VnReview
Hà Nội

Nước bọt của muỗi có thể thay đổi đáng kể hệ miễn dịch của bạn trong nhiều ngày liền

Khi bị muỗi đốt, hàng trăm protein khác nhau có trong nước bọt của chúng sẽ xâm nhập vào máu của chúng ta, bên cạnh đó là các mầm bệnh mà chúng mang theo trong người.

Một vài trong số những protein trên giúp muỗi hút máu từ con người. Ngoài ra, theo một nghiên cứu gần đây, chúng còn có thể gây ra một số hiệu ứng khác như làm tăng mức độ nghiêm trọng của bất cứ căn bệnh nào mà con muỗi mang trong mình (rồi truyền sang cho người) bằng cách gây ra phản ứng miễn dịch đáng kể có thể kéo dài tới vài ngày trong cơ thể người kể từ khi bị đốt.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học của Mĩ chuyên về các bệnh nhiệt đới PLOS Neglected Tropical Diseases, các nhà khoa học từ Đại học Y Baylor đã nghiên cứu và xem xét ảnh hưởng của vết muỗi đốt lên tế bào miễn dịch của con người. Để làm được điều này, họ đã tiêm tế bào máu gốc của người vào những con chuột. Nhờ đó mà chúng có được một số tính năng của hệ miễn dịch ở người bao gồm một bộ hoàn chỉnh các tế bào bạch cầu trong đó có cả "tế bào T" có tác dụng chống lại bệnh tật.

Muỗi đã được sử dụng để đốt những con chuột không bị nhiễm bất cứ tác nhân gây bệnh nào trong môi trường phòng thí nghiệm. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành phân tích sự thay đổi trong hoạt động của các tế bào miễn dịch nhân bản bên trong những con chuột.

Những con chuột khỏe mạnh có một số tính năng của hệ miễn dịch của người được sử dụng trong nghiên cứu.

Theo Newsweek, kết quả là họ phát hiện ra rằng nước bọt của muỗi đã tạo ra phản ứng miễn dịch liên quan đến nhiều loại tế bào và có khả năng kéo dài hơn mong đợi. Trên thực tế, các nhà khoa học nhận thấy các tế bào miễn dịch đã di chuyển tới vị trí của vết muỗi đốt và hoạt động trong khoảng thời gian lên tới bảy ngày kể từ khi chủ thể bị đốt. Hơn nữa, sự thay đổi này còn được ghi nhận tại nhiều loại mô khác nhau ở da và tủy xương.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Ý nghĩa sinh học của những thay đổi trên vẫn chưa được xác định hoàn toàn nhưng nó có thể giải thích cho việc tại sao một số tác nhân gây bệnh (chẳng hạn như virus) có thể lây lan khắp cơ thể nhờ trú ngụ trong các tế bào mà nước bọt của muỗi truyền vào da, sao chép ở mức độ cao hơn và thậm chí là tồn tại trong một số loại mô lâu hơn ở trong máu".

Nhiều nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng một số đặc tính của vết muỗi đốt, kể cả nước bọt của chúng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mà chúng truyền sang "nạn nhân" của mình.

Thí nghiệm trên những con chuột đã chỉ ra rằng nhiễm trùng do muỗi đốt thường nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng gây ra bằng cách tiêm cùng một loại ký sinh trùng bằng kim tiêm vào cơ thể. Một điều đáng lưu ý khác là những nghiên cứu trên mới chỉ dừng lại ở hệ miễn dịch không có đầy đủ mọi thành phần như hệ miễn dịch ở người nên các nhà khoa học vẫn cần tiến hành thêm nhiều thí nghiệm khác để có kết quả toàn diện hơn trong tương lai.

Khi bị muỗi đốt, hệ miễn dịch của người có thể phản ứng với các protein trong nước bọt của muỗi trong khoảng một tuần.

Muỗi và các tác nhân gây bệnh mà chúng lây nhiễm đang là một mối quan tâm ngày càng lớn về sức khỏe cộng đồng. Trên thế giới, có khoảng 750.000 người tử vong mỗi năm do các bệnh lây truyền từ muỗi bao gồm sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi trùng West Nile, Zika và sốt Chikungunya.

Cho tới nay, việc điều trị vẫn gặp phải nhiều hạn chế và tỉ lệ mắc những bệnh trên được dự đoán có xu hướng gia tăng trong vài thập kỉ tới do nơi sinh sống của nhiều loài muỗi đang tăng dần vì biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Việc hiểu được sự tương tác giữa nước bọt của muỗi với hệ miễn dịch của con người không chỉ giúp chúng ta nắm được các cơ chế sinh bệnh mà xa hơn nữa là giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Khi biết được thành phần nào trong nước bọt của muỗi gây tăng khả năng sinh bệnh, chúng ta có thể tạo ra loại vắc-xin chống lại những tác động này để chữa trị nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau".

Gia Vũ

Chủ đề khác