VnReview
Hà Nội

Phát hiện protein cho phép động vật nhận biết từ trường của Trái đất

Protein này có tên là Cry4 - một loại protein có trong mắt giúp điều chỉnh nhịp sinh học.

Khám phá ra protein cho phép động vật phát hiện từ trường của Trái đất

Theo Howstuffworks, việc con người không thể nhận ra từ trường của Trái đất không có nghĩa là các động vật khác không thể. Mặc dù chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy hành vi của các loài như ruồi giấm, cáo… thay đổi theo từ trường Trái đất nhưng thật khó tưởng tượng làm thế nào chúng điều khiển được một loại la bàn từ trường bên trong cơ thể mình. Rất khó khăn để các nhà khoa học hiểu được điều gì diễn ra với giác quan thứ 6 này của động vật.

Trong vòng vài tháng qua, 2 nghiên cứu độc lập đã báo cáo về một loại protein được tìm thấy trong đôi mắt của loài chim và dường như điều này giúp chúng nhận ra được những sự thay đổi từ trường của hành tinh chúng ta. Chất này được gọi là Cry4, là một loại protein tìm thấy trong mắt giúp điều chỉnh nhịp sinh học. Những nghiên cứu gần đây khẳng định nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc nhận biết các hiện tượng thay đổi của từ trường.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Royal Society cho biết mặc dù chim di vằn (hay Sẻ vằn, một loài chim lá thuộc họ Chim di) có ba loại protein cryprochrome khác nhau - Cry1, Cry2 và Cry4 nhưng Cry4 là loại duy nhất có mặt trong mắt chim suốt 24 giờ. Nó cho thấy Cry4 không liên quan nhiều đến đồng hồ sinh học trong cơ thể chim mà nó liên kết với một khả năng tồn tại bất kể đêm ngày ở loài này, ví dụ như khả năng định hướng.

Khám phá ra protein cho phép động vật phát hiện từ trường của Trái đất

Atticus Pinzón-Rodríguez, tác giả chính của công trình và là nghiên cứu sinh của Department of Biology thuộc Đại học Lund tại Thụy Điển nói rằng kết quả này cho thấy "có lẽ các loài động vật khác cũng tồn tại các thụ thể từ và có thể tiếp nhận từ trường".

Các phát hiện của họ được củng cố thêm bởi một nghiên cứu riêng công bố trên tạp chí Current Biology số ra ngày 22 tháng 1 năm 2018, nhưng nghiên cứu này tập trung vào loài chim oanh châu Âu thay vì chim sẻ vằn. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Carl von Ossietzky Oldenburg (Đức), phát hiện ra rằng Cry4 tập trung vào mắt của một con chim oanh giúp nó nhận được nhiều ánh sáng nhất, nghĩa là sự thu hút từ trường hầu như có liên quan đến thị giác - có thể là chim thực sự nhìn thấy các từ trường chứ không phải là nghe hoặc cảm thấy chúng.

Đại học Carl von Ossietzky cũng so sánh sự có mặt của Cry4 trong con mắt của những con chim di cư đến các vùng đất ấm hơn vào mùa đông và những con gà không di cư. Họ thấy rằng mùa di cư đi cùng với sự gia tăng mức độ Cry4 trong mắt của những con chim còn gà thì không xảy ra như vậy. Điều này cho thấy Cry4 rất quan trọng đối với việc di chuyển của các loài chim có tập tính di cư.

Bạch Đằng

Chủ đề khác