VnReview
Hà Nội

Tái sử dụng máu bệnh nhân trong phẫu thuật

Những ca phẫu thuật càng lớn, máu sẽ càng chảy ra nhiều hơn. Trong các trường hợp như phẫu thuật tim hay phẫu thuật chấn thương nặng, mất máu có thể trở nên nghiêm trọng phải cần đến một số lượng lớn máu thay thế.

Theo BBC News, thông thường, việc truyền máu hay được lựa chọn nhưng lưu ý là truyền máu có thể gây ra các phản ứng phụ cho dù trường hợp này ít xảy ra. Đó là chưa kể truyền máu rất tốn kém.

Như giáo sư Terry Gourlay nói "máu không hề rẻ". Ông là một nhà công nghệ sinh học thuộc đại học Strathclyde (Glasgow, Scotland) và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu sản xuất một thiết bị mới nhằm tái chế máu trong các ca phẫu thuật lớn.

truyền máu

Phục hồi máu của một bệnh nhân được phẫu thuật và đưa máu trở lại cơ thể là một ý tưởng không mới. Được biết, tự động truyền máu thường đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, tốn nhiều thời gian và chi phí rất lớn.

Nhưng phương pháp Hemosep của đại học Strathclyde đơn giản hơn và có vẻ ít tốn công sức hơn rất nhiều. Đó là một chiếc máy nhỏ, nhẹ dùng để "khuấy" cho máu khỏi đông. Nhưng chi tiết quan trọng của máy này là chiếc túi nhựa đặc biệt để chứa máu phục hồi được.

Nó hoạt động cũng đơn giản, giống như một tấm bọt biển hóa học có thấm huyết thanh thừa đã làm loãng máu trong suốt quá trình phẫu thuật. Thành phần quan trọng là một màng Polycarbonate hiện đại cho phép huyết thanh xuyên qua nhưng vẫn duy trì được các thành phần quan trọng riêng biệt của máu, bao gồm các protein quan trọng và các yếu tố làm đông máu. Những tế bào tập trung này có thể được truyền lại vào cơ thể bệnh nhân.

Theo giáo sư Gourlay, lợi ích y tế của chiếc máy này đơn giản "là giữ được máu của bạn".

Thị trường thế giới

Phương pháp Hemosep đã được thử nghiệm thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà phương pháp Hemosep đã được sử dụng trong hơn 100 ca phẫu thuật tim.

Hệ thống này sẽ được bán tở khắp Liên minh châu Âu trong mối quan hệ đối tác giữa trường Strathclyde và công ty thiết bị y tế Advancis. Hệ thống này cũng đã được phê chuẩn để bán ở Canada.

Giáo sư Gourlay cho hay ở một số thị trường, giá trị thực sự của một đơn vị máu có thể chạm tới ngưỡng 1.600 đô la và các sản phẩm máu lập thành một thị trường hàng tỷ đô la.

Ông giải thích thêm: "Ở bất kỳ dạng nào, máu không hề miễn phí và trong thực tế ở Bắc Mỹ các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy giá của một đơn vị máu là trên 1.600 đô la."

Theo đúng nghĩa đen, nếu hệ thống Hemosep thành công, chúng ta sẽ tiết kiệm được hàng xô máu.

Hoa Nguyễn

;

Chủ đề khác