VnReview
Hà Nội

Súng laser vũ trụ của Liên Xô vừa được tiết lộ

Liên Xô thực sự đã chế tạo một khẩu súng laser cầm tay cho các phi hành gia để sử dụng… trong vũ trụ, nhưng chưa mang được nó lên quỹ đạo – đó là những gì mà chúng ta biết.

Theo nhiều nguồn tin của Nga, súng ngắn laser cầm tay cho các phi hành gia xuất phát từ Học viện RVSN Peter Đại đế, nơi đào tạo kỹ sư cho các lực lượng tên lửa chiến lược của quốc gia. Bảo tàng của Học viện vẫn giữ một bản sao của khẩu súng và ít nhất một bản sao khác đã được trưng bày tại Hội chợ Đổi mới và Sáng tạo tại Moscow năm 2011.

Demyan Makarenko, đại diện của Học viện Peter Đại đế tại sự kiện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn video rằng súng không gian laser đã được lên ý tưởng cho trạm vũ trụ quân sự Almaz ("kim cương"), khi đó đang được phát triển ở Liên Xô trong nửa cuối những năm 1960 và lần đầu tiên cất cánh vào năm 1973.

Một số nguồn của Nga mô tả khẩu súng laser như một vũ khí tự vệ của các phi hành gia trong không gian, làm cho chúng ta có ấn tượng rằng phi hành đoàn của Liên Xô đang chuẩn bị cho các cuộc đấu súng với kẻ thù trên trạm vũ trụ. Nhưng ngay cả trong bầu không khí căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, thật khó tưởng tượng ra một kịch bản trong đó "lực lượng vũ trụ" của Mỹ có thể tới nơi, cập bến và đột nhập vào khoang áp suất của một trạm không gian Liên Xô. Ngay cả khi họ đã làm được điều đó, một khẩu súng laser tương đối yếu sẽ là một biện pháp phòng thủ đáng ngờ.

"Xin lỗi, tôi phải nói trước rằng nó không có tính sát thương, vì vậy bạn sẽ không thể thấy một lỗ thủng trong đầu của ‘kẻ thù' sau khi bóp cò…", Makarenko nói đùa trong cuộc phỏng vấn video.

Thay vào đó, thiết bị dường như là một vũ khí chống vệ tinh, được thiết kế để phá hủy những chi tiết quang học nhạy sáng và các cảm biến khác trên tàu vũ trụ của kẻ địch dám tiếp cận quỹ đạo của tàu Liên Xô. Thực ra vào thời đó, các quốc gia chạy đua vào không gian đang nghiên cứu các dự án với tàu vũ trụ thăm dò bằng robot và thậm chí phi công có thể đánh chặn, chụp ảnh và tương tác vật lý với các vệ tinh không hợp tác. Các chiến lược gia vũ trụ của Liên Xô thậm chí còn nghi ngờ rằng tàu con thoi Space, được bắt đầu phát triển vào năm 1971, có thể cướp lấy các vệ tinh bí mật của họ từ quỹ đạo và thậm chí mang chúng trở lại Trái đất.

Điều đó không có khả năng xảy ra, nhưng lo lắng đã khiến Liên Xô phát minh ra nhiều biện pháp phòng thủ khác nhau, một trong số đó là súng laser với mục tiêu là nhỏ và nhẹ như một khẩu súng lục bình thường – một điều rất quan trọng trong không gian.

Các nguồn tin hiện có từ phía Nga không cho biết liệu các phi hành gia có thể sử dụng vũ khí này khi di chuyển ngoài trạm không gian hay không. Khả năng là họ có thể bắn súng laser vào phi thuyền của địch qua cửa sổ tàu, trong khi vẫn an toàn trong khoang áp suất.

Theo tài liệu ghi chép, Thiếu tướng Viktor Sulakvelidze, giáo sư Học viện Peter Đại đế, đã lãnh đạo nhóm phát triển trong dự án súng laser dựa trên thực tế là: các thiết bị dẫn đường quan trọng trên một vệ tinh có thể bị vô hiệu hóa bằng một lượng ánh sáng tương đối thấp - khoảng 10 jun (đơn vị đo năng lượng).

Thách thức chính đối với những người tạo ra súng laser là tạo ra một đèn pin thu nhỏ, đượcdùng để "bơm" các hạt electron trong tia laser tới trạng thái năng lượng cần thiết để tạo ra chùm ánh sáng mạnh. Ngoài ra, tất cả các hóa chất được sử dụng bên trong khẩu súng không được sinh ra hóa chất độc hại đối với khí quyển của trạm vũ trụ và không gây cháy nổ khi khởi động.

Để đáp ứng tất cả các yêu cầu này, các kỹ sư của Liên Xô đã thiết kế một chiếc đèn chứa đầy oxy và các lá hoặc bột kim loại. Thay vì magiê, thường được sử dụng trong đèn nhấp nháy, đèn laser sử dụng "nhiên liệu" zirconi, tạo ra năng lượng ánh sáng gấp ba lần. (Zirconi, ký hiệu hóa học Zr, là một kim loại chuyển tiếp màu trắng xám bóng láng, tương tự như titan.) Một số phụ gia muối kim loại được sử dụng để gắn bước sóng của đèn flash với phạm vi của hệ thống laser. Tinh thể yttrium nhôm garnet được sử dụng như một "phương tiện" phát ra tia laser hồng ngoại sau mỗi lần bắn. (Yttrium nhôm garnet là một tinh thể được sử dụng trong laser trạng thái rắn.)

Khi được đốt cháy bởi một tia lửa điện từ một sợi hợp kim vonfram-rhenitrong không khí chứa đầy oxy, đèn sẽ tỏa sáng chỉ trong 5 hoặc 10 mili giây, tạo ra nhiệt độ đáng kể khoảng 5.000 K. Vũ khí được cho là có thể tấn công các mục tiêu trong phạm vi 20 mét. (Vonfram và rheni đều là các kim loại chuyển tiếp nặng).

Không cần phải nói, mỗi ngọn đèn sẽ tắt sau một lần"bắn" duy nhất, vì vậy nó được thiết kế dưới dạng viên đạn với đường kính 10 mm, được nạp từ một băng đạn chứa tám viên đạn. Sau mỗi lần bắn, ngọn đèn được phóng ra sẽ bị đẩy ra khỏi súng, giống hệt như súng bắn đạn thật.; Sau này, họ phát triển khẩu súng laser thế hệ tiếp theo chứa được sáu viên đạn. Nhiều nguồn tin cũng đề cập đến các phiên bản khác của thiết bị, bao gồm một số loại dụng cụ y tế dựa trên đó. Theo một nguồn tin, súng laser của Nga vẫn cần một nguồn năng lượng bên ngoài khi bắn.

Súng Laser với đèn Flash pháo hoa, khi được chính thức biết đến, được báo cáo là sẵn sàng sử dụng vào năm 1984, bảy năm sau khi Liên Xô đã gửi phi hành đoàn cuối cùng tới trạm vũ trụ Almaz. Mặc dù chương trình trạm vũ trụ dân sự vẫn tiếp tục ở Liên Xô và sau đó là Nga, có vẻ như khẩu súng laser không bao giờ được đem lên quỹ đạo. Dù vậy, nó có thể được coi là tiền thân của các con trỏ laser ngày nay và các gadget tương tự khác.

Hồng Ngân

Theo Popular Mechanic

Chủ đề khác