VnReview
Hà Nội

Viêm loét dạ dày, căn nguyên và cách chữa

Trong nhiều năm, các bác sĩ cho rằng sự căng thẳng và áp lực trong công việc và cuộc sống (stress) là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày vì stress làm gia tăng axit dạ dày, nhưng sau đó nghiên cứu xuất hiện vào những năm 1980 cho thấy chính việc sử dụng thường xuyên các thuốc chống viêm (NSAID, như apsirin), lối sống và một loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra là thủ phạm thực sự của các vết loét dạ dày.

Loét dạ dày hình thành khi có bất kỳ sự kết hợp nào của axit dạ dày dư thừa, vi khuẩn, thuốc hoặc các "độc tố" khác gây hư tổn và tạo ra các lỗ nhỏ trên niêm mạc, mô lót dạ dày, các bộ phận của ruột non và các cơ quan khác. Các triệu chứng loét không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng, gây chán ăn và buồn nôn hoặc nôn liên tục.

Nghiên cứu cho thấy rằng, bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, giảm căng thẳng và kích thích, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch, bạn có thể làm giảm nguy cơ bị loét dạ dày rất nhiều.

Lược sử về bệnh loét dạ dày

Từ những năm 1880, các bác sĩ đã thực hiện các ca phẫu thuật để điều trị loét dạ dày, trong đó họ cắt bỏ phần dưới của dạ dày và nối lại với ruột, nhưng nhiều bệnh nhân bị chảy máu đến chết hoặc không được chữa khỏi hoàn toàn. Phẫu thuật có thể loại bỏ tình trạng loét cho một số người, nhưng khoảng 25% bệnh nhân bị bệnh nặng, chán ăn và không bao giờ được chữa lành hoàn toàn.

Trong nhiều thập kỷ, loét dạ dày được coi là một loại bệnh "tâm thần", có nghĩa là do có một lối sống căng thẳng cao, nhiều áp lực. Khi đó, các bác sĩ xác định tỷ lệ loét cao ở những doanh nhân làm việc nhiều, hút nhiều thuốc và có khả năng bị thiếu ngủ, sau đó các nghiên cứu trên động vật tiếp tục khẳng định căng thẳng gây ra loét. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng khi họ đưa chuột vào những tình huống áp lực cao, những con chuột này đã gia tăng axit trong các vùng tiêu hóa và bị loét. Chuột tạo ra lượng axit dạ dày cao để làm giảm triệu chứng loét dạ dày khi các nhà nghiên cứu cho chúng ăn thuốc kháng acid, vì vậy họ cho rằng có mối liên hệ giữa loét, căng thẳng và tăng axit dạ dày.

Sau đó, một loại vi khuẩn tên là Helicobacter pylori được phát hiện ra dường như có mặt ở hầu hết mọi người bị loét dạ dày. Nó cũng được tìm thấy ở các thành viên trong gia đình có người bị loét dạ dày và có liên quan đến các rối loạn tiêu hóa khác, bao gồm ung thư dạ dày. Ở những bệnh nhân dùng thuốc / kháng sinh để diệt H. pylori, tình trạng loét thường được giải quyết ít nhất trong một khoảng thời gian tương đối dài.

Tuy nhiên, ngày nay phương pháp điều trị loét phổ biến hơn là bằng cách sử dụng các thuốc giảm axit ít nguy hiểm hơn kết hợp với lối sống và thay đổi chế độ ăn uống, thay vì kê đơn kháng sinh để tiêu diệt H. pylori, có thể có biến chứng và dẫn đến kháng kháng sinh. Kháng sinh được sử dụng để chống lại H. pylori có thể nhanh chóng giảm vi khuẩn nhưng dường như không ngăn được nó lây nhiễm trở lại mà không có các can thiệp khác.

Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng vào đầu thế kỷ 20, "100% loài người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, nhưng bạn có thể trải qua toàn bộ cuộc đời mà không bao giờ có bất kỳ triệu chứng nào". Các bác sĩ phát hiện rằng nhiễm trùng do H. pylori có thể gây loét, nhưng phải có thứ gì đó khiến một số người đặc biệt dễ bị tổn thương, vì sự hiện diện của H. pylori không thôi thì không gây đau loét. Sau đó, các nhà ;khoa học đồng ý rằng, chế độ vệ sinh và lối sống có thể xác định liệu H. pylori có gây ra vấn đề và bất kỳ triệu chứng nào hay không, cụ thể là một ai đó bị stress và cộng thêm việc tiếp xúc với thực phẩm và nước bị ô nhiễm.

Các dạng viêm loét dạ dày

Loét dạ dày (stomach ulcer, thường được gọi là peptic ulcer - loét dạ dày tá tràng) là những vết loét đau đớn phát triển trong lớp lót của hệ tiêu hóa. Chúng thường hình thành trong dạ dày nhưng đôi khi cũng có thể phát triển ở ruột non (đặc biệt là một phần gọi là tá tràng - duodenum) hoặc thực quản - esophagus.

- Loét tá tràng (Duodenal ulcers): tá tràng là phần gần của ruột non dài khoảng 25 cm và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn, vì nó giữ mật. Ống dẫn mật và ống tụy đều dẫn vào tá tràng, vì vậy nó có thể bị co lại hoặc giãn ra theo tình trạng sản xuất mật khi cơ quan này phản ứng với những thứ khác xảy ra trong cơ thể.

Loét thực quản (Esophageal ulcers): vết loét phát triển ngay phía trên dạ dày, trong thực quản - ống mang thức ăn từ miệng xuống cơ quan tiêu hóa.

- Loét chảy máu (Bleeding ulcers): Những vết loét chưa được chữa trị có thể bắt đầu chảy máu, gây ra các biến chứng khác. Chảy máu do loét dạ dày được coi là nguy hiểm nhất. Chảy máu trong cũng có thể góp phần gây loét khi có một mạch máu bị vỡ trong dạ dày hoặc ruột non của bạn.

- Loét dạ dày (Gastric ulcers): Ở một số người bị loét, có sự gia tăng axit của dịch vị dạ dày, làm thay đổi tác động của axit dạ dày lên niêm mạc đường tiêu hóa. Nói chung, gastric ulcer là một tên khác để mô tả các lỗ nhỏ trong niêm mạc dạ dày dẫn đến hình thành loét dạ dày.

Để chẩn đoán loét dạ dày, bác sĩ có thể thực hiện nội soi, cho phép bác sĩ xem lớp màng nhầy bảo vệ bên trong thực quản, dạ dày và ruột non.

Nguyên nhân gây loét dạ dày

Các vết loét dạ dày có thể phát triển vì nhiều lý do. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

- Sử dụng trong thời gian dài các thuốc không steroid, thuốc kháng viêm hoặc thuốc không bán theo toa (như thuốc giảm đau NSAID như ibuprofen và aspirin, có thể dẫn đến quá liều ibuprofen)

 - Nhiễm khuẩn trong hệ tiêu hóa do vi khuẩn H. pylori gây ra

- Hệ thống miễn dịch suy yếu do chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, thói quen ăn uống và lối sống không lành mạnh, bị stress

- Hút thuốc lá và sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn (nghiên cứu cho thấy người hút thuốc có gấp đôi nguy cơ hội hình thành loét)

- Có khối u (có thể là ung thư hoặc không ung thư) hình thành trong dạ dày, ruột hoặc tuyến tụy (được gọi là hội chứng Zollinger-Ellison), tuy nhiên đây là trường hợp hiếm gặp, tỉ lệ 1/1 triệu người

 - Có người trong gia đình cũng bị viêm loét dạ dày hoặc loét tá tràng, với nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2-3 lần, và khoảng 50% đến 60% người loét tá tràng có tiền sử gia đình bị bệnh này.

- Đã lớn tuổi. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 17% người lớn tuổi được nhận vào các viện dưỡng lão bị loét dạ dày tại thời điểm xin vào viện, nguy cơ tăng lên 21% vào năm thứ hai (có thể do sự lây lan của vi khuẩn H. pylori)

Các triệu chứng loét dạ dày thường gặp nhất

Loét dạ dày có thể gây ra một loạt các triệu chứng, một số triệu chứng nhẹ hơn và biến mất nhanh chóng, nhưng phần nhiều các triệu chứng gây đau đớn rất nhiều, nhất là khi người bệnh có tỉ lệ loét tá tràng cao.

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày bao gồm:

- Đau bụng và cảm giác nóng rát, bao gồm đầy hơi (đặc biệt là sau khi ăn, đau ở vùng giữa bụng và xương ức)

- Chán ăn và thay đổi trọng lượng cơ thể, giảm cân không rõ nguyên nhân

- Các vấn đề tiêu hóa khác như ợ nóng, trào ngược axit, cảm giác đầy hơi khó chịu

- Buồn nôn và ói mửa

- Hơi thở có mùi hôi

- Mất nước, suy nhược và mệt mỏi

- Khó ngủ do đau

- Chảy máu khi nôn mửa hoặc đi vệ sinh

- Phân sẫm màu hơn

- Tiêu chảy có thể xảy ra như một triệu chứng ngay cả trước khi các triệu chứng loét dạ dày khác bắt đầu

- Nguy cơ thủng lớp lót cơ quan tiêu hoá (một tình trạng đe dọa tính mạng đòi hỏi phẫu thuật khẩn cấp để sửa chữa các lỗ hở nhỏ trong lớp lót của đường tiêu hóa)

Cách thức hoạt động của vết loét

Khi ai đó bị loét dạ dày, axit hydrochloric và pepsin (một loại enzyme tiêu hóa protein) tích tụ và tấn công các phần của lớp niêm mạc đường tiêu hóa. Dạ dày thường kiểm soát lượng axit/pepsin bằng cách tạo ra một lớp phủ chất nhầy dày được coi là một bộ đệm giữa niêm mạc dạ dày và các axit bên trong dạ dày. Chất nhầy tự nó thường tạo ra một số hóa chất giúp sửa chữa niêm mạc dạ dày, giữ máu lưu thông và thực hiện các quá trình đổi mới tế bào. Nhưng một số phần của quá trình này có thể trở nên bị xáo trộn, và lớp lót của đường tiêu hóa có thể bị phơi nhiễm, hình thành các vết loét nhỏ.

Khi bạn ăn một bữa ăn, thực phẩm sẽ tạm thời rửa trôi axit trong dạ dày của bạn vì nó được sử dụng để phân rã các chất dinh dưỡng trong thực phẩm mà bạn ăn lần trước. Nhưng sau đó, một khi thức ăn của bạn được tiêu hóa, axit một lần nữa tích tụ trong dạ dày và có thể tác động vào vết loét nhỏ vừa mới hình thành, làm nó bị "lộ" ra bên dưới lớp đệm nhày, mở rộng hơn miệng vết loét. Khi axit dạ dày càng nhiều thì vết loét càng lớn và rộng, gây ra cảm giác nóng rát, đau đớn.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 35% bệnh nhân bị loét trải qua các biến chứng khác ngoài cơn đau tức thời, bao gồm khả năng thủng đường tiêu hóa và chảy máu bên trong. Tuy nhiên, mặc dù loét dạ dày thường khá đau và có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa khác, chúng thường không gây nguy cơ tử vong hoặc gây bệnh rất nghiêm trọng. Một tỷ lệ cao các vết loét (lên đến 90% của tất cả các trường hợp) có thể được giải quyết mà không cần phải phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc nặng.

Loét dạ dày tá tràng cũng có thể dẫn tới một số bệnh khác, đặc biệt là các bệnh liên quan đến gan và thận. Loét dạ dày có thể dẫn đến chảy máu trong bệnh xơ gan và có thể là dấu hiệu của bệnh thận mãn tính.

Điều trị loét dạ dày theo cách "tự nhiên"

Nếu bạn nghi ngờ bạn bị loét dạ dày, hãy đi khám bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân gây đau khác. Bác sĩ có thể sẽ khám sức khỏe cùng với xét nghiệm máu, cộng với hỏi bạn về việc sử dụng thuốc trước đây của bạn và có thể nội soi để tìm loét dạ dày. Mục tiêu của phương pháp điều trị loét dạ dày là giúp giảm đau và viêm ở đường tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại vi khuẩn H. pylori, ngăn ngừa biến chứng và làm giảm nguy cơ loét hình thành hoặc quay trở lại trong tương lai.

1. Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau NSAID

NSAID (non-steroidal anti-inflammatory drug) là nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid, thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng, bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp, có các công dụng giảm đau, hạ sốt và kháng viêm. Những người sử dụng NSAID mỗi ngày hoặc nhiều lần mỗi tuần có nhiều khả năng bị loét dạ dày và ợ nóng hơn so với những người không dùng chúng thường xuyên. Các NSAID (như ibuprofen hoặc Advil) được kê toa rất thường xuyên để điều trị tất cả các tình trạng gây sốt, đau và sưng - và một số người dựa vào việc dùng chúng mỗi ngày để giúp kiểm soát cơn đau mãn tính hoặc tái phát (như nhức đầu, viêm khớp)/đau khớp, chuột rút, rách cơ, nhiễm trùng, cảm lạnh…).

NSAID ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa bằng cách thay đổi cách các enzym tiêu hóa và axit dạ dày được tạo ra. Có hai loại enzyme sản xuất các hóa chất trong cơ thể của bạn để thúc đẩy đau, viêm và sốt. NSAID không chỉ làm giảm các enzym này, mà đồng thời còn giảm sản xuất một hóa chất khác bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi axit dạ dày. Nếu có thể, hãy ngừng dùng NSAID hoặc ít nhất là giảm đáng kể lượng thuốc bạn uống thường xuyên. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về các lựa chọn khác để kiểm soát cơn đau.

Vậy thuốc kháng axit và thuốc giảm axit có tác dụng như thế nào với vết loét? Dùng thuốc kháng axit có thể giúp giảm đau tạm thời, nhưng nó sẽ tiếp tục quay trở lại nếu vấn đề tiềm tàng gây loét không được giải quyết. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc khác để giảm axit dạ dày và bảo vệ loét của bạn, nhưng bạn cần chữa trị các triệu chứng của bạn một cách tự nhiên lâu dài thay vì dựa vào thuốc.

2. Kiểm soát Stress

Mặc dù khoa học đã khẳng định stress không phải là nguyên nhân gây loét dạ dày, nhưng stress vẫn là một phần trong sự phát triển của các vết loét. Khi một người bị căng thẳng mãn tính, nguy cơ loét dạ dày tăng lên, vì có một mối liên hệ giữa ruột và não bộ liên quan đến các quá trình tiêu hóa. Cơ thể nhận thấy mối đe dọa và thay đổi cách thức hoạt động tiêu hóa được thực hiện, đó là lý do tại sao có một tỷ lệ rất cao những người bị lo lắng/trầm cảm trải qua một số loại bệnh về tiêu hóa.

Những người có mức độ lo lắng và căng thẳng cao đã được quan sát thấy có tỷ lệ loét cao hơn bình thường và dễ bị nhiễm khuẩn H. pylori hơn. Căng thẳng cũng làm suy yếu hệ miễn dịch và hoạt động tiêu hóa, khiến bạn dễ bị bệnh từ nhiều loại vi khuẩn khác mà bạn tiếp xúc.

Để giúp kiểm soát stress tốt hơn, hãy tận dụng các biện pháp giảm stress tự nhiên như tập thể dục thường xuyên, thiền định, dành nhiều thời gian ở ngoài trời, ngủ ngon và sử dụng các loại tinh dầu thư giãn.

3. Tăng khả năng miễn dịch và kiểm soát viêm

Một lối sống thiếu lành mạnh sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm cho hệ tiêu hóa dễ bị viêm do vi khuẩn H. pylori gây ra. Bản thân vi khuẩn H. pylori có thể gây ra tình trạng viêm loét nặng hơn trong dạ dày và ruột non, tạo ra một chu kỳ luẩn quẩn. Nghiên cứu cho thấy rằng ngày nay khoảng 30% đến 40% người dân ở Mỹ bị nhiễm H. pylori, nhưng thường thì vi khuẩn này không hoạt động và không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào xuất hiện trong nhiều năm hoặc thậm chí là không bao giờ.

H. pylori góp phần gây loét bằng cách làm hư hại lớp màng nhầy có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tá tràng khỏi axit. Khi màng nhầy bị tấn công, axit dạ dày có thể đi qua thành dạ dày nhạy cảm, gây bỏng rát và kích thích. Nguồn lây vi khuẩn H. pylori có thể từ nước bẩn, thực phẩm hoặc đồ dùng, thông qua dịch tiết cơ thể (như nước bọt) - nhưng nó chỉ có khả năng gây loét khi hệ miễn dịch bị suy yếu.

Tăng cường bảo vệ chống nhiễm trùng bằng cách giảm thói quen xấu như hút thuốc, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, và lối sống ít vận động. Các thói quen này cũng có thể làm cho việc điều trị loét trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá làm cho các vết loét khó lành hơn và có thể gây đau đớn hơn.

4. Ăn chế độ giàu dinh dưỡng, được chế biến tối giản

Một chế độ ăn uống không đúng bao gồm rất nhiều thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn và ít thực phẩm tươi (như rau và trái cây) làm tăng nguy cơ loét, thúc đẩy viêm nhiễm và cản trở các chức năng miễn dịch. Bỏ qua một số bữa ăn và chỉ ăn một đến hai lần mỗi ngày nhưng với một lượng lớn thức ăn cùng một lúc cũng có thể làm cho các triệu chứng loét nặng hơn. Vì vậy, việc bỏ qua bữa sáng là không nên. Thay vào đó, nên ăn đủ bữa, ăn đúng giờ, không ăn quá no hoặc không để quá đói.

Một số người cũng thấy rằng ăn thức ăn nhiều gia vị làm cho các triệu chứng của họ tồi tệ hơn (mặc dù điều này phụ thuộc vào từng người).

Theo Jackson Seigelbaum Gastroenterology Center, các loại thực phẩm thường liên quan đến các khó chịu trong dạ dày bao gồm: 

- Tiêu đen

- Ớt đỏ, bột ớt

- Caffeine

- Trà hoặc cà phê loại thông thường và cả loại đã tách cafein

 - Rượu

-  Đồ uống ca cao, sô cô la

- Đồ uống có ga

- Trái cây và nước ép trái cây họ cam quýt

- Thực phẩm béo và chiên rán

- Các sản phẩm từ cà chua

- Bạc hà

Nếu tình trạng viêm loét của bạn gây buồn nôn và nôn, cần ngăn ngừa mất nước, mất cân bằng điện giải và thiếu hụt chất dinh dưỡng. Một số người bị viêm loét đau đớn sẽ ăn ít hơn để tránh đau và do đó có nguy cơ không tiêu thụ đủ lượng calo và chất dinh dưỡng. Khả năng bị viêm sẽ cao hơn nếu thực phẩm được tiêu thụ chứa ít vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.

Để kiểm soát khả năng bị viêm loét dạ dày, bạn nên thực hiện chế độ ăn như sau:

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh và tránh béo phì

- Tránh các chất kích thích dạ dày, chất gây dị ứng

- Không uống quá nhiều đồ uống có cồn và ngừng hút thuốc bởi chúng kích thích niêm mạc ruột

- Ăn các bữa ăn nhỏ hơn trong ngày, ăn nhiều bữa hơn

- Tránh thức ăn hoặc thức uống rất quá nóng hoặc quá lạnh

- Không ăn trong vòng ba giờ trước khi đi ngủ

- Các loại thức ăn nên dùng là: cơm nhão, cháo, bánh mỳ, bánh quy, cơm nếp, thịt cá nghiền nát, hấp hoặc om, sữa, trứng, các loại thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như gạo nếp, bột sắn, bánh mỳ… trong đó, uống một lượng sữa thích hợp là loại thức ăn lý tưởng của người bị loét dạ dày vì những thức ăn này mềm, dễ tiêu hóa lại có chất kiềm, có tác dụng làm bão hòa axit trong dạ dày. Tôm cá không những giàu chất Protein với chất lượng cao, mà còn giàu nguyên tố vi lượng kẽm mà cơ thể con người cần.

- Thực phẩm nên kiêng: các loại thực phẩm có độ axít cao; các loại quả chua (như chanh, cam, bưởi), cà muối, giấm, mẻ, tương ớt…; các loại thực phẩm tạo hơi trong dạ dày (các loại đậu đỗ, các loại dưa cà muối, hành…); các loại thực phẩm làm hư hại niêm mạc dạ dày (rượu, bia, ớt, tỏi, càphê, trà…); các loại thức ăn tăng tiết axít như các loại nước xốt thịt, cá đậm đặc… Ngoài ra cũng không nên ăn các loại hoa quả không có lợi cho dạ dày (chuối tiêu, đu đủ, táo…) và các loại thức ăn chế biến sẵn (giăm bông, lạp xưởng, xúc xích…); không ăn sữa chua, không uống các loại nước ngọt có gas. Không nên ăn những thức ăn thô ráp như các loại quả khô, lương thực cứng, rau cần, hẹ, những loại thức ăn khó tiêu hóa, có thể kích thích bài tiết nhiều axit và làm hỏng niêm mạc dạ dầy, khó lành chỗ loét thậm chí càng loét thêm.

- Không nên ăn những thức ăn sống, lạnh, tuyệt đối không nên ăn những thức ăn đã biến chất, tốt nhất là ăn những thức ăn hấp, nấu, ninh, còn những thức ăn rán, chiên, muối, nộm không dễ tiêu hóa sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dầy.

Ngọc Mai

Theo DrAxe.com

Chủ đề khác