VnReview
Hà Nội

Neil Amstrong - người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, đã ra đi ở tuổi 82

Ngày 25/8, báo chí Mỹ đồng loạt đưa lên trang nhất tin nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong đã qua đời trong bệnh viện ở Colombus thuộc bang Ohio (Mỹ), hưởng thọ 82 tuổi. Dù đã ra đi, song những thành tích trong quá khứ của ông vẫn mãi truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ về ước mơ vươn tới những vì sao.

Neil Armstrong chỉ huy tàu vũ trụ Apollo 11 đáp xuống Biển yên bình (Sea of Tranquility) trên Mặt trăng vào ngày 20/7/1969, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử chinh phục không gian của loài người. Câu nói đầu tiên của ông sau khi đặt chân lên mặt trăng: "Đây là bước đi nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại" đã đi vào lịch sử.

neil armstrong

Con người khiêm tốn

Amstrong – kỹ sư tốt nghiệp ngành hàng không của Đại học Purdue, đã nói trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng vào năm 2000: "Tôi, bây giờ và mãi mãi chỉ là một kỹ sư bình thường".

Armstrong đã được 17 quốc gia trao thưởng và nhận được rất nhiều danh hiệu danh dự, nhưng ông chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với sự nổi tiếng toàn cầu và luôn tìm cách tránh xa ánh đèn sân khấu. Năm 2005, trong một cuộc phỏng vấn Armstrong nói rằng ông không xứng đáng nhận được sự chú ý vì là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, chỉ vài bước trước đồng nghiệp Edwin "Buzz" Aldrin.

"Tôi không được chọn để làm người đầu tiên. Tôi được chọn để chỉ huy chuyến bay đó. Hoàn cảnh ngẫu nhiên đã đặt tôi vào vai trò đặc biệt đó" - ông nói.

Sau khi biết các cuốn hồi ký của ông đã được bán với giá quá cao, Armstrong thậm chí đã ngừng việc tặng chữ ký lưu niệm. John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái đất, đã nhớ lại sự khiêm tốn của Armstrong.

"Ông ấy cảm thấy mình không nên vụ lợi trên danh tiếng của mình" - Glenn nói với kênh truyền hình CNN - "Ông ấy là người khiêm tốn và đó là cách ông ấy sống sau chuyến bay lên Mặt Trăng, cũng như trước đó".

neil armstrong

Sinh tại Wapakoneta, bang Ohio vào ngày 5/8/1930, thời niên thiếu của Armstrong đã gắn liền với những chiếc máy bay. Ông học bay từ năm 15 tuổi và có bằng lái máy bay trong sinh nhật thứ 16.

Là phi công của Hải quân Mỹ, ông đã bay 78 nhiệm vụ trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Armsrong gia nhập cơ quan tiền thân của NASA là Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Hàng không vào năm 1955 và đã bay thử hơn 200 mẫu máy bay khác nhau, gồm trực thăng, tàu lượn, máy bay phản lực, máy bay gắn động cơ tên lửa... khi còn là phi công thử nghiệm của Trung tâm nghiên cứu bay của NASA.

Ông trở thành phi hành gia vào năm 1962 và được làm phi công chỉ huy tàu Gemini 8, nơi ông đã thực hiện kết nối thành công hai tàu vũ trụ trong không gian.

Sau khi về hưu ở NASA vào năm 1971, Armstrong dạy kỹ thuật hàng không không gian tại Đại học Cincinnati trong khoảng gần 10 năm. Ông cũng từng làm lãnh đạo nhiều công ty như Lear Jet, United Airlines và Marathon Oil… cho đến khi nghỉ hẳn năm 2002.

neil armstrong

Ngày 7/8, ông Neil Armstrong được đưa vào bệnh viện phẫu thuật thông động mạch vành bị tắc nghẽn. Ông qua đời do ca phẫu thuật gặp biến chứng. Theo trang web Live Science (Mỹ), ông Neil Armstrong bị bốn chỗ nghẽn trong động mạch vành và các bác sĩ đã phải sử dụng phẫu thuật bắc cầu: lấy một đoạn mạch máu ở tay, chân và một số nơi khác trên cơ thể ông rồi dùng chúng định hướng máu chảy vòng qua các khu vực tắc nghẽn trong động mạch để khôi phục dòng máu chảy đến cơ tim. Chưa rõ cụ thể biến chứng của Armstrong là gì, nhưng nhưng các biến chứng phổ biến của phẫu thuật bắc cầu là rối loạn nhịp tim, khó thở, đột quỵ và xuất huyết.

Nhà du hành vũ trụ Edwin Aldrin từng đồng hành cùng ông Neil Armstrong trên tàu Apollo 11 bày tỏ: "Tôi cùng hàng triệu người khóc thương trước sự kiện một anh hùng nước Mỹ thực sự và một phi công xuất sắc nhất mà tôi từng biết đã qua đời".

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi những cống hiến của Amstrong: "Ông đã đánh dấu một thời khắc vĩ đại mà cả nhân loại sẽ không bao giờ quên".

Phương Thúy

Chủ đề khác