VnReview
Hà Nội

Sự chênh lệch về giới tính của những người nhận giải Nobel khoa học có gì đáng để tự hào?

Những nhà khoa học thường rất giỏi khi làm việc với các con số. Cho dù đó là số lượng các thiên hà trong vũ trụ bao la hay những phản ứng hóa học diễn ra chỉ trong một phần ngàn của giây. Hầu như không có gì vượt ra khỏi sự tính toán của họ. Nhưng thời gian gần đây, dường như các nhà khoa học đã trở nên quá thoải mái với một vài con số rất nhỏ.

Hãy tính số lượng phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Mặc dù các bé gái ngày nay cũng có thể làm được những điều tương tự như các cậu con trai trong những kỳ thi đánh giá STEM (STEM là cụm từ viết tắt của Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật và Toán Học), nhưng có rất ít các cô gái so với các bé trai xem xét tạo lập sự nghiệp với STEM. Hiện tại, phụ nữ chỉ chiếm 20% số lượng các giảng viên vật lý tại các trường đại học ở Mỹ. Điều gì đã làm xao nhãng tâm trí của những phụ nữ trước sự hấp dẫn của khoa học nghiêm túc?

Câu trả lời có lẽ là có quá ít những hình mẫu với tiềm năng xứng đáng giành được giải Nobel, và cuối cùng vẫn không nhận được giải thưởng danh giá nhất của giới khoa học. Trẻ em khao khát có được một hình mẫu để chúng noi theo. Trong âm nhạc và phim ảnh, thể thao và chính trị, những nữ anh hùng (và nam anh hùng) có thể trở thành chất xúc tác cho những sở thích đầu tiên (của bọn trẻ) và khơi dậy tham vọng ở chúng suốt đời. Các giải thưởng thu hút sự chú ý trong bất kỳ lĩnh vực nào và giải Nobel trao cho người thắng giải quyền lực vô song cả bên trong lẫn bên ngoài khoa học. Trong các hội trường, các nhà khoa học nhận được giải Nobel sẽ nhận được tài trợ, được tuyên dương và nhận được các giải thưởng khác nữa.

Thật không may, chỉ mới có hai người đoạt giải Nobel vật lý là nữ giới. Nhưng người phụ nữ đầu tiên, bà Marie Curie, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1903 chỉ được trao giải một cách miễn cưỡng vì chồng của bà lên tiếng phản đối.

2 nhà khoa học Marie và Pierre trong phòng thí nghiệm ở Paris (Ảnh: Wikipedia)

Năm 1963, tức là 60 năm sau giải thưởng Nobel của bà Curie, mới có một người phụ nữ thứ hai, đó là bà Maria Goeppert Mayer (đến từ đại học California tại San Diego) đoạt giải Nobel về vật lý. Vào thời điểm đó, mặc dù bà Mayer đã giành được giải thưởng mà bất cứ nhà khoa học nào cũng khát khao thèm muốn, nhưng một tờ báo địa phương đã nhấn mạnh chiến thắng của bà bằng dòng tít đầy giễu cợt: "Bà nội trợ tại San Diego giành được giải Nobel".

Đáng buồn thay, việc thiếu vắng bóng dáng phụ nữ trên bục trao giải Nobel vật lý vẫn tồn tại 54 năm sau đó. Việc thiếu vắng phụ nữ giành giải Nobel đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự mất đi giá trị của phụ nữ, không thể tạo ra nguồn cảm hứng cho các chuyên gia khoa học là nữ giới. Khi phụ nữ thất bại trong việc tham gia vào các lĩnh vực khoa học này, xã hội cũng mất đi cơ hội có được những đóng góp của họ và những người phụ nữ trẻ bị từ chối không được tham gia vào các hình mẫu có vai trò quan trọng.

Sự thiếu vắng những hình mẫu kéo dài xuyên suốt chiều dài lịch sử khoa học. Hãy lấy Margaret Burbidge, người đã làm nên lịch sử, là nhà thiên văn nữ đầu tiên, trở thành thành viên của Học viện Khoa học Quốc gia vào năm 1972. Bà cũng trở thành nữ giám đốc đầu tiên của Đài quan sát Hoàng gia Greenwich trong cùng năm đó.

Về mặt lý thuyết, bài đăng của bà tại đài quan sát sẽ nghiễm nhiên đưa bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu làm Nhà thiên văn Hoàng gia. Thay vào đó, bà là nhà thiên văn học đầu tiên trong 300 năm cai quản Đài quan sát Hoàng gia Greenwich và không có được được danh xưng là Nhà thiên văn Hoàng gia. Danh hiệu đó đã được trao cho Martin Ryle hai năm sau đó khi ông giành được giải Nobel năm 1974 với sự "trợ giúp" từ khám phá khoa học của người đồng nghiệp nữ, cô Jocelyn Bell - một nữ sinh viên đã tốt nghiệp.

Trong khi Bell, người đã phát hiện ra các sao xung (Pulsar) thể hiện sự bình tĩnh, không hề cay cú và giải thích về lý do làm cô vuột mất giải thưởng danh giá rằng nguyên nhân nằm ở tuổi tác, cô nói: "Tôi tin rằng các giải thưởng Nobel sẽ bị hạ thấp (giá trị) nếu chúng được trao cho những nghiên cứu sinh (đã tốt nghiệp chẳng hạn). Cuối cùng thì bản thân tôi không cảm thấy buồn bã về điều đó. Tôi đang ở trong một tập thể tốt phải không nào?"

Thật không may, có rất nhiều lời phản đối đối với những khẳng định của Bell: vì "tập thể tốt" và theo Bell, những sinh viên đã tốt nghiệp và làm công việc xứng đáng với giải thưởng nhưng lại để vuột mất giải Nobel. Cả trước và sau khám phá của cô, những sinh viên tốt nghiệp là nam giới thường giành được giải thưởng, trong đó có cả một người nghiên cứu các sao xung (Pulsar).

Ngoài lĩnh vực vật lý ra, phụ nữ ở các lĩnh vực khác hầu như không có cơ hội góp mặt tại viện bảo tàng Nobel ở Stockholm. Tệ hơn nữa, không chỉ có phụ nữ bị mất giải Nobel, nhưng họ cũng bị lừa gạt về công trạng trong công việc họ đã làm.

Rosalind Franklin - người phụ nữ bị "lãng quên" (Ảnh:;Getty Images)

Rosalind Franklin đã mở khóa những bí mật về cấu trúc xoắn kép của ADN nhờ công trình của cô về tinh thể học tia X. Các hồ sơ lưu giữ một cách tỉ mỉ của cô cho thấy, vào đầu năm 1953, cô kết luận rằng AND phải là một cặp xoắn kép. Trong khi đó James Watson và Francis Crick cũng đã đi đến kết luận tương tự, tuy nhiên họ lại thiếu dữ liệu để hỗ trợ giả thuyết của mình. May mắn cho người này là nỗi buồn của người kia, Franklin đã không biết rằng, 2 nhà khoa học đã truy cập trái phép vào cả dữ liệu của cô và một trong những báo cáo chưa được công bố của cô, điều này giúp họ nhanh chóng hoàn thành mô hình AND tương tự. Sau đó, vào năm 1953, những phát hiện của họ đã được Nature xuất bản, và cùng với Wilkens, họ tiếp tục giành giải Nobel về Sinh lý học và Y học vào năm 1962. Khi thắng giải, các nhà khoa học nam hầu như không đề cập gì đến Franklin.

Tên của Watson và Crick gắn bó chặt chẽ với những khám phá đó cho đến ngày nay. Theo cuốn sách The Double Helix của Watson, ngoài việc thảo luận về chiến thắng của ông và những phát hiện của Crick – người cộng sự, Watson đã làm giảm bớt đi những đóng góp của Franklin, giảm đi những công trạng mà đáng ra cô được nhận, một biểu hiện của "hiệu ứng Matilda" (đây là tên gọi do bà Margaret W. Rossiter, sử gia về các ngành khoa học của Mỹ, đặt tên về sự chối bỏ và giảm nhẹ, mà theo bà mang tính hệ thống, những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu). Franklin đã chết (ở tuổi 37 do ung thư buổng trứng) vì chiến đấu cho nguồn tài trợ nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm tồi tàn, trong khi Watson và Crick đã ghi tên mình vào lịch sử khoa học.

Lise Meitner là một ví dụ được công nhận rộng rãi về "hiệu ứng Matilda". Meitner là một nhà vật lý người Áo đã chứng minh bằng chứng rõ ràng về phân hạch hạt nhân vào năm 1939. Cô đã nhận được nhiều giải thưởng cho công việc của mình, nhưng đã bỏ lỡ cơ hội giành được giải thưởng lớn hơn hết thảy – giải Nobel. Ngược lại, đồng nghiệp nam của cô là Otto Hahn đã đoạt giải Nobel hóa học năm 1944.

Vera Rubin là một nhà khoa học nữ xứng đáng với những gì đã cống hiến nhưng chưa bao giờ nhận được cuộc gọi lúc 3 giờ sáng từ Thụy Điển. Vào những năm 1970, Rubin cung cấp bằng chứng thuyết phục cho sự tồn tại của vật chất tối. Khi vào năm 2011, giải Nobel vật lý đã được trao cho ba người đàn ông vì khám phá ra năng lượng tối từ việc quan sát siêu tân tinh xa xôi, dựa trên nghiên cứu được tiến hành vào cuối những năm 1990, Giải Nobel của Rubin dường như đã sắp xảy ra.

Vera Rubin - Người hùng không gian (Ảnh:  Carnegie Institution for Science)

Nhưng bà đã chờ đợi đến 5 năm sau đó… Có nhiều cuộc tranh luận về lý do tại sao Rubin bị từ chối trao cho giải thưởng Nobel. Một số người cho rằng đó là sự thất bại của bà trong việc giải thích các quan sát của mình. Những người khác lập luận rằng bà đã phát hiện ra một hiện tượng mà nguyên nhân cơ bản chưa ai hiểu được. Nhưng nếu vậy thì những lý do này cũng cần được áp dụng cho cả những người khám phá năng lượng tối nữa mới đảm bảo tính công bằng?!

Theo các quy tắc của Tổ chức trao giải thưởng Nobel được sửa đổi lần cuối vào năm 1974, sự ra đi vĩnh viễn của Rubin vào ngày 25/12/2016, sẽ khiến bà mãi mãi không bao giờ đủ điều kiện tham gia nhận giải. Tuy nhiên, những quy định này đã bị bỏ qua nhiều lần trong quá khứ — khi sự việc xảy đến với những nhà khoa học nam đã qua đời.

Bell đã rất may mắn khi vẫn còn sống và tiếp tục nhận thêm các giải thưởng, mặc dù không có một giải nào tầm cỡ như giải Nobel (mặc dù không điều gì trong các điều luật của giải Nobel ngăn cản cô sở hữu giải thưởng danh giá này).

Trong kinh doanh, nhân viên được khen thưởng về mặt tài chính. Trong khoa học hàn lâm, thù lao được biết đến dưới hình thức là các trích dẫn cho các bài báo, những đề bạt và giải thưởng được công bố rộng rãi. Các công ty đang làm việc rất cật lực nhằm thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nhân viên nam và nhân viên nữ. Con số chính xác hầu như rất khác nhau, nhưng thông thường, những người phụ nữ chỉ được hưởng khoảng 80% so với những gì các đồng nghiệp nam của họ kiếm được. Nhưng có điều không thể chấp nhận được vì sự cách biệt này lên đến 10 trong khuôn khổ giải Nobel. Phụ nữ chỉ đại diện cho không tới 2% số người đoạt giải Nobel trong ba lĩnh vực Nobel định lượng nhất: hóa học, kinh tế và vật lý.

Khi bà Laureate Maria Goeppert Mayer đoạt giải Nobel, một tờ báo địa phương đã nhấn mạnh chiến thắng của bà bằng dòng tít đầy giễu cợt: "Bà nội trợ tại San Diego giành được giải Nobel"

Sau khi giành được giải thưởng đáng thèm muốn nhất của giới khoa học, bà Goeppert Mayer nói: "Giành giải thưởng không thú vị bằng một nửa so với những gì khi làm việc mang lại." Nhưng thắng được giải thưởng có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy các nhà khoa học trẻ - bao gồm cả phụ nữ. Giải Nobel là giải thưởng bậc nhất của nhân loại là vì vậy, danh sách những người chiến thắng cần phản ánh chính xác bức tranh toàn cảnh đa dạng của nền khoa học hiện đại.

Cách mở rộng danh sách này và thu hẹp khoảng cách về giới tính trong giải thưởng Nobel không yêu cầu một công thức toán học bí truyền cao siêu nào hết. Mà chỉ cần loại bỏ việc cấm đoán việc trao giải thưởng sau khi các nhà khoa học xứng đáng qua đời và trao giải thưởng cho họ – những người là nạn nhân của "hiệu ứng Matilda" sẽ khắc phục những sai lầm của Hội đồng trao giải giải Nobel trong quá khứ. Cuối cùng, tổ chức lại và gia tăng sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ trong học viện - đặc biệt là trong Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển - sẽ thu hẹp khoảng cách giải thưởng Nobel, trước khi nó trở thành một vực thẳm và việc khôi phục giải thưởng như một ngọn hải đăng soi sáng cho tất cả các nhà khoa học, bất kể họ ở giới tính nào.

Thanh Long

Theo Wired

Chủ đề khác