VnReview
Hà Nội

Năng lượng sinh học làm trầm trọng thêm nạn đói

Giới khoa học cho rằng nên suy nghĩ lại về năng lượng sinh học vì nguồn nhiên liệu này không thể ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Năng lượng sinh họcĐức là quốc gia đi đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng với hy vọng sẽ đẩy lùi dầu mỏ, than đá và khí đốt thông qua việc sản xuất nguyên liệu tái sinh như trồng cây lấy gỗ, trồng ngũ cốc và sử dụng rơm rạ. Những nguyên liệu này được coi là trung tính với khí hậu và dễ cất giữ. Đây chính là những lý do để Chính phủ Đức quyết định đến năm 2050 sẽ tăng lượng sinh khối lên gấp ba lần trong việc cung ứng năng lượng cho cả nước (hiện nay là 8%).

Tuy vậy, Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Leopoldina tỏ ý nghi ngờ về tầm nhìn tương lai này. Mới đây, công trình nghiên cứu "Năng lượng sinh học: khả năng và giới hạn" của Viện đã đưa ra kết luận: "Năng lượng sinh học không thể đóng vai trò quan trọng về lượng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng cả trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. Không nên tiếp tục mở rộng các cơ sở năng lượng sinh học. Chỉ nên tăng cường sử dụng chất thải sinh học".

Công trình nghiên cứu này đặc biệt phê phán kế hoạch của EU: đến năm 2020 có 10% các loại nhiên liệu được chế biến từ sinh khối; tất cả các loại nhiên liệu sẽ từng bước phối trộn với 10% biodiesel hay bioethanol. Trong khi đó, xăng E-10 đang gây rất nhiều tranh cãi. Các nhà khoa học của Viện Leopoldina kiến nghị EU phải xem xét lại kế hoạch này.

Năng lượng sinh học là nguồn cạnh tranh tiềm tàng với ngành sản xuất lương thực, thực phẩm, nó gia tăng sự tranh chấp căng thẳng giữa "xe bồn chở dầu và mâm cơm" vì một phần diện tích đất đai mầu mỡ được sử dụng để trồng các nông sản nhằm sản xuất nhiên liệu. Các nhà khoa học tại Leopoldina cảnh báo: "Nhập khẩu sinh khối có nghĩa là xuất khẩu rủi ro đối với một nền nông nghiệp thâm canh, nhất là khi các nước xuất khẩu sinh khối lại không sản xuất bền vững và phá rừng trong khi người dân vẫn còn bị thiếu đói".

Bên cạnh đó, để tạo ra được sinh khối phải sử dụng máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… những sản phẩm này đều đòi hỏi tiêu hao nhiên liệu hóa thạch. Và quá trình sản xuất Bioethanol, Biodiesel hay Biogas đều tiêu tốn năng lượng. Vì thế cuối cùng lượng chất thải gây hiệu ứng nhà kính cũng không giảm được bao nhiêu.

Nhà khoa học Hartmut Michel, giải thưởng Nobel Hóa học năm 1988, nhấn mạnh trong tạp chí chuyên đề Angewandte Chemie (Hóa học ứng dụng) về "sự vô nghĩa của nhiên liệu sinh học". Ông phân tích hết sức tường tận rằng sản xuất nhiên liệu sinh học nghĩa là sử dụng không hiệu quả đất nông nghiệp. Ngay cả những cây mọc nhanh như cây bồ đề cũng chỉ tận dụng được khoảng 1% năng lượng ánh sáng. Quá trình chuyển hóa thành năng lượng sinh học lại làm thất thoát tiếp một phần năng lượng. Trong biodiesel của Đức chế biến từ hạt cải dầu "chứa không đến 0,1% Bioethanol, dưới 0,2 %, Biogas và khoảng 0,3% lượng ánh sáng mặt trời". Trong đó, năng lượng hóa thạch sử dụng cho quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học phải chiếm tới nửa giá trị này. Một tế bào quang điện bình thường có bán trên thị trường có mức hiệu quả là 15% cùng với bình ắc quy có thể tích năng lượng mặt trời nhiều hơn 150 lần so với nhiên liệu sinh học.

Nhà khoa học này đề xuất ý kiến: nếu để cân đối CO2 thì hãy trồng rừng trên diện tích định trồng cây năng lượng. Mỗi mét vuông đất trồng rừng có thể hút CO2 nhiều gấp 10 lần so với diện tích trồng cây làm nhiên liệu sinh học dùng để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Tương tự các nhà khoa học của Viện Leopoldina, Hartmut Michel nhận định: "Chúng ta không nên trồng cây làm nhiên liệu sinh học vì điều đó sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Thay vì đốt cây năng lượng đó, ta biến chúng thành những sản phẩm hóa chất có giá trị cao hơn; rồi cuối cùng, con người mới sử dụng năng lượng còn lại của các sản phẩm này làm chất đốt". Các nhà khoa học gọi nguyên tắc sử dụng tài nguyên thân thiện này là hình thức sử dụng đa cấp.

Các nhà nghiên cứu còn đồng tình với nhau rằng so với năng lượng sinh học, các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió có hiệu suất cao hơn, có khả năng phân bổ rộng lớn hơn, hạn chế sản sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ít gây ô nhiễm môi trường.

Theo Die Zeit/ Tia Sáng

Chủ đề khác