VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta không thể nhớ các giấc mơ của mình?

1/3 thời gian trong cuộc sống của bạn là dành cho giấc ngủ, nghĩa là bạn có một khoảng thời gian rất dài để mơ. Nhưng thường là, bạn không nhớ gì về giấc mơ của mình. Và ngay cả trong những ngày may mắn nhất, thì bạn cũng tỉnh dậy với ký ức về giấc mơ còn lơ lửng trong tâm trí, và chỉ một phút sau, hầu như mọi thứ lại biến mất.

Tuy nhiên, phải nói rằng, với các giấc mơ, việc bạn quên nó ngay sau khi tỉnh dậy, là điều bình thường. Tại sao?

Thomas Andrillon, một nhà thần kinh học tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia cho biết: "Chúng ta thường quên ngay những giấc mơ và với những người nói họ không mơ gì, có thể là họ quên còn nhanh hơn". Thật khó để tin rằng bạn đã mơ nếu bạn không nhớ bất cứ gì về giấc mơ, nhưng các nghiên cứu liên tục cho thấy ngay cả những người không hề nhớ một giấc mơ nào trong nhiều thập kỷ hoặc thậm chí cả cuộc đời của họ, thực tế, họ đều nhớ lại giấc mơ nếu họ được đánh thức vào đúng thời điểm, Andrillon nói.

Mặc dù lý do chính xác là gì vẫn chưa rõ, song các nhà khoa học đã có được một số hiểu biết sâu sắc về các quy trình trí nhớ trong khi ngủ, và có một số ý tưởng có thể giải thích cho chứng quên lãng kỳ lạ của chúng ta đối với giấc mơ.

Vùng đồi thị (hippocampus)

Theo một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Neuron, khi chúng ta đi vào giấc ngủ, không phải tất cả các khu vực của não bộ đều ngủ cùng lúc. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một trong những vùng não cuối cùng đi ngủ là vùng đồi thị (hippocampus), một cấu trúc cong nằm bên trong mỗi bán cầu não và là yếu tố quan trọng để di chuyển thông tin từ bộ nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn.

Nếu hippocampus là vùng não cuối cùng đi ngủ, nó có thể là vùng não cuối cùng thức dậy, Andrillon nói. "Vì vậy, khi bạn thức dậy, bạn sẽ thức cùng với vùng não này và một giấc mơ trong trí nhớ ngắn hạn của bạn, nhưng vì vùng đồi thị không hoàn toàn tỉnh táo, bộ não của bạn không thể giữ được ký ức đó", Andrillon chia sẻ với trang Live Science.

Mặc dù điều này có thể giải thích lý do tại sao những ký ức mơ ước rất thoáng qua, điều đó không có nghĩa là vùng đồi thị của bạn không hoạt động suốt đêm. Trong thực tế, khu vực này hoạt động khá tích cực trong khi ngủ, và dường như nó lưu trữ và chăm sóc cho những ký ức hiện có để củng cố chúng, thay vì lắng nghe những trải nghiệm mới đến.

"Một số dữ liệu cho thấy [trong một số giai đoạn của giấc ngủ] hippocampus đang gửi thông tin đến vỏ não, nhưng không nhận lại gì", Andrillon nói. "Mối liên hệ một chiều này sẽ cho phép gửi những ký ức từ vùng hippocampus đến vỏ não để lưu trữ lâu dài, nhưng thông tin mới lại không được hippocampus tiếp nhận".

Khi tỉnh dậy, não có thể cần ít nhất 2 phút để bắt đầu khả năng mã hóa bộ nhớ của nó. Trong một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Frontiers in Human Neuroscience, các nhà nghiên cứu ở Pháp đã theo dõi giấc ngủ của 18 người, những người báo cáo lại giấc mơ của họ hầu như mỗi ngày và 18 người khác, những người hiếm khi nhớ được giấc mơ của họ. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng so với những người ít có khả năng nhớ lại giấc mơ, những người có khả năng cao nhớ lại giấc mơ thường xuyên thức dậy trong đêm hơn. Những cơn thức giấc giữa đêm này kéo dài trung bình 2 phút đối với những người có khả năng nhớ lại giấc mơ cao, trong khi những người không nhớ được giấc mơ của họ chỉ thức dậy giữa đêm trung bình trong 1 phút.

Chất dẫn truyền thần kinh: acetylcholine và noradrenaline

Việc chúng ta không thể mã hóa, ghi nhớ những ký ức mới trong khi ngủ cũng liên quan đến những thay đổi của hai chất dẫn truyền thần kinh, acetylcholine và noradrenaline, hai chất đặc biệt quan trọng trong việc giữ lại ký ức. Khi chúng ta ngủ, acetylcholine và noradrenaline giảm đáng kể.

Sau đó, một cái gì đó kỳ lạ xảy ra khi chúng ta bước vào giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM), nơi những giấc mơ sinh động nhất xảy ra. Trong giai đoạn này, acetylcholine trở lại mức độ tỉnh táo, nhưng noradrenaline vẫn ở mức thấp.

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu giải thích, nhưng một số người cho rằng sự kết hợp đặc biệt của các chất dẫn truyền thần kinh này có thể là lý do chúng ta quên đi giấc mơ của mình. Theo một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Behavioral and Brain Sciences, sự gia tăng acetylcholine đặt vỏ não ở trạng thái kích thích tương tự như sự tỉnh táo, trong khi noradrenalin thấp làm giảm khả năng nhớ được các diễn biến giấc mơ trong thời gian này.

Đôi khi giấc mơ không có gì đáng nhớ

Bạn có nhớ những gì bạn đang nghĩ khi đang đánh răng sáng nay không? Tâm trí chúng ta luôn đi lang thang, nhưng chúng ta loại bỏ hầu hết những suy nghĩ đó vì chúng là những thông tin không cần thiết. Những giấc mơ có thể giống như những suy nghĩ mơ mộng và được bộ não coi là "quá vô dụng" không cần nhớ, nhà nghiên cứu về giấc mơ Ernest Hartmann, một giáo sư tâm thần tại trường Y khoa Đại học Tufts, đã viết trong Scientific American.

Nhưng những giấc mơ sinh động, cảm xúc và mạch lạc dường như được nhớ rõ hơn - có lẽ vì chúng kích thích sự thức tỉnh nhiều hơn, và câu chuyện có tổ chức của chúng khiến chúng dễ dàng lưu trữ, Andrillon nói.

Nếu bạn có ý định cải thiện việc thu hồi giấc mơ, có một vài thủ thuật mà bạn có thể thử. Robert Stickgold, phó giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard, đề nghị hãy uống nước trước khi đi ngủ, bởi vì nó sẽ khiến bạn thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh. "Những cơn thức giấc vào ban đêm này thường đi kèm với khả năng nhớ lại giấc mơ", Stickgold phát biểu trên tờ The New York Times.

Hoặc, khi nằm trên giường, hãy nhắc nhở bản thân nhiều lần vào, rằng bạn muốn ghi nhớ giấc mơ của mình. Điều đó cũng có thể tăng cơ hội ghi nhớ của bạn. Khi tỉnh dậy, hãy bám chặt vào ký ức giấc mơ mong manh đó. Hãy nhắm mắt lại, nằm yên và tua lại giấc mơ theo trí nhớ, cho đến khi vùng não hippocampus của bạn bắt kịp và lưu trữ chúng.

Hoàng Lan

Chủ đề khác