VnReview
Hà Nội

Trăng xanh là gì? Mặt trăng có màu xanh thực sự?

Trăng xanh là gì? Nếu bạn có mong ước làm gì khi hiện tượng dương lịch hiếm hoi - trăng tròn 2 lần một tháng - xảy ra thì hãy chuẩn bị vì ngày mai (31/8) sẽ là ngày trăng xanh.

Trăng xanh

Theo Wikipedia, trăng xanh (tiếng Anh là ‘blue moon') là hiện tượng trăng tròn lần thứ hai trong một tháng. Thông thường, một năm dương lịch có 12 lần trăng tròn, nghĩa là mỗi tháng có 1 lần trăng tròn. Nhưng do mỗi năm dương lịch dài hơn năm âm lịch 11 ngày nên những ngày này dần dồn lại để sau khoảng hai hoặc ba năm lại có thêm một lần trăng tròn.

Do đó, đến thứ Sáu này, tức ngày mai 31/8, sẽ là "trăng xanh" đầu tiên sau một thời gian dài (trăng xanh lần cuối cùng xuất hiện vào tháng 3/2010) và sẽ không có trăng xanh nữa cho đến tận tháng 7/2015, theo Daily Mail.

Tất nhiên, Mặt trăng sẽ không chuyển sang màu xanh và tại sao dân gian gọi nó là "trăng xanh" thì cho đến nay vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Mặt trăng vẫn sẽ trắng như nó vốn có trừ phi có mây che mất tầm nhìn. Nếu núi lửa phun trào, khói bụi bay lên bầu trời và trở thành các kỹ xảo hình ảnh đối với Mặt trời và Mặt trăng.

Chẳng hạn sau khi núi lửa Krakatoa ở Indonesia phun trào năm 1883, tro bụi bay vào không trung và các tầng cao hơn của khí quyển, trăng xanh đã được ghi nhận ở khắp thế giới. Hiện tượng này kéo dài đến 2 năm.

Tro bụi núi lửa Krakatoa được giải thích là nguyên nhân dẫn đến trăng xanh. Một số đám mây bụi chứa đầy những hạt rộng khoảng 1 micron (một phần triệu của một mét) – kích cỡ phù hợp để phân tán mạnh mẽ ánh sáng màu đỏ trong khi cho phép các màu khác đi qua. Các chùm tia sáng mặt trăng trắng chiếu sáng qua các đám mây này trở thành màu xanh lam, đôi khi có màu xanh lá cây.

Trăng xanh tồn tại nhiều năm sau sự phun trào núi lửa nói trên. Ngoài ra, người dân còn nhìn thấy Mặt trời màu tím hoa oải hương và các đám mây dạ quang.

Theo nhà nghiên cứu núi lửa Scott Rowland của đại học Hawaii, tro bụi cũng gây ra những cảnh hoàng hôn rực đỏ sống động đến nỗi lính cứu hỏa được triệu tập để dập cháy hỏa hoạn ở New York, Poughkeepsie và New Haven (Mỹ).

Nhiều núi lửa nhỏ hơn cũng đã biến Mặt trăng thành Mặt trăng xanh. Người ta đã thấy trăng xanh theo nghĩa đen vào năm 1983 sau khi núi lửa El Chichon ở Mexico phun trào. Ngoài ra, có nhiều báo cáo về trăng xanh xuất hiện do núi St. Helens hoạt động năm 1980 và núi Pinatubo hoạt động năm 1991.

An Nhiên

Chủ đề khác