VnReview
Hà Nội

Hoa Kỳ vắng mặt tại cuộc họp toàn cầu về sức khỏe đại dương

Một tin xấu cho hành tinh chúng ta khi Hoa Kỳ vắng mặt trong cuộc họp toàn cầu về các vấn đề liên quan đến "sức khỏe" đại dương.

Hoa Kỳ vắng mặt tại cuộc họp toàn cầu về sức khỏe đại dương

Theo Futurism, tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến "sức khỏe" đại dương đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới lần thứ 5 tại Mexico. Tuy nhiên, đại diện của Mỹ đã không có mặt tại sự kiện này.

Ngược lại, Chủ tịch của Iceland và Na Uy, cựu chủ tịch của Costa Rica và các quan chức từ Canada, Bồ Đào Nha, Uruguay, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Indonesia, Ecuador, Thụy Điển, Thái Lan và Chilê đã tham gia thảo luận trong 3 ngày diễn ra hội nghị.

Một lệnh cấm du lịch đến Mexico của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể đã ngăn cản các quan chức Chính phủ đi đến Playa del Carmen. Tuy nhiên, đây là một lí do không hợp lí khi các nhà nghiên cứu và đại diện các trường đại học ở Mỹ vẫn có mặt tại hội nghị.

Thay vào đó, sự vắng mặt có thể cho thấy thái độ hiện nay của chính quyền Hoa Kỳ là không ưu tiên cho các vấn đề về môi trường và khí hậu.

Hoa Kỳ nắm giữ trong tay nguồn lực tài chính và học thuật rộng lớn để hỗ trợ nghiên cứu khoa học về khí hậu và biến đổi môi trường. Dù sao đi nữa, những nghiên cứu (thường do chính phủ Hòa Kỳ hỗ trợ) đóng một vai trò quan trọng cho sự hiểu biết của khoa học về hành tinh của chúng ta. Nhưng Hoa Kỳ cũng là nước gây ô nhiễm nhiều nhất trong lịch sử.

Ông Steven Adler, Chủ tịch của Liên minh Dữ liệu đại dương cho biết: "Mỹ hiện là một đối tác không đáng tin cậy trong việc hỗ trợ nghiên cứu các vấn đề về đại dương".

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền ông Donald Trump đã kéo Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris, xóa bỏ các nội dung về sự thay đổi khí hậu khỏi các trang web của chính phủ và chuyển ngành năng lượng của nước này từ năng lượng tái tạo quay ngược trở lại với các nguồn nguyên liệu hóa thạch (là một trong những nguyên nhân lớn gây hiệu ứng nhà kính). Gần đây nhất, Trump đã cho phép khai thác dầu mỏ ở ngoài khơi vùng biển Hoa Kỳ và thậm chí xem xét thu hẹp hoặc di chuyển 11 khu bảo tồn biển cho mục đích này (khai thác dầu).

Nhiều người tin rằng Tổng thống đã đặt tương lai của hành tinh vào nguy cơ bằng cách bỏ qua hành động đối phó với thay đổi khí hậu. Việc bỏ qua vấn đề biến đổi của môi trường đại dương có thể mang đến những tác động lớn hơn nhiều so với những gì Tổng thống Hoa Kỳ nghĩ. Đại dương chính là nơi làm dịu mát hành tinh bằng cách lưu giữ nhiệt và khí cacbonic. Nếu không có khả năng lưu giữ này, bầu khí quyển sẽ ấm hơn 20 độ Celsius (32 độ Fahrenheit) - làm cho cuộc sống trên mặt đất trở nên khó khăn, thậm chí biến nhiều nơi trở thành vùng đất chết.

Việc đại dương ấm dần lên cũng có nghĩa là nhiều hơi nước và nhiệt lượng sẽ được chuyển vào bầu khí quyển, tạo ra các cơn bão mạnh và khó dự đoán hơn. Tất nhiên, Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất ảnh hưởng đến sức khỏe của đại dương. Theo Oceans Deeply, khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại sẽ được lấp đầy bởi các nước khác. Bộ trưởng Môi trường Canada nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới rằng Canada sẽ sử dụng vai trò là người đứng đầu Nhóm 7 (G7) vào năm 2018 để đưa vấn đề đại dương trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Hoa Kỳ đã đóng góp rất nhiều kiến thức cho sự hiểu biết của chúng ta về hành tinh này - và cũng góp phần không nhỏ vào việc làm cho Trái đất thêm ô nhiễm. Người ta hi vọng nước này sẽ không đứng ngoài các vấn đề của thời đại và không chối bỏ trách nhiệm của mình.

Bạch Đằng

Chủ đề khác