, nhưng chưa đủ gần để gọi là một "Siêu trăng". Và đây sẽ là lần trăng tròn thứ hai trong một tháng, một sự kiện do con người tạo ra và không thực sự mang ý nghĩa nào cả.

Tuy nhiên, nếu chúng khiến mọi người cảm thấy hào hứng, cùng nhau đi ra đường để chiêm ngưỡng, thì chúng ta có gọi nó là gì cũng không phải là một vấn đề quá quan trọng, phải không?

Văn Hoàn

Chủ đề khác