VnReview
Hà Nội

Nam Cực ghi nhận tình trạng tuyết rơi kỷ lục do... Trái Đất nóng lên

Trái đất đã nóng dần lên trong ít nhất hai thế kỷ qua, và Nam Cực đang trở thành một "quả cầu tuyết" thực sự.

Theo Quartz, lượng tuyết rơi tại Nam Cực đã và đang ngày càng tăng dần theo thời gian. Các phát hiện được trình bày tại Hội nghị Liên minh Khoa học Trái Đất Châu Âu tổ chức tại Viên, Áo hôm 9/4 tiết lộ, lượng tuyết rơi hằng năm đã tăng khoảng 10% kể từ đầu những năm 1800.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, lượng tuyết rơi tại Nam Cực trong khoảng thời gian 2001-2010 nhiều hơn 272 tỷ tấn so với những năm 1800-1810. Lượng tuyết này thậm chí còn đủ lấp đầy hai Biển chết.

Mặc dù thoạt nghe, tuyết rơi nhiều tại Nam Cực là một tín hiệu tốt đối với "sức khỏe" của Trái Đất trong bối cảnh, biến đổi khí hậu và nguy cơ mực nước biển dâng do băng tan đang ngày càng hiển hiện trước mắt.

Nhưng trên thực tế thì không. Nhiệt độ ấm hơn đồng nghĩa với không khí ẩm hơn, tạo điều kiện cho tuyết rơi nhiều hơn tại Nam Cực. Bởi vậy, tuyết rơi nhiều lại là biểu hiện rõ nhất của những xáo trộn khí hậu và hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan.

Những phát hiện trên có thể giúp trả lời nhiều câu hỏi xoay quanh tác động của tuyết với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Liệu rằng, tuyết rơi nhiều hơn ở Nam Cực có thể làm chậm lại tình trạng mực nước biển dâng cao bằng cách tạo ra nhiều băng hơn không? Câu trả lời có lẽ là không.

Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature vào năm 2012 cho thấy, tuyết có liên quan đến sự gia tăng tốc độ băng tan và trôi dạt.

Khám phá này từng được công bố nhờ một nghiên cứu trên 79 lõi băng khoan tại Nam Cực. Những lõi băng hình trụ này cho phép kiểm tra các lớp tuyết và băng phát triển theo thời gian, đồng thời kiểm chứng các mùa từng diễn ra tại Nam Cực.

Lõi băng không chỉ tiết lộ lượng tuyết rơi trong lịch sử mà còn hé lộ lượng mưa và những mùa có tuyết. Tất cả đều nhờ hợp chất có tên hydrogen peroxide tồn tại trong lõi băng. Chúng thường được tạo trong tự nhiên khi ánh sáng mặt trời chiếu vào hơi nước. Hợp chất này tồn tại trong các lớp tuyết và tiết lộ cho các nhà khoa học biết, hiện tượng tuyết rơi thường tập trung vào những tháng hè hay đông.

Đây là những dữ liệu vô cùng quý giá, hỗ trợ cải thiện độ chính xác của mô hình dự báo mực nước biển dâng trong tương lai.

Nam Cực là lục địa lớn thứ 5 thế giới, lớn hơn cả Châu Âu và Châu Úc. Đây cũng là vùng đất khô hạn, lạnh giá và nhiều gió nhất. Nam Cực là nơi chứa tới 90% lượng băng và 70% lượng nước ngọt của thế giới. Băng gần như bao phủ tới 98% bề mặt của lục địa này.

Tiến Thanh

Chủ đề khác