VnReview
Hà Nội

Donald Trump đề xuất lộ trình và ngân sách cho NASA quay lại mặt trăng

Đề xuất ngân sách mới cho NASA của chính phủ Trump được công bố rạng sáng thứ ba vừa qua (13/2) yêu cầu cơ quan không gian lớn nhất thế giới thay đổi trọng tâm từ quỹ đạo tầm thấp quanh trái đất sang đưa người trở lại mặt trăng.

< Donald Trump ký sắc lệnh đưa phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng và... lên Sao Hoả

< Thông điệp thật sự về các sứ mệnh mặt trăng mà NASA tiết lộ trong video Orion lên sao Hỏa

Theo TheVerge, mục tiêu trong kế hoạch ngân sách chi tiết của Nhà Trắng cho NASA trong năm tài khóa 2019 là chấm dứt tài trợ trực tiếp cho trạm không gian quốc tế vào năm 2025, thực hiện chiến dịch đưa người trở lại mặt trăng vào giữa thập niên 2020. Kế hoạch này là ngân sách cụ thể hóa sắc lệnh không gian đầu tiên mà tổng thống Donald Trump ký ngày 11/12 năm ngoái chỉ thị cho NASA tiếp tục sứ mệnh mặt trăng. Nếu thành công, sứ mệnh mặt trăng mới sẽ giúp Hoa Kỳ tái;khẳng định vị thế cường quốc số một về không gian, khai thác thêm các nguồn lực mặt trăng và tạo thêm việc làm cho người dân. 

Theo một tài liệu nội bộ mới của NASA được Washington Post tiết lộ vào một ngày trước đó (12/2), dù trợ cấp của chính phủ kết thúc nhưng cơ quan không gian Mỹ vẫn sẽ không từ bỏ chương trình ISS mà chuyển nó thành một doanh nghiệp bất động sản thương mại để nhượng lại cho các công ty không gian tư nhân và các quốc gia khác "vận hành một số yếu tố hoặc năng lực nhất định" của ISS. Ý tưởng này sẽ giúp NASA vẫn duy trì nền tảng thực hiện các thí nghiệm khoa học. "NASA sẽ mở rộng quan hệ đối tác thương mại và quốc tế trong 7 năm tới để đảm bảo việc con người tiếp tục tiếp cận và có mặt trong quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất", theo tài liệu nội bộ nói trên.

Theo đề xuất ngân sách mới, tài trợ trực tiếp của chính phủ cho NASA duy trì trạm không gian quốc tế ISS trong quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất sẽ chấm dứt vào năm 2025

Mục tiêu khoa học này cũng được phản ánh trong đề nghị ngân sách mới, là một khoản bổ sung 150 triệu USD dành cho chương trình giúp đỡ các công ty thương mại mở rộng hoạt động trong quỹ đạo trái đất tầm thấp hơn ("nơi cư trú" hiện tại của ISS). Chi tiết về chương trình này và chiến lược ngân sách không được nêu rõ.

Động thái chấm dứt tài trợ trực tiếp cho ISS của chính phủ Trump đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ nội bộ ngành công nghiệp không gian, các nhà làm luật lẫn hai đảng lớn.

Thượng nghị sĩ Bill Nelson, nhân vật số hai của Đảng Cộng hòa trong ủy ban giám sát NASA của thượng viện, cho rằng, nếu đúng là chính phủ Trump đề nghị cắt bỏ trợ cấp ISS trong đề xuất mới thì rõ ràng chính phủ đang muốn châm ngòi cho một trận chiến và đề xuất ngân sách mới nhìn chung khó mà thành công. "Thật vô nghĩa khi tắt đèn và rời khỏi tiền đồn độc quyền trong không gian của chúng ta vào thời điểm mà chúng ta đang đẩy mạnh các mặt trận khám phá".

Còn Ted Cruz, đối thủ của tổng thống Trump trong cuộc đua giành vé đại diện Đảng Cộng hòa hồi năm 2016, hiện nay là chủ tịch ủy ban phụ về không gian của thượng viện, bày tỏ hy vọng rằng các báo cáo về việc chấm dứt trợ cấp cho ISS trước năm 2025 "khó mà tìm thấy cũng như Bigfoot", theo Space News. (Bigfoot là sinh vật người tuyết bí ẩn mà cả thế giới hiếu kỳ săn tìm, giống như quái vật hồ Lochness).

Trong hai thập kỷ qua, ISS đã là một công cụ hữu ích giúp NASA hợp tác với các công ty và quốc gia, đồng thời thử nghiệm các công nghệ mới về vi hấp dẫn. Theo kế hoạch, phòng thí nghiệm quỹ đạo sẽ tồn tại cho đến năm 2028, khi một số thành phần của nó kết thúc vòng đời hoạt động. Mục đích của việc chính phủ Trump muốn kết thúc tài trợ cho ISS sớm là để giải phóng ngân sách, tập trung nhiều hơn vào tham vọng đưa người quay lại mặt trăng.

Theo TheVerge, có lẽ việc lên mặt trăng vẫn chỉ là tham vọng vì kế hoạch ngân sách để NASA theo đuổi chiến dịch mặt trăng của chính phủ Trump lại không nêu ra bất kỳ thay đổi lớn nào trong các chương trình của NASA.

Ví dụ như tiến độ để NASA đầu tư vào các module hạ cánh (lander-một phần trong tàu vũ trụ giúp tàu hạ cánh lên bề mặt hành tinh), một công nghệ tối cần thiết để tiếp nối các sứ mệnh Apollo những năm 1960 và 1970. trong đề xuất có nêu ra mục tiêu cho NASA là bắt đầu nhận tài trợ cho các lander robot thương mại cỡ vừa và nhỏ trong vài năm tới. Tuy nhiên, cột mốc để NASA bắt đầu nhận trợ cấp phát triển một đội tàu hạ cánh lớn là năm 2023 và 2024.

Lunar-Rover, xe tự hành giúp tàu vũ trụ hạ cánh lên mặt trăng lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong sứ mệnh Apollo 15 năm 1971

Cũng theo đề xuất ngân sách mới cho NASA của chính phủ Trump, giữa thập niên 2020 sẽ là thời điểm NASA xây dựng một trạm ISS khác quanh mặt trăng (với tên gọi Lunar Orbital Platform). Mục đích của trạm không gian mặt trăng là nơi để các phi hành gia làm việc và học tập, cũng như du hành xuống bề mặt mặt trăng. NASA cũng được yêu cầu hợp tác với các công ty thương mại để thiết kế trạm không gian mới.

Một điểm đáng chú ý trong đề xuất mới là, trái ngược với những quyết tâm đầy tham vọng của tổng thống Donald Trump, ngân sách mà chính phủ Mỹ sẽ dành cho toàn bộ phần cứng cần thiết của sứ mệnh mặt trăng mới lại rất ít ỏi. Tất cả các module hạ cánh, trạm không gian… sẽ nằm trong một chương trình mới mang tên Advanced Exploration Systems với ngân sách 889 triệu USD năm 2019. Hiện nay, NASA vẫn chưa ước tính ngân sách cần thiết sho việc phát triển một module hạ cánh có người lái. Trong một cuộc họp mặt với báo chí, NASA cũng nêu rõ là trong gần 1 tỉ USD của chương trình mới, cơ quan này sẽ được nhận 504 triệu USD từ năm nay để phát triển trạm không gian mặt trăng và nhận 116 triệu USD để phát triển module mặt trăng từ năm 2019.

Đề xuất ngân sách mới của chính phủ Trump cho NASA chỉ là dự thảo. Tổng ngân sách không gian 2019 lên tới gần 20 ngàn tỷ USD (tương đương năm ngoái) chỉ được phê duyệt sau khi có sự đồng thuận của cả hai viện quốc hội.

Linh Trần

Chủ đề khác