VnReview
Hà Nội

Thử nghiệm mới cho phép dự đoán nguy cơ mắc bệnh mất trí Alzheimer sớm tới 30 năm

Với một phương pháp thử nghiệm máu hoàn toàn mới, các nhà khoa học Nhật Bản tin tưởng có thể dự đoán sớm được nguy cơ mắc chứng bệnh mất trí nhớ Alzheimer sớm hơn tới 30 năm.

Việc phát hiện sớm bệnh Alzheimer trước khi các triệu chứng xuất hiện có ý nghĩa rất quan trọng vì nó sẽ giúp bệnh nhân có thể tiếp cận sớm với các phương pháp phòng và điều trị căn bệnh này.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu y học hiện nay, mảng Amyloid-beta (A-beta hoặc Aβ ) là một trong những chỉ số quan trọng để chuẩn đoán bệnh Alzheimer. Bởi lẽ, mảng amyloid được tìm thấy khá nhiều trong giải phẫu vi thể não bệnh nhân mắc bệnh mất trí nhớ.

Quan sát dưới kính hiển vi cho thấy, các mô não bị tổn thương thường xuất hiện các sợi thần kinh bị thoái hóa hoặc bị phá hủy, gây cản trở quá trình vận chuyển dinh dưỡng để nuôi sống các tế bào thần kinh. Thủ phạm chính gây ra tình trạng này do hai loại protein có tên Amyloid-beta và TAU. Chúng thường tích tụ, kết dính lại và ngăn chặn quá trình vận chuyển các chất cần thiết phục vụ quá trình truyền tín hiệu thần kinh.

Tuy nhiên, việc phát hiện ra sự có mặt của những mảng bám này rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể, nếu chỉ thực hiện các bài thử nghiệm máu.

Nhưng theo Koichi Tanaka, một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu tại tập đoàn sản xuất thiết bị y tế và thiết bị đo lường Shimadzu, Nhật Bản chia sẻ: "Từ một mẫu máu nhỏ, phương pháp của chúng tôi có thể đo được một lượng protein amyloid nhất định, mặc dù nồng độ của chúng cực thấp".

Theo công bố trên tạp chí khoa học Nature, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã lấy mẫu máu của 373 người Úc và Nhật. Các mẫu máu này sau đó được thử nghiệm bằng phương pháp khối phổ (Mass Spectrometry-Microsoft) nhằm tìm ra các peptide và axit amin có liên quan đến nồng độ Amyloid-beta. Thử nghiệm cho kết quả phát hiện mảng bám chính xác tới 90% trong mọi trường hợp.

Phát hiện được căn bệnh hiểm ác này càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu

Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân và cách thức tiến triển của bệnh Alzheimer. Nhưng dựa vào việc xác định mảng bám protein Amyloid-beta và TAU, giới khoa học vẫn có cơ sở để đưa ra chuẩn đoán sớm.

Nghiên cứu cho thấy, các protein trên thực sự bắt đầu đông kết lại trong máu suốt một khoảng thời gian dài, có thể lên tới 30 năm trước khi triệu chứng và dấu hiệu mất trí nhớ đầu tiên xuất hiện. Đó là lý do tại sao nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản ý nghĩa đến vậy trong việc dự đoán mắc bệnh từ sớm. Từ đó, mỗi bệnh nhân và gia đình có thể chuẩn bị trước tinh thần và tài chính để chữa trị sớm hơn.

Hiện tại, protein Amyloid-beta chủ yếu được phát hiện thông qua phương pháp quét não hoặc chiết xuất tủy sống. Nhưng nhìn chung các biện pháp này khá tốn kém và gây phiền toán cho bệnh nhân. Trong khi đó, xét nghiệm máu sẽ là một phương pháp chuẩn đoán bệnh sớm với chi phí phải chăng hơn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu ban đầu và sẽ cần rất nhiều thời gian trước khi có kết luận chính thức và ứng dụng vào thực tế.

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản cũng xác nhận, xét nghiệm trên chỉ nhằm chuẩn đoán sớm bệnh Alzheimer và không phải là phương pháp điều trị căn bệnh này. Dù sao đi chăng nữa, việc biết trước được tương lai có mắc căn bệnh oái ăm này hay không cũng là một việc rất tốt đối với nhiều người.

Bệnh Alzheimer là một căn bệnh liên quan tới việc, não bộ bị thoái hóa hoàn toàn, không thể phục hồi. Các tế bào thần kinh trong não bị thiếu hụt với số lượng lớn, đặc biệt thể tích vùng não chi phối trí nhớ và ký ức cũng bị suy giảm nghiêm trọng khiến bệnh nhân không thể nhớ ra chính bản thân hoặc mọi người xung quanh.

Ở nhiều quốc gia phát triển, bệnh Alzheimer là một trong những căn bệnh gây tốn kém nhất cho xã hội do chi phí điều trị đắt đỏ và lâu dài.

Tiến Thanh

Chủ đề khác