VnReview
Hà Nội

Trung Quốc có lợi thế như thế nào trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo?

Các cảnh sát ở Trung Quốc nói rằng họ có thể dùng trí tuệ nhân tạo để bắt tội phạm - và nếu bạn không tin, hãy xem xét trường hợp sau đây, khi một... kẻ trộm khoai tây bị bắt giữ tại một buổi hòa nhạc pop.

Vào tháng 5, các quan chức ở thành phố Gia Hưng phía đông Trung Quốc đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) để bắt một kẻ tình nghi giữa cả đám đông hơn 20.000 người tham dự buổi biểu diễn của ca sĩ Hồng Kông Jacky Cheung. Đúng khoảnh khắc đi qua hệ thống an ninh tại buổi hòa nhạc, kẻ tình nghi đã bị đánh dấu: Một thuật toán đã kết hợp khuôn mặt của hắn ta với một hình ảnh từ cơ sở dữ liệu những bức ảnh của tội phạm bị truy nã. Ngay lập tức, nhà chức trách đã bắt giữ người đàn ông này với tội danh ăn cắp lô khoai tây trị giá 17.000 USD.

Tên trộm là kẻ chạy trốn thứ ba bị bắt tại buổi hòa nhạc Jacky Cheung sau nhiều tháng sử dụng phần mềm do Megvii phát triển, một công ty phần mềm có trụ sở tại Bắc Kinh. Nhưng Megvii không phải là công ty duy nhất đi tiên phong trong lĩnh vực đưa trí tuệ nhân tạo vào công nghệ nhận diện khuôn mặt. Chi nhánh thanh toán di động Ant Financial của Tập đoàn Alibaba sử dụng tính năng "cười để trả tiền" tại KFC. Một trường trung học ở Hàng Châu theo dõi mức độ tập trung của học sinh trong lớp bằng camera theo dõi. Cảnh sát giao thông ở Thâm Quyến và các thành phố khác ứng dụng AI để phát hiện ra những kẻ đi "coi trời bằng vung". Một công viên gần Đền Thiên đường của Bắc Kinh cũng sử dụng công nghệ trong một nhà vệ sinh công cộng để ngăn chặn nạn ăn cắp giấy vệ sinh.

Tất cả những điều này cho thấy sự "nhiệt tình" đến mức phi thường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đi đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo vào năm 2030, tạo ra một ngành công nghiệp trong nước trị giá gần 150 tỷ USD.

Liệu phần còn lại của thế giới có nên được báo động bởi những giấc mơ AI của Trung Quốc? Có lẽ là không. Bởi vì hầu hết những nỗ lực trên, cho dù dưới con mắt phân tích của các quan chức Mỹ hay các chuyên gia Trung Quốc, vẫn chỉ là những giả định rằng các chương trình đó giống như quảng cáo. Mặc dù ông Tập Cận Bình chắc chắn đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, thắt chặt hạn chế đối với các công ty nước ngoài, và chi các khoản trợ cấp lớn cho các lĩnh vực then chốt, tương lai của một quốc gia uy quyền về trí tuệ nhân tạo vẫn còn xa vời. "Công nghệ AI đang có nhiều thách thức trên toàn cầu mà không riêng một chính phủ nào có thể giải quyết", một báo cáo hồi tháng Sáu đã viết.

Kai-Fu Lee, cựu lãnh đạo Google Trung Quốc cho rằng A.I. đang chuyển từ thời đại Age of Discovery do Mỹ đi đầu sang thời đại thực hiện mà Trung Quốc có được những lợi thế về cấu trúc đáng kể. Dữ liệu, sức mạnh tính toán và các kỹ sư có trình độ - tất cả đều ủng hộ quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo Fortune, những người ủng hộ trí thông minh nhân tạo cảnh báo rằng AI có thể quét sạch hàng triệu công việc, một vấn đề đáng lo ngại ở một đất nước vẫn phụ thuộc nhiều vào công việc sản xuất lặp đi lặp lại. Trung Quốc sẽ đối phó như thế nào? Dường như deep learning (học sâu) cũng nảy sinh những câu hỏi "deep" không kém.

Hoàng Lan

Chủ đề khác