VnReview
Hà Nội

Bạn cần bao nhiêu người về "phe" mình để có thể thay đổi ý kiến đám đông?

Thật sự cần bao nhiêu người để thay đổi ý kiến đám đông hay thậm chí cả thế giới? Xin lưu ý đây chẳng phải là câu hỏi đùa. Vẫn chưa ai có thể trả lời được câu hỏi này cho đến... gần đây.

Theo Futurism, chúng ta đã thấy rất nhiều nhận thức xã hội thay đổi chỉ trong hàng chục năm qua - từ quyền lợi của người đồng tính cho đến bình đẳng giới tính. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa suy nghĩ nghiêm túc về một điểm mang tính mấu chốt: số lượng người nhất định cần có để lan tỏa một lý tưởng đến cộng đồng.

Bạn nghĩ là bao nhiêu? Giả thiết 10% số lượng dân số là quá thấp? Còn 51% thì quá cao chăng? Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania và Đại học London khẳng định một cuộc thí nghiệm online đã dẫn họ đến đáp án bất ngờ: 25%. Chi tiết thí nghiệm đã được đăng trên tạp chí Science.

Trong giai đoạn đầu của thí nghiệm, họ tập trung vào việc tạo ra một quy chuẩn xã hội. 194 tình nguyện viên được phân vào 10 nhóm online, với 20 tới 30 người ở mỗi nhóm. Tiếp theo, họ ghép cặp các thành viên của từng nhóm lại và yêu cầu họ cùng đặt tên cho một món đồ trong hình ảnh được cung cấp sẵn, rồi gửi cái tên cuối cùng mà họ chọn vào khung chat.

Nếu cả hai người đưa ra lựa chọn tương tự nhau trong khoảng thời gian xác định, họ nhận tiền thưởng. Nhưng nếu cái tên khác nhau, họ bị phạt tiền. Sau khi kết thúc, tình nguyện viên tiếp tục bắt cặp với người khác để tạo cặp đôi mới với mục tiêu tương tự: thống nhất tên cho món đồ.

Các tình nguyện viên đã không mất quá nhiều thời gian để hợp tác với nhau. Tuy nhiên vào lúc đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu đưa vào từng nhóm những "người tuyên truyền" – mang nhiệm vụ thay đổi tên món đồ vốn đã được tình nguyện viên thống nhất từ trước.

Và khi số lượng "người tuyên truyền" chiếm 25% tổng số lượng người tham gia đặt tên, họ liên tục thành công trong việc thay đổi tên món đồ theo ý họ. Trong một vài trường hợp, thì chỉ cần thêm một người là đã đủ để tạo ra sự thay đổi.

Dĩ nhiên, trong "thế giới thực", còn rất nhiều yếu tố khác tác động đến sự thành công của nhóm thiểu số. Ví dụ như: quãng thời gian mà nhóm đa số đã dùng để xem xét quan điểm và cam kết cảm xúc của họ với điều đó.

Tuy vậy, bài học rút ra từ con số 25% mang lại tín hiệu vừa khích lệ và vừa hơi đáng sợ. Đối với các nhà hoạt động xã hội, biết được điều này khiến họ vững vàng hơn. Họ không cần phải cố gắng thay đổi nhận thức của toàn bộ cộng đồng – do 25% là đủ - và thậm chí 1 người cũng mang khả năng tạo nên sự khác biệt.

Đáng buồn thay, theo nhóm nghiên cứu nhận định, dĩ nhiên chính phủ hoặc những tổ chức khác có thể huấn luyện và đưa "người tuyên truyền" vào các hội nhóm online công cộng. Miễn sao đạt được mốc 25%, họ sẽ thành công thay đổi quan điểm công chúng theo ý họ.

Ngày nay, việc này trở nên dễ dàng hơn với sự giúp sức từ công nghệ. Đừng quên rằng trong cuộc bầu cử Mỹ gây tranh cãi giữa Donald Trump và Hilary Clinton, 20% những đoạn tweet chính trị liên quan đã được tạo ra từ AI.

Ngọc Quyên

Chủ đề khác