VnReview
Hà Nội

Những nhà phát minh nông dân và bài toán nhân rộng sáng kiến nhà nông (phần 3)

Dù các nông dân nước ta đã có rất nhiều sáng chế hữu ích và thiết thực từ nhưng số lượng sáng chế được thương mại hóa và phổ biến trên toàn quốc còn thấp. Các nhà quản lý cần thay đổi, cải thiện chính sách như thế nào để các sáng chế của nông dân Việt Nam sớm vượt ra khỏi lũy tre làng địa phương? Sau đây là phần cuối của loạt bài nhiều kỳ về các nhà phát minh nông dân tài năng do VnReview tổng hợp: một số đề xuất giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tạo của nông dân.

< Những nhà phát minh nông dân và bài toán nhân rộng sáng kiến nhà nông (phần 1)

< Câu chuyện của những nhà phát minh nông dân và bài toán nhân rộng sáng kiến nhà nông (phần 2)

Thay đổi nhận thức về hoạt động sáng tạo

Theo chúng tôi, để các sáng chế xuất phát từ nông dân ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn, việc đầu tiên cần làm là chính phủ và người dân phải có nhận thức đúng đắn về hoạt động sáng tạo của người dân bình thường so với hoạt động sáng tạo của giới khoa học chuyên nghiệp.

Trả lời một câu hỏi của Vnexpress về việc so sánh các nhà sáng chế không chuyên với các nhà khoa học chuyên nghiệp, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học-công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân cho rằng:

Những nhà khoa học "chân đất" là những người lao động sản xuất bình thường nhưng có đam mê, có ý tưởng sáng tạo, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, cho gia đình và làng xóm. Tuy nhiên những sản phẩm của họ chủ yếu là sáng kiến, một số ở mức độ cao hơn, có thể coi là sáng chế, thực tế có nhiều người được cấp bằng sáng chế cho những ý tưởng của họ. Tuy nhiên khả năng thương mại hóa để trở lại phục vụ xã hội còn hạn chế. Chúng ta trân trọng tất cả dù họ ở vị trí nào, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, những sản phẩm của họ có đặc thù, quy mô và trình độ khác nhau, dù ở mức độ nào đều có ích cho cuộc sống và cần trân trọng.

Mọi sản phẩm sáng tạo của những người lao động bình thường dù ở mức độ nào cũng đều có ích cho cuộc sống và xứng đáng được trân trọng, đó là điều mà các cơ quan chức năng cần thông suốt và tích cực tuyên truyền, vận động cho người dân để khơi gợi tinh thần sáng tạo trong dân chúng. Nhận thức này cũng giúp cho việc đánh giá, công nhận các sáng chế của người dân được công bằng, khách quan hơn.

Nông dân Quách Văn Hôm bên cạnh sáng chế máy xúc lúa đóng bao. Ông chỉ mới học hết lớp 6 nhưng đã nghiên cứu thành công ;máy sấy khô hai chiều và máy xúc lúa đóng bao, cả hai đều hoạt động hiệu quả và được cấp bằng sáng chế. (Ảnh: Dân trí)

Cải tiến chính sách pháp lý năng động hơn

Theo một thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2012 cả nước chỉ có 120 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích thuộc về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 79% thuộc sở hữu tư nhân. Một số liệu tổng kết dài hơn cho thấy, từ 1981-2016 cả nước đã có 737 bằng độc quyền sáng chế và 975 bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho người Việt Nam (con số này chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với người nước ngoài). Cục Sở hữu trí tuệ chưa thống kê chính thức trong số này có bao nhiêu văn bằng là của các nhà khoa học chưa tốt nghiệp đại học, chỉ cho biết là số lượng đó không nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy trong hội thảo về sáng chế nhà nông của Cục sở hữu trí tuệ, để khuyến khích nhà nông say mê sáng tạo, kích thích phong trào nghiên cứu trong nông dân, các cơ quan quản lý nhà nước cần công nhận và bảo vệ những sáng kiến đó, tạo điều kiện cho nông dân chuyển giao nhân rộng sáng kiến của mình.

Các loại máy mà nông dân Phạm Văn Hát chế tạo ở Israel đã được chính phủ Israel công nhận, đầu tư sản xuất hàng loạt trên toàn quốc ngay khi chứng minh được tính hiệu quả, trong khi ở Việt Nam thì anh Hát còn phải lo lắng những vấn đề bản quyền, bảo hộ, hàng nhái, tìm đối tác tin cậy. Chính sách thiếu linh hoạt, nhanh nhạy đã góp phần làm cho các nhà sáng chế nông dân nản lòng, khả năng sản xuất dừng ở mức nhỏ lẻ, địa phương và không tận dụng được kinh nghiệm của nhau để có những sáng chế tầm cỡ hơn trên quy mô rộng hơn.

Điều đầu tiên cần làm về mặt luật pháp để gia tăng số lượng sáng chế đến từ các nhà khoa học nông dân là cải tiến các quy định cấp bằng sáng chế nhanh chóng, dễ dàng hơn. Việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân làm thủ tục xin cấp bằng sáng chế đúng quy định cũng cần được đẩy mạnh để người dân tiết kiệm thời gian, công sức và bảo hộ kịp thời các sáng chế của mình, giảm bớt tình trạng bị các nơi khác sao chép, làm hàng nhái trong thời gian chờ đợi nhận văn bằng bảo hộ.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty luật SB law, cần sửa đổi quy định của luật sở hữu trí tuệ theo hướng giảm thời gian thẩm định nội dung còn 12 tháng (hiện nay là 18 tháng). Hiện tại, người nộp đơn cấp bằng sáng chế có thể tận dụng những ưu đãi của luật sở hữu trí tuệ theo cách này: Sau khi đơn đăng ký sáng chế đã được chấp nhận hợp lệ, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục sở hữu trí tuệ công bố sớm đơn sáng chế trong tháng thứ 2 kể từ ngày yêu cầu (không cần chờ đợi tới tháng thứ 19 đúng như quy định). Những hiểu biết này rất cần được tuyên truyền, chia sẻ rộng rãi cho mọi nhà sáng chế nông dân nói riêng lẫn người dân nói chung để họ an tâm hơn về vấn đề bảo hộ bản quyền, tập trung tốt hơn vào chuyên môn nghiên cứu sáng tạo.

Một lời khuyên khác từ bà Hoàng Tố Như, Phó trưởng Phòng Sở hữu Trí tuệ (Sở KHCN TP.HCM) là: thực tế ở các doanh nghiệp cho thấy, từ kết quả nghiên cứu phát triển công nghệ trở thành sản phẩm tung ra thị trường là một quá trình rất gian nan, có những sản phẩm mất đến 10 năm. Để rút ngắn quãng thời gian đưa sáng chế ra thị trường, không nhất thiết phải chờ có bằng sáng chế mới thương mại hóa. Các nhà sáng chế cá nhân, doanh nghiệp có thể thương mại hóa, chào mời nhà đầu tư cùng tham gia hoàn thiện từ khi có ý tưởng (nếu có ý tưởng hay) hoặc ngay sau khi nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, thương mại hóa ở thời điểm này sẽ có nhiều rủi ro nên thời điểm thương mại hóa tốt nhất là ngay sau khi nhận được văn bằng bảo hộ.

Bằng sáng chế độc quyền và giải pháp hữu ich của Cục sở hữu trí tuệ cấp cho hai chiếc máy của nông dân Quách Văn Hôm nêu trên (Ảnh: Dân trí)

Tiếp theo, để thương mại hóa các sáng chế của nhà nông trên quy mô lớn, cần thay đổi các quy định về ngân sách nhà nước để đưa nghị định 13/2012 của Chính phủ chính thức đi vào thực tiễn, giúp các sáng kiến mới được đánh giá, công nhận khách quan hơn. Nghị định 13 sẽ là cơ sở để nông dân có một kênh hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho đam mê sáng chế của mình.

Kết nối cung cầu, xây dựng mạng lưới sáng kiến

Giải pháp lớn thứ hai là cần có thêm nhiều sự kiện kết nối các bên liên quan để tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của nhau, điều chỉnh các hoạt động sáng tạo có mục tiêu, định hướng hợp lý và gia tăng khả năng triển khai trên phạm vi rộng hơn.

Theo nguyên bộ trưởng Nguyễn Quân, rất nhiều nhà khoa học không chuyên đã tham vấn những người có trình độ cao ở địa bàn mình hoặc ở cơ quan quản lý ở địa phương để xem ý tưởng của mình hợp lý chưa, cần hoàn thiện thế nào. Bộ KHCN cũng đã tổ chức nhiều sự kiện như chợ công nghệ thiết bị, kết nối cung cầu có sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm tạo điều kiện cho người nông dân quảng bá sản phẩm với cộng đồng, nhận góp ý hoàn thiện sản phẩm từ các nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nghiệp. Nhiều người sau khi được tư vấn đã hoàn thiện sản phẩm và thành lập các doanh nghiệp có nguồn thu nhập lớn từ sản phẩm của họ.

Hiện nay đã có các sàn giao dịch công nghệ ở Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM. Đó là nơi tất cả những người có ý tưởng có thể đem công nghệ của mình đến để giới thiệu, chào hàng, tìm kiếm nhà đầu tư và nhà tư vấn để hoàn thiện sản phẩm. Bộ dự kiến sẽ mở thêm mô hình sàn giao dịch công nghệ trong cả nước từ trung ương đến địa phương.

 (Ảnh: Việt báo)

Theo bà Hoàng Tố Như, để việc kết nối có hiệu quả cao hơn, chúng ta cần mở rộng phạm vi hoạt động của các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian trên thị trường KHCN nhằm khai thác nhiều hơn giá trị thương mại của sáng chế. Song song đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư-nhà sáng chế-doanh nghiệp để phát huy tối đa lợi thế của các nhân tố tạo ra giá trị thương mại của sáng chế.

Ngoài ra, theo chúng tôi, học tập kinh nghiệm Ấn Độ, chúng ta cũng có thể tuyên truyền, hướng dẫn nông dân biết và tham gia các mạng lưới sáng kiến quốc tế như Mạng lưới Ong Mật đã được đề cập trong phần hai của loạt bài này. Các mạng lưới sáng kiến quốc tế với những hoạt động hỗ trợ liên quan là cơ hội để người dân tự lan tỏa sáng kiến của mình ra thế giới và gia tăng khả năng thương mại hóa sáng chế. Các mạng lưới cũng sẽ giúp người nông dân nâng cao trình độ, học hỏi kinh nghiệm sáng tạo hay của thế giới và ứng dụng vào Việt Nam. Tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn cũng giúp tránh được việc mất thời gian, công sức đầu tư cho những phát minh đã có sẵn.

Đồng thời với việc tuyên truyền tham gia mạng lưới sáng kiến quốc tế, các nhà quản lý nên nghiên cứu xây dựng các mạng lưới sáng kiến và những hoạt động kết nối liên quan tại địa phương, cũng với mục đích chung là chia sẻ và đóng góp để tạo nên thay đổi vì một nông thôn Việt Nam giàu có hơn.

Thực trạng các sàn giao dịch công nghệ hiện nay

Tại Việt Nam, có thể kể ra một số sàn giao dịch công nghệ tiêu biểu: Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng (hatex.vn), Chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam (techmartvietnam.vn), Chợ công nghệ và thiết bị thành phố Hồ Chí Minh (techmart.cesti.gov.vn)… Theo một thống kê từ năm 2011 đến năm 2013, lượng giao dịch công nghệ của bốn Sàn giao dịch và các chợ công nghệ (techmart) ảo của Cục thông tin KH&CN Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An là 4.568 giao dịch với tổng giá trị 5.683 tỷ đồng.

Một số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 cho thấy, 80% đối tượng tham gia các sàn giao dịch là doanh nghiệp, 11% là các nhà sáng chế, sáng tạo quần chúng, 9% còn lại là viện nghiên cứu, trường đại học. Điều đó có nghĩa là, các nhà sáng chế nông dân, đối tượng chính của loạt bài này vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các sàn giao dịch đang có, một vấn đề nữa mà các nhà quản lý cần giải quyết trong bài toán nhân rộng sáng kiến quần chúng.

Theo thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng tại Hội thảo khoa học về Phát triển thị trường KH&CN ngày 18/1/2018, hiện nay hệ thống các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ nước ta có 4 khu công nghệ cao (CNC), 13 khu nông nghiệp ứng dụng, 9 cơ sở ươm tạo CNC và ươm tạo doanh nghiệp CNC, 15 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố.

Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Techport.vn, kênh trực tuyến của Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM

Sàn giao dịch công nghệ là một thành phần quan trọng trong hệ thống trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ.

Hệ thống tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ nước ta trong 5 năm qua đã có sự phát triển nhất định, tuy nhiên sàn giao dịch công nghệ chưa thể hiện được vai trò cốt lõi. Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, chúng ta chưa có các sàn giao dịch công nghệ quốc gia đúng nghĩa, các hoạt động của sàn đang có chưa hiệu quả như kỳ vọng,

Để phát triển các sàn giao dịch công nghệ cần nhiều yếu tố: xây dựng bổ sung chính sách đặc thù, đi trước, vượt trước, tạo lập mạng lưới dịch vụ rộng khắp ở địa phương, đổi mới mô hình hoạt động theo kịp thế giới, đổi mới trong đánh giá, lựa chọn kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, công nghệ có khả năng thương mại. Đó là ý kiến của TS Bùi Văn Quyền, Cục Công tác phía Nam tại hội thảo.

Linh Trần (tổng hợp)

Chủ đề khác