VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu: Thời thơ ấu nghèo đói là tiền đề sản sinh ra những nhà lãnh đạo độc tài

Thông qua ba nghiên cứu riêng biệt, các nhà khoa học Pháp và Romania đã phát hiện ra rằng, những người từng trải qua một tuổi thơ thiếu thốn và nghèo đói dễ trở thành một nhà lãnh đạo độc tài khi trưởng thành.

Từ mục đích ban đầu là khám phá nguồn gốc của chủ nghĩa độc tài, các nhà nghiên cứu Pháp và Rumani đã cùng hợp tác đánh giá mối liên hệ giữa thời thơ ấu nghèo đói, khổ sở với một nhà lãnh đạo độc tài về sau này.

Theo Psypost, nghiên cứu có tên "Childhood Harshness Predicts Long-Lasting Leader Preferences", tạm dịch là "Sự khắc khổ thời thơ ấu dự đoán khuynh hướng về một nhà lãnh đạo độc tài".

Như đã nói ở trên, nghiên cứu các nhà khoa học Pháp và Rumani là kết quả từ ba nghiên cứu độc lập. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tìm hiểu liệu ưu tiên của các nhà lãnh đạo có bị tác động bởi sự thiếu thốn và nghèo đói khi còn nhỏ hay không. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, môi trường sống kham khổ, khắc nghiệt có thể tác động tới những mối quan tâm liên quan đến chính trị.

Nghiên cứu thứ nhất

Mục đích của nghiên cứu đầu tiên nhằm khám phá tác động của nghèo đói đối với khuynh hướng trở nên mạnh mẽ và độc tài của những đứa trẻ. Khoảng 40 đứa trẻ từ 6-8 tuổi, sống tại thành phố Slatina, Rumani và đang học tập tại hai ngôi trường thuộc các tầng lớp khác nhau đã tham gia nghiên cứu. Chúng cũng là những đứa trẻ từng trải qua tuổi thơ thiếu thốn.

Các nhà nghiên cứu đề nghị những đứa trẻ chọn hình ảnh các nhà lãnh đạo dựa trên khuôn mặt. Bất ngờ thay, đa số chúng đều lựa chọn hình ảnh những nhà lãnh đạo có khuôn mặt mang nặng chủ nghĩa độc tài, bất đối xứng và không đáng tin cậy.

Các nhà khoa học cho rằng, khuynh hướng lãnh đạo của trẻ khá nhạy cảm với môi trường sống của chúng. Ở những trẻ có cuộc sống thiếu thốn, chúng thường thích hình tượng một nhà lãnh đạo phải thật mạnh mẽ và có quyền lực.

Nghiên cứu thứ hai

Với nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học muốn kiểm tra tác động của thời thơ ấu với đối tượng là người lớn. Có khoảng 813 người Pháp trong độ tuổi từ 16-83 tuổi tham gia nghiên cứu. Họ được yêu cầu chọn những người sẽ tham gia cuộc bầu cử quốc gia.

Kết quả là những người có tuổi thơ ấu thiếu thốn có xu hướng chọn những nhà lãnh đạo có tướng tá mạnh mẽ và độc tài. Tác động của sự nghèo đói thuở ấu thơ đối với khuynh hướng chính trị tồn tại ngay cả khi xét đến yếu tố trình độ học vấn hay sự chăm sóc của cha mẹ.

Nghiên cứu thứ ba

Trong nghiên cứu thứ ba và cũng là nghiên cứu cuối cùng, các nhà kha học đã phân tích tác động của sự thiếu thốn và nghèo đói thời thơ ấu đối với các nhà lãnh đạo độc tài khi trưởng thành.

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ một cuộc khảo sát xã hội học quy mô lớn, được tiến hành trên khoảng 66.281 người sống tại 46 quốc gia ở Châu Âu. Kết quả không khác với hai nghiên cứu trước khi những người Châu Âu có đời sống thuở thơ ấu nghèo khổ lựa chọn những nhà lãnh đạo độc tài lên nắm quyền.

Tác động của sự nghèo đói thời thơ ấu lên khuynh hướng chính trị rất rõ ràng. Nghiên cứu cũng tính đến cả trình độ học vấn, thu thập, mức độ căng thẳng và mức độ tiếp cận với chính trị khi còn nhỏ.

Lou Safra và 5 nhà khoa học khác kết luận: "Với các nghiên cứu hiện tại, chúng tôi đang nhắm đến việc tìm hiểu tác động của môi trường thời thơ ấu đối với khuynh hướng chính trị. Những kết quả đều rất phù hợp với giả thuyết cho rằng, sống trong tình trạng nghèo đói khi còn nhỏ dễ nảy sinh tư tưởng quý mến và muốn trở thành các nhà lãnh đạo độc tài".

Công trình nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Evolution and Human Behavior mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác