VnReview
Hà Nội

Phát triển nông nghiệp 4.0, cần làm như tỉnh Lâm Đồng

TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nêu xu hướng tất yếu của nông nghiệp thông minh 4.0, đưa ra cách tiếp cận của Việt Nam với những mô hình thực tiễn ở Lâm Đồng. Ông cũng đề xuất các chính sách để nông nghiệp thông minh 4.0 phát triển hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Tại hội thảo chuyên đề 5 có chủ đề "Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững" diễn ra vào chiều ngày 12/7, TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, quá trình phát triển nông nghiệp trên thế giới đến nay đã trải qua 4 giai đoạn, trong đó nông nghiệp thông minh đã xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; sử dụng các thiết bị thông minh được kết nối bên trong và bên ngoài của trang trại/doanh nghiệp dựa trên nền tảng CNTT để quản lý nông nghiệp an toàn thực phẩm, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Mặc dù các thành phần cấu thành nông nghiệp thông minh 4.0 được phân tích nêu trên, song thực tế sản xuất ở Việt Nam còn tùy thuộc vào vùng sinh thái, loại cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất, do đó chủ trang trại không nhất thiết phải ứng dụng tất cả các thành phần công nghệ nêu trên mà có thể sử dụng bốn đến năm thành phần công nghệ phù hợp với mục tiêu, yêu cầu sản xuất của trang trại, phải hướng đến mục tiêu hiệu quả kinh doanh là chính, song việc ứng dụng IoT là công nghệ cốt lõi cần và đủ phải sử dụng ở tất cả các trang trạng nông nghiệp thông minh 4.0.

Do đó, theo khái niệm nêu trên, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải là trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là vấn đề cốt lõi để nhận diện nông nghiệp thông minh, từ đó có cách tiếp cận phù họp và hiệu quả.

Ông Phạm S nhận định, đến nay Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh theo khái niệm nêu trên. Song thực tế hiện nay, cũng có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh, đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 với thời gian ngắn trong tương lai.

Về hạ tầng nông nghiệp thông minh trong nước, theo vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam đã có khoảng 12 nhà cung cấp giải pháp IoT chính thức trong đó có Viettel, VNPT, FPT, DTT, Microsoft Việt Nam, Bigdata Trace… và khoảng 32 doanh nghiệp sử dụng. Tại Lâm Đồng có 17 doanh nghiệp sử dụng các giải pháp IoT trong nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, các doanh nghiệp điển hình như: công ty cổ phần chè Cầu Đất - Đà Lạt, công ty TNHH Long Đỉnh, công ty TNHH Trường Hoàng, công ty TNHH trang trại Langbiang, công ty cổ phần sinh học Rừng hoa Đà Lạt, công ty TNHH Đà Lạt GAP, Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt, trang trại Định Farm, trang trại Vương Đình Phi…

Đặc biệt Cầu Đất Farm bắt đầu sản xuất nông sản sạch từ hai năm trước bằng phương pháp thủy canh trên một hệ thống nhà vườn rộng 7 ha. Toàn bộ hệ thống nhà vườn do nhân viên của Cầu Đất Farm lắp ráp, đầu tư hệ thống thông minh quản lý mỗi ha nhà vườn vào khoảng 2,7 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Cầu Đất Farm sở hữu nông trại ở Đà Lạt có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ lớn nhất Việt Nam. Toàn bộ hệ thống được thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cho trang trại như quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới, châm dinh dưỡng, điều chỉnh EC và PH; hệ thống camera giám sát 24/24, để ghi lại hình ảnh cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây.

Hình ảnh nông trại Cầu Đất Farm tại Đà Lạt, Lâm Đồng

Đối với hệ thống giám sát, điều khiển qua internet có chức năng: Cung cấp hệ thống giám sát nhà kính qua website, mobile application; Giám sát realtime các thông tin nhà kính, quan sát camera. Hệ thống này cũng tự động phân tích dữ liệu môi trường, đưa ra cảnh báo, lệnh điều khiển bảo đảm môi trường cây phát triển, đưa ra quy trình cho cây trồng phát triển, nâng cao năng suất. Hệ thống này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, cà chua và các loại nông sản trên một quy mô lớn, ứng dụng toàn diện từ khâu sản xuất đến thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản và phát triển mô hình du lịch canh nông.

Từ thực tế triển khai tại Lâm Đồng, ông Phạm S đã đưa ra đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh 4.0, đó là: Chính phủ có chính sách phát triển nông nghiệp thông minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; các bộ, ngành, địa phương bám vào Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; đào tạo nhân lực chất lượng cao; mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường khả năng dự báo thị trường nông sản; xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước; đầu tư trọng điểm khoa học công nghệ; ban hành các chính sách có "tính sống cao", đặc biệt là về KHCN và tín dụng nông nghiệp thông minh 4.0.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT tham mưu đề xuất mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số đối với cuộc CMCN 4.0. Theo ông Phạm S, Chính phủ cần đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng thông minh đồng bộ để đáp ứng cuộc CMCN 4.0. Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ Đề án phát triển nông nghiệp thông minh 4.0 đến năm 2020, định hướng đến 2025.

G.L

Chủ đề khác