VnReview
Hà Nội

Việt Nam, Thái Lan đang lãnh đủ vì Trung Quốc cấm nhập khẩu rác nhựa

Theo trang Nikkei Asian Review, thế giới đang tràn ngập rác thải nhựa, 6 tháng sau khi Trung Quốc đóng cửa đối với các vật liệu có thể tái chế được trên môi trường.

Các hiệu ứng của chính sách cấm nhập khẩu trên đang gây tác động đến các nước mới nổi ở Đông Nam Á, vốn đã phải chịu đựng những lô hàng nhựa mà phần lớn bị tuồn vào bất hợp pháp. "Người Thái đang rất tức giận vì Thái Lan bỗng nhiên trở thành nơi đổ rác thải của các nước khác", ông Surapol Chamart, chánh thanh tra Bộ Công nghiệp Thái Lan nói.

Các bản tin truyền hình càng đẩy cơn giận dữ lên cao khi nội dung chiếu cảnh Cơ quan quản lý Cảng Bangkok đang phải kiểm tra, xử lý hầu hết rác thải nhựa, được cho là đã nhập lậu vào Thái Lan. Vào đầu tháng 6/2018, chính quyền đã phát hiện hàng trăm container rác nhựa. Các viên chức đã mở một thùng container và mùi hôi thối bốc lên.

Thông tin trên đặc biệt gây giận dữ vì một sự cố đã xảy ra ở Thái Lan vào khoảng thời gian đó, một con cá voi nuốt phải 80 túi nhựa và đã chết.

Không chỉ riêng Thái Lan. Nikkei Asian Review đưa tin tính đến tháng 5/2018, cảng Tân Cảng Cát Lái của Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) đã bị lấp đầy với hơn 2.200 container chứa rác thải nhựa trong hơn 90 ngày. Ngoài ra, còn có 900 container khác từng ở đó trong một khoảng thời gian ngắn hơn.

Tác động còn lan đến cả các nước ngoài châu Á

Trong năm nay, Ba Lan đã phải đối mặt với hơn 60 vụ hỏa hoạn độc hại tại các bãi rác. Các quan chức nói nhiều vụ cháy đã được cố tình sắp xếp để tiêu diệt rác lậu. Và tại Mỹ, đặc biệt là ở các bang Bờ Tây như Oregon, phế liệu nhựa không thể xuất ra nước ngoài, đành phải hướng đến các bãi rác, nơi nó sẽ không được tái chế.

Rõ ràng, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa và một số chất thải khác vào đầu năm 2018 đã làm thay đổi cuộc chơi cho hệ thống tái chế toàn cầu.

Cho đến gần đây, Trung Quốc là nước xử lý lớn nhất và quan trọng nhất đối với nhựa tái chế. Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa, chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu toàn cầu. Các quốc gia tiên tiến như Mỹ và Nhật Bản phải phụ thuộc vào Trung Quốc đối với rác thải.

Hàng đống rác thải chất trên một chiếc xe tải ở Hàn Quốc

Trung Quốc đã sử dụng thùng rác nhựa của thế giới như một nguồn tài nguyên giá rẻ. Ví dụ, chai nhựa được rửa sạch và cắt thành từng mảnh trước khi đưa gửi đến Trung Quốc. Trong các nhà máy Trung Quốc, các mảnh nhựa được làm nóng và biến thành hàng dệt hoặc làm gối, mền và búp bê. Giá trị thị trường hàng nhập khẩu chất thải nhựa Trung Quốc đạt 36 tỷ USD trong năm 2015.

Nhưng vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã đệ trình một kế hoạch cho Tổ chức Thương mại Thế giới, nói rằng họ sẽ ngừng nhập khẩu 24 loại chất thải. Kế hoạch được thực hiện vào tháng 1/2018, và lượng nhập khẩu nhựa của Trung Quốc đã giảm xuống hầu như bằng không.

Ban đầu, hầu như không ai làm ngoài ngành công nghiệp tái chế chú ý nhiều đến sự thay đổi chính sách này. Nhưng bây giờ đó là một vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và doanh nghiệp, rác đi theo các hướng mới và thậm chí biến mất không một dấu vết. Các nhà hoạch định chính sách bận rộn, vì họ phải đưa ra phương tiện quản lý chất thải có trách nhiệm hơn.

Steve Wong, giám đốc điều hành của Fukutomi, một công ty tái chế và kinh doanh nhựa ở Hong Kong cho biết: "Lệnh cấm của Trung Quốc đột ngột, khiến các nước [Đông Nam Á] không chuẩn bị để đón nhận lượng lớn rác thải. Các thùng nhựa phế liệu thường bị kẹt trong nước gần các cảng do thiếu thiết bị cảng và nhà máy xử lý. Trong một số trường hợp, các công ty vận tải sẽ bỏ container đó đi để không phải chịu phí đỗ xe đắt đỏ".

Ông Wong nói Đông Nam Á không thể xử lý ngay cả một nửa khối lượng rác thải nhựa mà Trung Quốc nhập khẩu trong quá khứ.

Dữ liệu từ Global Trade Atlas cho thấy Thái Lan đang phải gánh gánh nặng này. Từ tháng 1 đến tháng 3/2018, Thái Lan nhập khẩu 121.000 tấn rác từ Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu - gấp 17,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Malaysia đã tăng gấp bốn lần, trong khi Việt Nam, Đài Loan và Hàn Quốc tất cả đều chứng kiến mức tăng đáng kể kể từ đầu năm. Nhìn vào số lượng nhập khẩu nhựa tổng thể, Malaysia đã có sự tăng vọt lớn kể từ đầu năm ngoái.

Các công ty xử lý chất thải đã phải vào cuộc điều chỉnh

Wong ước tính 1.700 công ty tái chế được cấp phép ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu và 30% đến 40% trong số đó đã phải chuyển hoạt động sang các nước Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Fukutomi có ba nhà máy tái chế nhựa ở Trung Quốc nhưng đã phải đóng cửa tất cả vào năm ngoái. Thay vào đó, trong hai năm qua, công ty mở một nhà máy ở Malaysia và một Việt Nam.

Một quan chức cấp cao của Bộ Công nghiệp Thái Lan khẳng định xu hướng này, nói rằng: "Có tới 1.000 doanh nhân Trung Quốc đang xin phép tái chế ở Thái Lan, với tổng vốn đầu tư lên đến 250 triệu baht (7,6 triệu USD)".

Một phụ nữ đang phân loại các chai nhựa đựng nước ngọt ở Hà Nội vào tháng Tám. Ảnh: Reuters

Nhưng các nước nhập khẩu cũng đang ngày càng trở nên phòng thủ hơn.

Thái Lan đã tạm ngừng cấp phép vô thời hạn và, theo quan chức Bộ Cộng nghiệp, Thái Lan cũng nỗ lực từ chối yêu cầu mua đất của các doanh nhân Trung Quốc. Tính đến tháng 6, chính quyền đã thu hồi giấy phép nhập khẩu của 5 trong số 7 nhà nhập khẩu chất thải nhựa.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã lập luận tại Quốc hội trong tháng 6 về các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu phế liệu đang đe dọa "biến đất nước thành bãi chôn lấp chất thải công nghiệp và phóng xạ".

Hai cảng quốc tế lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh - Cát Lái và cảng Hiệp Phước - đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu nhựa phế liệu và hạn chế nhập khẩu giấy phế liệu từ ngày 1/6 đến ngày 30/9.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói tại một cuộc họp báo vào ngày 28/5 rằng chính phủ dự định có các biện pháp quyết định nhằm ngăn chặn nhập rác lậu.

Trung Quốc vẫn quyết tâm đóng cửa

Các nhà chức trách đã đưa ra một dự án gọi là National Sword để ngăn chặn buôn lậu, cùng với một sáng kiến ​​liên quan đến "chất thải nước ngoài" được gọi là Blue Sky 2018. Trong tháng 5, họ đã thu giữ 606.500 tấn nhựa và kim loại hỗn hợp, bắt giữ 137 người buôn lậu.

Những dự án này do chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Nhưng tại sao?

Có gần 30 thị trấn trên khắp Trung Quốc chế biến chất thải nhựa nhập khẩu, theo bộ phim tài liệu năm 2016 "Plastic China". Người thu gom rác và gia đình họ làm việc dưới những điều kiện ngột ngạt, nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường của họ.

"Plastic China" đã bị cấm chiếu ở trong nước. Nhưng Kojima, nhà kinh tế học, cho biết tin đồn trong ngành công nghiệp tái chế là Chủ tịch Tập Cận Bình đã xem bộ phim và quyết tâm thay đổi tình hình, như một phần trong kế hoạch lớn của ông để thiết lập Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu.

Các quan chức Thái Lan đang kiểm tra rác thải nhựa nhập lậu vào đất nước.

Cuộc chiến rác thải của Bắc Kinh mới chỉ bắt đầu

Đầu tiên, lệnh cấm áp dụng trong tháng 1/2018, đến tháng 4/2018, chính phủ thông báo sẽ cấm thêm 16 loại rác nữa vào cuối năm, bao gồm cả phế liệu xe ô tô bị loại bỏ và các thiết bị điện. Và sẽ có thêm 16 loại rác nữa sẽ bị cấm vào cuối năm 2019.

Bất chấp thách thức, Bắc Kinh có thể đang giúp thế giới về lâu dài. Các nước tiên tiến đang buộc phải tái chế nhiều nhựa hơn tại địa phương và tìm ra những cách bền vững hơn để đối phó với rác thải. Bây giờ, họ không thể đơn giản đưa rác vào Trung Quốc.

Không thể phủ nhận gánh nặng chi phí. Xử lý 1 tấn chai nhựa ở Trung Quốc có chi phí khoảng 200 USD, nhưng chi phí có thể lên đến 500 USD ở các nền kinh tế phát triển. Tình trạng thiếu lao động ở các thị trường trưởng thành là một vấn đề khác nữa.

Tuy nhiên, có vẻ sẽ không có con đường quay lại. Chống ô nhiễm nhựa là nội dung trọng tâm của Ngày Môi trường Thế giới năm nay, ngày 5/6. Vào tháng 5, EU đã công bố kế hoạch cấm sử dụng các sản phẩm nhựa đơn lẻ như ống hút và tăm bông.

Nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn, lệnh cấm của Trung Quốc không hẳn là sự choáng váng khởi đầu của một ngành công nghiệp, mà là một yếu tố mang đến sự thay đổi trên toàn thế giới trong việc việc sử dụng nhựa thận trọng hơn.

Hoàng Lan

Chủ đề khác